Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh Tam Giang, “báu vật” của Núi Thành

Từ trung tâm huyện Núi Thành, theo quốc lộ 1 hướng xuống biển khoảng 10km sẽ gặp khu rừng ngập mặn nguyên sinh xã Tam Giang với diện tích hơn 60ha với nhiều cây mắm, đước, bần, cốc thuộc vào hàng cổ thụ nằm chen chúc, rậm rạp

Khu rừng trải dài qua bốn thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ (xã Tam Giang). Trong đó, rừng ngập mặn nguyên sinh thôn Đông Xuân được người dân bảo vệ, gìn giữ một cách có ý thức, nghiêm ngặt nhất

Cánh rừng ngập mặn hơn 60 ha trải dài bên bờ sông Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) tạo thành mảng xanh rộng lớn khi nhìn từ trên cao

Theo các cụ cao niên, người dân ở đây từ xưa đã tâm niệm đó là của để dành cho dân làng, vì vậy không cho ai được phép đụng vào, rừng được xem như "báu vật" của làng, giúp bảo vệ làng mạc, chống biến đổi khí hậu…

Theo ông Lúc (Trưởng thôn Đông Xuân, xã Tam Giang), vùng quê này được bao bọc bởi bốn bề sông và cửa An Hòa vây quanh. Năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ trân trắng nở rộ, nhiều hộ dân bắt đầu "xẻ thịt" rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Được vài năm, tôm bị dịch bệnh, rớt giá nên hàng trăm ao hồ bỏ hoang để lại cánh rừng ngập mặn thưa thớt cây

Năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và xã Tam Giang bị thiệt hại nặng nề; thiên tai gây xói lở đất, nhà cửa bị tốc mái, ghe thuyền không có nơi trú ngụ. Lúc này người dân địa phương mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng nuôi tôm. Họ bảo nhau phải khôi phục lại cánh rừng bị mất. Chính quyền xã cùng người dân cầu cứu nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ trồng mới rừng ven sông

Đầu năm 2015, UBND huyện Núi Thành đã cấp 3,2 tỉ đồng để thực hiện dự án trồng 27 ha rừng ngập mặn tại xã Tam Giang nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, với mật độ 6.666 cây/ha nhằm chắn sóng, làm phong phú thêm khu rừng ngập mặn này

Khi cánh rừng mới được trồng, chính quyền xã ban hành quy chế cộng đồng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn, với quy định nêu rõ khai thác thủy hải sản không được gây hại đến rừng ngập mặn

Cá nhân nào chặt tỉa cây ngập mặn phục vụ công tác chăm sóc rừng phải có sự giám sát của tổ chức, cá nhân nhằm tránh ý đồ gây hại rừng. "Xã cấm hoạt động lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn trái phép; chặt phá, đào bới đất rừng ngập mặn để khai thác thủy sản hay làm ao nuôi trái phép", ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch xã Tam Giang cho hay

Theo ông Phạm Trúc (người dân thôn Đông Bình, xã Tam Giang), người dân phải ý thức bảo vệ rừng như chính tài sản quý báu của mình, không những hiện nay mà còn cho thế hệ mai sau. Nếu phát hiện trường hợp chặt phá, đốn hạ rừng trái phép phải cấp báo đến chính quyền

Hiện giờ, khu rừng nguyên sinh là lá chắn bao bọc ngôi làng với khoảng 500 cây mắm cổ thụ đường kính 30-50cm, tuổi đời trên 200 năm. Dưới những tán cây mắm cổ thụ có cả cây đước, bần mọc san sát, tạo một quần thể đa dạng, phong phú, kỳ bí

Không chỉ có nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu, chắn sóng, bảo vệ môi trường; khu rừng ngập mặn Tam Giang còn là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách muốn thưởng ngoạn khí hậu trong lành, cảnh vật huyền bí, kỳ thú..

Khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh Tam Giang

Công Bính-Ngô Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét