Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Bạc Liêu lần đầu tiên “hội tụ” các miền di sản văn hóa được UNESCO vinh danh

Tối ngày 20/11, tỉnh Bạc Liêu khai mạc "Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019". Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu tổ chức sự kiện này nhân dịp 100 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" và 100 năm di tích kiến trúc "Nhà Công tử Bạc Liêu".

Bạc Liêu khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch 2019.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lê Quang Tùng nhận định, tỉnh Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là một trong những "cái nôi" của đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO vinh danh.

Bạc Liêu cũng là quê hương của bản Vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu và làn điệu hò chèo ghe Bạc Liêu. Đây là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa hết sức quý giá.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng phát biểu tại lễ khai mạc "Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019".

Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, Bộ VH-TT&DL đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu trong việc tổ chức "Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019" với sáng kiến kết nối các tỉnh, thành trong không gian hội tụ các miền di sản đã được UNESCO vinh danh.

"Đây là cơ hội để tăng cường giới thiệu quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch của Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khai thác phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và trên cả nước", Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bạc Liêu để triển khai hiệu quả các chương trình bảo tồn phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cảnh quan môi trường, nếp sống văn minh trên địa bàn Bạc Liêu để tạo tiền đề cho du lịch phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.

Cùng thưởng thức bản "Dạ cổ hoài lang".

Ca sĩ Hạnh Nguyên thể hiện "Cảm xúc điệu hoài lang" với hình ảnh nổi bật của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản nhạc lòng bất hủ.

Tại đêm khai mạc, chương trình nghệ thuật đặc sắc là sự hội tụ của nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên mọi miền đất nước, như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến từ tỉnh Đắk Lắk, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ đến từ tỉnh Quảng Nam, Dân ca Quan họ đến từ tỉnh Bắc Ninh, Hát Xoan đến từ tỉnh Phú Thọ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến từ tỉnh Nam Định.

Tất cả những di sản văn hóa này đã cùng với Đờn ca tài tử của Nam Bộ "hòa chung điệu" để tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên trở thành nơi tụ hội của các miền di sản trên cả nước.

Nữ nghệ sĩ da diết với bản "Dạ cổ hoài lang".

Đờn ca tài tử Nam Bộ là tinh hoa âm nhạc dân tộc của Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Sân khấu cải lương ra đời như một món ăn đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm, vai diễn đã đi vào lịch sử, thấm đẫm vào tâm hồn của công chúng với những giá trị chân, thiện, mỹ sáng ngời.

"Cái nôi" của những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh ngọt ngào, tình tứ đã mang hơi thở của cuộc sống và phản ánh được những nét tinh tế trong tâm hồn, tâm linh, trong phong tục, tập quán và ứng xử của người Quan họ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt (Nam Định) như một "bảo tàng sống" lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu và đời sống thường nhật của con người, cầu tài cầu lộc cầu sức khỏe, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.

Lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu tổ chức "Tuần Văn hóa - Du lịch" và hội tụ nhiều miền di sản văn hóa trên cả nước đã được Unesco vinh danh.

Huỳnh Hải

Ảnh: Phạm Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét