Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 33 triệu lượt khách trong năm 2019

Thăm quan nhà "Công tử Bạc Liêu".

Trong năm 2019, hoạt động du lịch của cụm du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL, gồm 7 tỉnh, thành: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng) tiếp tục có bước phát triển khá.

Các địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mới, đồng bộ để tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động lễ hội, sự kiện, xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết hợp tác… để thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương cũng như góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của vùng.

Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 33 triệu lượt khách trong năm 2019 - 1

Năm 2019, Bạc Liêu đã tổ chức thành công "Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu", trong đó có 2 sự kiện nổi bật là kỷ niệm 100 năm bản "Dạ cổ hoài lang" và 100 năm kiến trúc nhà "Công tử Bạc Liêu".

Thống kê của cụm phía Tây cho thấy, tổng lượt khách tham quan du lịch đến các địa phương đạt hơn 33,4 triệu lượt khách, tăng 111,7% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 73,2% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL.

Trong đó, khách quốc tế khoảng trên 1,4 triệu lượt, tăng 118,6% so với cùng kỳ 2018, chiếm 41,7% trong tổng số khách quốc tế đến ĐBSCL.

Doanh thu du lịch của cả cụm đạt trên 24.345,2 tỷ đồng, tăng 123,3% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 81,1% trong tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL.

Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 33 triệu lượt khách trong năm 2019 - 2

Du khách đến tham quan tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu.

Các tỉnh, thành trong cụm phía Tây đã tích cực tăng cường công tác xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tạo sự khác biệt, định vị được sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch đến với mỗi địa phương.

Như tỉnh An Giang công nhận và đẩy mạnh khai thác điểm du lịch rừng tràm Trà Sư; tỉnh Bạc Liêu tập trung xây dựng 2 điểm du lịch mới là Vườn chim Bạc Liêu và chùa Xiêm Cán đạt tiêu chuẩn điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL, xây dựng kịch bản với thời lượng khoảng 25 phút tái hiện một số giai thoại về "Công tử Bạc Liêu".

Còn tỉnh Cà Mau đưa vào khai thác các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và khánh thành các công trình có ý nghĩa mang tính biểu tượng cho du lịch Cà Mau, như: Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, biểu tượng Điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ.

Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 33 triệu lượt khách trong năm 2019 - 3

Tỉnh Cà Mau đã khánh thành biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau trong năm 2019.

Trong khi đó, TP Cần Thơ đẩy mạnh khai thác đối với khu du lịch Làng du lịch Mỹ Khánh và điểm du lịch Lung Cột Cầu; tỉnh Hậu Giang đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông bằng cano phục vụ khách du lịch trên sông kênh xáng Xà No.

Tỉnh Kiên Giang mở các tuyến du lịch kết nối từ đảo Phú Quốc đến khu du lịch quần đảo Nam Du; tỉnh Sóc Trăng đưa vào hoạt động cụm homestay với mô hình cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn;…

Các địa phương trong cụm cũng hỗ trợ lẫn nhau trong việc giới thiệu các điểm đến du lịch, các tour, tuyến và các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới cho du khách trong và ngoài nước. Điển hình như bước đầu nghiên cứu hợp tác xây dựng tour liên kết giữa 3 địa phương: Cần Thơ - An Giang và Bạc Liêu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch các tỉnh, thành trong cụm phía Tây vẫn còn có mặt hạn chế, như: Công tác xúc tiến quảng bá chỉ tập trung cho các thị trường trong nước, trong khi thị trường ngoài nước còn hạn chế, chưa đổi mới cách thức quảng bá xúc tiến nên hiệu quả chưa cao; việc hợp tác liên kết xây dựng gian hàng chung tại các sự kiện còn đơn điệu, chưa nổi bật,…

Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 33 triệu lượt khách trong năm 2019 - 4

Các địa phương trong khu vực ĐBSCL nói chung, cụm phía Tây nói riêng đang bước vào năm 2020, hứa hẹn ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển.

Theo các địa phương, trong năm 2020 sẽ triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL; tích cực phối hợp tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, các sự kiện du lịch và lễ hội của các địa phương trong nước và quốc tế; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát một số thị trường tiềm năng và thị trường mục tiêu trong và ngoài nước với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch tại các địa phương nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch...

Cụm phía Tây cũng kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch hỗ trợ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch tại vùng ĐBSCL nói chung, các tỉnh trong cụm phía Tây nói riêng; quan tâm đến công tác lập quy hoạch du lịch, trong đó chú trọng đến việc lập quy hoạch các khu du lịch quốc gia; tạo điều kiện cho cụm phía Tây thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức...

Huỳnh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét