Công Bính - Ngô Linh
Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020
Ngành du lịch mua gói bảo hiểm corona cho du khách
"Nghe ngóng" thông tin an toàn của điểm đến
Khi Hàn Quốc bùng phát dịch bệnh, các hãng lữ hành đã chủ động hủy tất cả các tour đến Hàn Quốc từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3. Nhân viên tư vấn của các hãng lữ hành đã liên hệ, cập nhật thông tin với khách hàng, đồng thời hướng dẫn khách chuyển sang các tour trong vùng an toàn hoặc bảo lưu giá trị tour.
"Từ giữa tháng 2/2020, chúng tôi không có khách đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giữa tháng 3 thì có một số đoàn và phía chúng tôi đang nghe ngóng thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng, đồng thời chuẩn bị phương án hủy chuyến nếu tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn tiến phức tạp hơn", bà Bảo Thu, đại diện lữ hành Fiditour cho biết.
"Đối với các tour đã lên hành trình sẽ luôn cập nhật thông tin mới nhất từ hệ thống đối tác: hàng không, đối tác tại các nước, Lãnh sự và Tổng cục du lịch các nước liên tục cho đến trước ngày khởi hành từ 5 - 7 ngày để có những quyết định phù hợp.
Trong trường hợp không thể tổ chức được tour vì nơi đến ban bố tình trạng dịch bệnh, khách hàng vẫn muốn giữ hành trình và lùi thời gian khởi hành đến sau dịch kết thúc, chúng tôi sẽ chủ động dừng hành trình, thương lượng với các đối tác để chia sẻ, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho du khách", ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện đơn vị TST chia sẻ.
Gói bảo hiểm Corona
Cuối tháng 2, Vietravel cũng đã tung ra gói sản phẩm kích cầu nhằm phục hồi thị trường du lịch với những điểm đến an toàn, đồng hành cùng chiến dịch "Tôi an toàn" như một cam kết du lịch có trách nhiệm, đảm bảo an toàn tối đa cho du khách.
Đại diện của đơn vị này cho biết: "Nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách, ngay khi dịch bệnh xảy ra, đơn vị đã làm việc với đơn vị bảo hiểm để mở rộng quyền lợi bảo hiểm liên quan đến bệnh viêm phổi do virus Corona, du khách sẽ được bảo hiểm cả trong và sau khi hành trình kết thúc 15 ngày".
"Hệ thống đối tác từ vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, tuyến điểm tham quan để chuẩn bị giới thiệu bộ sản phẩm 'phá băng' với mức giá giảm cực sâu lên đến 40%, giá tour du lịch trong nước có mức giá từ 299.000 đồng, tour nước ngoài giá từ 2.990.000 đồng. Chúng tôi cam kết giảm giá, không giảm chất lượng", đại diện đơn vị Vietravel cho biết.
Phạm Nguyễn
Tài xế taxi hứng chịu rủi ro từ dịch Covid-19
Xe của tài xế taxi Thongsuk bị tắc đường. Tình trạng kẹt xe là điều xảy ra thường xuyên ở Bangkok, Thái Lan. Để "giết" thời gian, nữ du khách người Trung Quốc rút điện thoại ra, nghiêng người lên phía trước để chỉ cho ông vài điểm cô định du lịch ở Thái Lan.
Cô gái bất ngờ hắt hơi khiến những giọt nước li ti bắn lên kính chắn gió của xe. "Tôi thấy cô gái xinh đẹp, nhưng chẳng lịch sự", người tài xế lái taxi 50 tuổi phàn nàn.
Một tuần sau, ông Thongsuk, tài xế lái taxi ở Bangkok, có kết quả dương tính với virus corona chủng mới và đã phải nhập viện.
Ông Thongsuk là một trong những bệnh nhân nhiễm nCoV, đồng thời cho thấy mức độ rủi ro của các tài xế lái taxi khi thường xuyên phải tiếp xúc với du khách nước ngoài, dù ngành du lịch toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Đầu tuần này, hai ca nhiễm nCoV mới nhất ở Thái Lan cũng là hai tài xế tái taxi. Trước đó vào đầu tháng 2 ở Đài Loan, một tài xế chuyên chở du khách Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã tử vong.
Ở Nhật Bản, một tài xế lái xe bus du lịch chở du khách từ tâm dịch Vũ Hán cũng được xác định bị lây nhiễm. Hướng dẫn viên du lịch trên xe cũng bị nhiễm virus tương tự.
Cũng tại "xứ sở hoa anh đào", một tài xế taxi khác cũng nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với hành khách từ du thuyền Diamond Princess. Đó là những trường hợp trong số nhiều ca tài xế bị lây nhiễm thời gian qua.
Trở lại với câu chuyện của tài xế người Thái Lan - ông Thongsuk. Sau khi điều trị tại một bệnh viện ở Bangkok, giờ đây vị tài xế 50 tuổi này đã bình phục và quay trở lại làm việc. Nhưng ông rơi vào tình trạng ế khách. Trước kia, 60% khách của ông là người Trung Quốc. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch đìu hiu và ông cũng chịu chung số phận.
"Hầu hết khách Trung Quốc tôi từng chở đều là người tốt. Tôi rất nhớ họ", ông Thongsuk tâm sự.
Nhớ lại khoảng thời gian bận rộn bận rộn, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 30 USD, nhưng hiện tại, may mắn lắm mới nhận được khoảng 10 USD/ngày.
Nhiều điểm đến tâm linh ở Bangkok thường xuyên chật cứng khách du lịch vào các mùa trong năm, nhưng giờ lại "vắng như chùa Bà Đanh". Những khu chợ bán trái cây nhiệt đới, hải sản khô chuyên phục vụ khách Trung Quốc, giờ cũng ế hàng. Các khách sạn trong thành phố chịu chung cảnh ngộ.
Khoảng 10% GDP của Thái Lan đến từ du lịch, trong đó, khách Trung Quốc luôn là nhóm khách lớn nhất cho quốc gia này, mang lại nguồn thu lớn. Thái Lan cũng là một trong số ít các quốc gia miễn thị thực cho khách Trung Quốc. Chỉ tháng trước thôi, hơn 1 triệu khách ở "quốc gia đông dân nhất thế giới" đã tới Thái Lan, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Thongsuk cho biết, ngay từ ngày có dấu hiệu bị bệnh, ông luôn đeo khẩu trang cẩn thận nhưng không biết mình bị nhiễm nCoV. Sau đó, ông đã ăn riêng vì sợ lây bệnh cho mọi người. May mắn, không người thân nào trong gia đình ông tới thời điểm này nhiễm bệnh.
Quốc Việt
Theo MNS/ NYTimes
“Miền Tây Nam bộ” ở Hội An vắng khách vì dịch Covid-19
Ngoài phố cổ, Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế 500 tuổi… thì rừng dừa nước Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh là một địa chỉ không thể bỏ qua trong các tour đến Hội An. Khu rừng dừa đặc biệt này cả "khách Tây và khách ta" đều muốn trải nghiệm.
Với lợi thế kề sông cận biển. Một bên là dòng sông Thu Bồn huyền thoại với những nhánh sông đan xen xanh rợp bóng dừa, lại không xa phố cổ Hội An nên rừng dừa Bảy Mẫu là nơi du khách ưa chuộng.
Tại đây, các dịch vụ đưa khách tham quan rừng dừa bằng thúng chai để khách tận hưởng không khí trong lành, trải nghiệm một số hoạt động đánh bắt thủy sản và tạo ra các sản phẩm từ lá dừa nước. Sau đó, du khách ghé vào các nhà hàng, quán ăn nằm bên sông để thưởng thức đặc sản Hội An.
Đối với du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc theo ghi nhận của UBND xã Cẩm Thanh, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến mua vé tham quan, thuê thúng chai len lỏi vào trong rừng dừa trải nghiệm, ngắm cảnh sông nước hữu tình.
Dịch vụ này mang lại nguồn thu đáng kể để người dân ở xã Cẩm Thanh nói riêng và những người tham gia vào dịch vụ trang trải cũng tạm đủ cho cuộc sống hàng ngày.
Thế nhưng, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, du khách từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc giảm hẳn khiến công việc của nhiều người làm dịch vụ chèo thuyền thúng cũng giảm theo.
Một nhân viên bán vé ở khu vực thôn Vạn Lăng cho hay, lượng vé bán cho du khách hằng ngày chỉ bằng 20-30% so với trước đây. Nhân viên này hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm chấm dứt để hoạt động du lịch ở đây được phục hồi như xưa.
Ông Nguyễn Chàm (65 tuổi, một người làm nghề chèo thuyền thúng) cho hay, từ sau Tết đến nay, lượng khách ngày càng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo ông Chàm, hiện khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc giảm trên 90%, còn khách Châu Âu và các nước khác giảm từ 30-40%.
Khách ít nên việc đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu của ông cũng giảm hẳn. Ông cho hay, trước dây mỗi ngày ông đi được 5-7 chuyến, thu nhập từ 200-300 ngàn đồng trở lên. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày ông cũng dành dụm được 1 ít.
Nay trong thời điểm dịch bùng phát ở nhiều nước, mỗi ngày ông chỉ chở 2-3 lượt, thậm chí có ngày không có lượt nào. Thu nhập hàng ngày của ông vì thế cũng giảm. "Hiện mỗi ngày chỉ kiếm được năm bảy chục thôi. May lắm thì được hơn trăm ngàn. Trừ chi phí ra cũng không được bao nhiêu", ông Chàm nói.
Cũng theo ông Chàm, lượng thuyền thúng hiện nay cũng đã giảm gần 1 nửa so với trước, số còn lại thì nằm bờ, nhiều người đi kiếm việc khác làm sống qua ngày.
Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ven sông cũng đìu hiu, vắng lặng. Một số quán ăn đóng cửa, các shop đồ lưu niệm cũng vắng khách… Khách đến rừng dừa hiện nay hầu hết là khách Châu Âu, Mỹ, còn khách Châu Á và nội địa rất ít.
Hầu hết những người làm dịch vụ ở rừng dừa Bảy Mẫu khi được chúng tôi hỏi đều "than thở" vì ế ẩm, tất cả đều mong dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được chặn đứng để các hoạt động bình thường trở lại, du khách lại đến và công việc cũng như cuộc sống của họ ổn định như trước đây.
Công Bính
Đà Nẵng: Nhiều điểm du lịch vắng khách vì dịch Covid-19
Đến với Đà Nẵng, bên cạnh các hoạt động vui chơi ăn uống, du khách còn có cơ hội trải nghiệm dịch vụ du lịch đi thuyền trên sông Hàn để ngắm thành phố đáng sống về đêm. Đây là dịch vụ nổi tiếng, thu hút du khách khi đến với thành phố.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn, khi Hàn Quốc là ổ dịch lớn thứ hai thế giới và mức độ lây lan đã được báo động toàn cầu. Điều đó khiến cho lượng du khách quốc tế đến với Đà Nẵng giảm đi đáng kể. Mọi khi, dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những con thuyền nối đuôi nhau trên sông Hàn khi Đà Nẵng đã về đêm. Nhưng thời gian gần đây, dòng sông Hàn trở nên tĩnh lặng hơn bao giờ hết khi hàng đêm chỉ có vài chiếc thuyền hoạt động.
Chủ du thuyền Cát Biển cho biết: " Khách du lịch đến đây chủ yếu là khách Trung Quốc và khách Hàn Quốc, nhưng từ lúc hai nước này bùng phát ổ dịch lớn thì lượng khách giảm. Hiện tại, du khách đến đây chủ yếu là khách Tây, Mã Lai, Singapore,... và khách trong nước. 10 ngày trở lại đây, phần lớn các du thuyền chỉ đi được 1 chuyến/đêm, nhiều nhất thì chở khoảng 15 khách, không như trước đây chú đi 4 chuyến/đêm, 1 chuyến chở được từ 30 – 40 người. Như tối nay, du thuyền của chú chưa đi được chuyến nào."
" Những ngày gần đây, vì dịch bệnh phức tạp mà lượng du khách đến đây giảm khá nhiều, dẫn theo tình trạng các tour du lịch và khách đoàn đến đặt vé đi du thuyền cũng không còn nhiều. Khách đoàn đặt vé 5 - 7 người thì du thuyền cũng chở, nhiều khi lỗ tiền dầu cũng phải chấp nhận chạy vì sợ mất khách", chủ du thuyền Hàn Giang chia sẻ.
Không chỉ có du lịch trên sông Hàn mà ngay cả chợ đêm Helio, thiên đường ẩm thực về đêm lớn nhất Đà Nẵng cũng phải đóng cửa vì dịch Covid – 19. Từ một khu chợ náo nhiệt, tấp nập người mua bán nhưng giờ đây phải đóng cửa vì vắng khách.
Nếu như trước đây, Cung thiếu nhi Đà Nẵng là nơi thu hút đông đúc các bậc phụ huynh dẫn theo con nhỏ đến đây vui chơi thì giờ đây cũng rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt vì dịch corona.
Kiều Trinh - Thanh Diệu
Khách sạn 64 năm tuổi ở khu nghỉ dưỡng "tắm tiên" phá sản vì Covid-19
Ngành du lịch Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng nặng và chịu nhiều thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19 khi lượng khách quốc tế đặc biệt là khách Trung Quốc giảm đáng kể.
Mới đây nhất, một khách sạn truyền thống với tuổi đời 64 năm kinh doanh nằm tại thị trấn nghỉ dưỡng suối nước nóng "tắm tiên"onsen Nishiura, tỉnh Aichi, đã chính thức nộp đơn xin phá sản.
Đó là khách sạn Fujimisou theo phong cách truyền thống với 46 phòng nghỉ. Đại diện khách sạn cho biết, khi dịch bệnh do virus corona bùng phát khiến khách Trung Quốc hủy toàn bộ đơn đặt phòng vào kỳ nghỉ tết Nguyên Đán - thời điểm kinh doanh mạnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, doanh thu của khách sạn tại các quốc gia khác cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Được biết, đây là một trong những khách sạn có tuổi đời lâu nhất ở tỉnh Aichi. Việc vắng bóng khách du lịch đã giáng đòn chí mạng khiến họ buộc phải phá sản.
Khách sạn Fujimisou từng là điểm nghỉ dưỡng rất được lòng du khách. Tới đây, khách hàng được thưởng thức những món hải sản tươi sống từ vịnh Mikawa, đồng thời nghỉ ngơi tại phòng có tầm nhìn hướng thẳng về phía đại dương. Vào năm 2005, doanh thu của Fujimisou khoảng 4,98 triệu USD.
Sau khủng hoảng tài chính năm 2013, khách sạn chuyển hướng kinh doanh sang thị trường Trung Quốc. Kể từ đó, du khách từ "quốc gia đông dân nhất thế giới" đóng góp chủ yếu cho nguồn thu của khách sạn 64 tuổi này.
Tuy nhiên, chính do sự phụ thuộc quá nhiều từ nguồn thu khách Trung Quốc cũng là yếu tố đẩy khách sạn tuổi đời 64 năm đến bước đường phá sản.
Ở thời điểm hiện tại, tốc độ lây nhiễm viurs corona tại Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm, thì hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới lại bùng nổ, trong đó có Nhật Bản.
Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng với các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng ngày, chính phủ Nhật Bản đưa ra các khuyến cáo nên hủy bỏ hoặc tạm hoãn những buổi hòa nhạc, lễ hội, sự kiện quy mô lớn, hạn chế tập trung đông người...
Huy Hoàng
Theo Soranews24
Suối nước nóng cho phép du khách tắm khỏa thân vào buổi tối
Strawberry Spring được đánh giá là một trong những suối nước nóng đẹp nhất thế giới. Suối nước nóng này nằm trên một đỉnh núi tại thành phố Steamboat Springs thuộc tiểu bang Colorado, Mỹ, chỉ cách trung tâm chừng 15 phút lái xe.
Với vẻ đẹp tự nhiên xung quanh hiếm có, Strawberry Spring từ lâu trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn trải nghiệm cảm giác vừa ngâm mình trong dòng suối nóng, vừa ngắm hoàng hôn buông xuống.
Do nằm trên đỉnh núi nên xung quanh hầu như bao phủ bởi tuyết trắng. Các cơ sở vật chất tại đây đều thân thiện với thiên nhiên, trong đó, nhiều chi tiết làm từ gỗ và đá.
Một điểm hấp dẫn khác ở Strawberry Spring chính là việc cho phép du khách được tắm khỏa thân. Ban ngày, do có cả trẻ nhỏ nên du khách buộc phải mặc đồ tắm. Nhưng khi trời tối, nơi này không mở cửa cho trẻ em, nên những tín đồ theo chủ nghĩa khỏa thân có thể thoải mái "tắm tiên".
Tuy nhiên, buổi tối tại đây không thắp sáng, nên du khách cần mang theo thiết bị chiếu sáng cho riêng mình. Các hồ nước nóng ở đây thường đạt nhiệt độ khoảng 49-60 độ C, với mỗi khu vực hồ lại có mức nhiệt khác nhau để lựa chọn.
Nơi này yên tĩnh tới mức hầu như không nghe thấy tiếng ồn xung quanh. Khi ngâm mình xuống dòng nước ấm, điều duy nhất du khách nghe thấy là tiếng dòng nước chảy xuống từ đỉnh suối tới đáy lạch bên dưới.
Để trải nghiệm trọn vẹn nhất, đầu tiên, du khách nên hòa mình ở hồ nước lạnh nhất rồi ngâm trong hồ nóng nhất và thư giãn dưới trời tuyết rơi.
Quốc Việt
Video: Nguồn Shawn Francis
Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020
Khách ngoại quốc nhanh tay lấy trộm ví hàng hiệu giá hơn 30 triệu
Sự việc xảy ra hôm 19/2 tại một cửa hàng ở trung tâm mua sắm thuộc thành phố du lịch Phuket, Thái Lan. Du khách 21 tuổi người Mỹ bị buộc tội trộm cắp khi lấy đi 3 chiếc ví hàng hiệu trị giá hơn 30 triệu đồng.
Danh tính của vị khách được xác nhận là Christopher Allen Braman, đến từ Oklahoma, Mỹ. Người này đã ghé vào cửa hàng tại trung tâm thương mại Central Floresta khoảng 8 giờ tối.
Sau khi trao đổi qua với nhân viên bán hàng, vị khách tự mình xem các món đồ, rồi tranh thủ lấy trộm lúc không ai để ý. Tổng tài sản lấy được trị giá 43.040 Baht (hơn 30 triệu đồng).
Không lâu sau đó, nhân viên phát hiện thấy bị mất cắp nên đã báo cáo vụ trộm. Cảnh sát địa phương nghiên cứu các cảnh quay từ camera giám sát để xác định danh tính người đàn ông rồi nhanh chóng bắt giữ vào hôm 20/2 khi bắt gặp anh ta đang lang thang tại khu vực lối đi của trung tâm thương mại.
Ngoài tội trộm cắp, Braman cũng bị phát hiện đã hết hạn visa nên sẽ bị trục xuất về nước.
Huy Hoàng
Theo Thephuketnews
Hàng loạt khách sạn phố cổ ở Hà Nội thất thu, đóng cửa vì dịch Covid – 19
Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong hai tháng đầu năm khoảng 3,56 triệu, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế chỉ 844.000 người.
Tính riêng tháng 2, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 45,5%. Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng đang đứng trước nguy cơ mất đi nhiều du khách tiềm năng từ các nơi trên thế giới khi dịch Covid – 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Vũ Đức Anh
Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020
Nhiều tàu du lịch quốc tế hủy chuyến đến Cảng Chân Mây
Hiện đã có 7 chuyến tàu du lịch quốc tế hạng sang như: CELEBRITY MILLENNIUM QUANTUM OF THE SEAS, SEVENS SEAS VOYAGER... với khoảng hơn 12.000 du khách và thủy thủ đoàn đã xác nhận hủy chuyến, không cập Cảng Chân Mây trong tháng 3/2020 do tình hình dịch bệnh virus corona mới (SARS-CoV-2) đang diễn biến phức tạp, lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số tàu trước đó cũng đã hủy chuyến không đến Cảng Chân Mây vào trung tuần tháng 2/2020. Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều tàu du lịch thông báo đến Cảng hủy chuyến.
Giám đốc Toàn chia sẻ: "Các tàu du lịch thông thường khi có kế hoạch đưa du khách quốc tế đến tham quan bằng cảng biển thì phải ký hợp đồng trước đó 1-2 năm. Bây giờ, dịch bệnh bùng phát, nhiều du khách lo lắng nên bỏ tour, vì vậy các tàu du lịch phải thay đổi kế hoạch.
Việc tàu du lịch hủy chuyến được chúng tôi đồng tình vì tính mạng du khách, thủy thủ phải được đặt lên hàng đầu. Dù việc hủy chuyến sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến tình hình của Công ty nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận".
Được biết, thông thường các tàu du lịch quốc tế thương sau khi cập Cảng Chân Mây sẽ đi tham quan các di tích cảnh đẹp tại cố đô Huế, TP Đà Nẵng và phố cổ Hội An; đồng thời lưu trú một số ngày tại đây và các tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, ngược lại với nhiều tàu du lịch hủy chuyến, thì rất nhiều tàu hàng nước ngoài sẽ cập Cảng Chân Mây trong những ngày tới.
Để kiểm soát dịch bệnh SARS-CoV-2, việc thực hiện thủ tục kiểm dịch được thực hiện tại vùng kiểm dịch (trạm hoa tiêu). Nếu không phát hiện thuyền viên có dấu hiệu của bệnh, hoa tiêu mới dẫn tàu cập cầu. Và các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thủ tục điện tử cho tàu theo quy định.
Trường hợp phát hiện thuyền viên có dấu hiệu nhiễm bệnh, phải cách ly tại tàu và chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế để cách ly, tàu phải neo đậu tại trạm hoa tiêu không được cập cầu, theo dõi thuyền viên 14 ngày sau nếu không phát hiện thêm tàu mới được cập cầu.
Đại Dương