"Khó khăn nhất là phải ra quyết định cho ai nghỉ việc trước"
Gần 2 tháng nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Nguyễn Hà (19 tuổi) HDV tiếng Hàn thất nghiệp, phải chuyển sang nghề bán hải sản online để mưu sinh. Công ty nơi Hà làm việc doanh thu âm liên tục từ đầu năm, phải cắt giảm tới 80% nhân sự, số còn lại luân phiên đi làm để có lương cơ bản.
"Ban đầu khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, công ty vẫn hy vọng vào các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, các nước bắt đầu đóng cửa đường bay quốc tế, không có khách du lịch, những HDV du lịch như mình thất nghiệp hàng loạt", Hà nói.
Hà cho biết, nhiều đồng nghiệp của cô phải xoay sở đủ nghề, có người chạy grap, người bán hàng online, người nhận ship đồ. "Giám đốc của mình cũng phải làm thêm cả nghề bán thực phẩm sạch để thêm thu nhập. Đây là tình cảnh chưa từng xảy ra với các công ty du lịch", Hà khẳng định.
Thông tin dồn dập về các ca nhiễm mới, cùng việc đóng cửa hàng loạt đường bay quốc tế tại các nước trên thế giới tiếp tục đẩy du lịch vào đợt suy giảm mới, phải đối mặt với tình trạng đóng băng kinh khủng nhất trong lịch sử.
Ông Nguyễn V. T. (41 tuổi, đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng) cho biết, khó khăn nhất trong lúc này là phải đưa ra quyết định cho ai nghỉ việc trước. "Mỗi ngày đặt bút ký và thông báo nghỉ việc cho nhân viên là việc rất đau lòng, áp lực và không ai mong muốn. Đây đều là những người đã gắn bó với công ty trong cả thời gian dài. Tuy nhiên, nếu không cho nghỉ thì công ty cũng không đủ chi phí để trả lương", ông T. nói.
Theo ông T. hiện các tour du lịch nước ngoài của công ty đã bị hủy đến tháng 9, các tour trong nước khách cũng hủy đến tháng 7. Doanh thu từ đầu năm 2020 âm liên tục và phải chịu lỗ khoảng gần 10 tỷ đồng. Hiện công ty này đã phải cắt giảm đến 90% số nhân sự, số người còn lại đồng ý nhận mức hỗ trợ 50% thu nhập, chia ca đi làm 15 ngày trong 1 tháng.
Doanh nghiệp du lịch đồng loạt chuyển nghề kinh doanh
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều công ty du lịch đã buộc phải chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh khác.
Gần 2 tháng nay ông Nguyễn Thành An, Giám đốc công ty du lịch Thiện Tâm An cũng chuyển nghề sang đào tạo online marketing về Bất động sản.
"Khi mất thị trường Trung Quốc các doanh nghiệp du lịch vẫn còn hy vọng cầm cự, nhưng hiện tại tất cả các thị trường trọng tâm cũng đồng loạt đóng cửa thì không có phương án nào để xoay sở, duy trì hoạt động. Công ty tôi đã buộc phải cho 1 số nhân viên nghỉ việc, 1 số thì giảm lương vì không còn cách nào khác".
Thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn, song ông An cho biết, không phải không có khách là DN du lịch chấp nhận buông xuôi, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trong dịch mà luôn tìm cách để vượt qua.
"Chúng tôi vẫn tiến hành các chương trình đào tạo nhân viên, tái cơ cấu, chuẩn bị các phương án kinh doanh sẵn sàng đón khách sau dịch. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tôi thử sức mình ở các lĩnh vực mới. May mắn là bản thân tôi có 14 năm kinh nghiệm làm về tài chính, ngân hàng nên cũng không gặp khó khăn gì khi lấn sân", ông An khẳng định.
Trao đổi với PV, ông Lê Công Năng, đai diện công ty Du lịch Việt cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị này đã tạm dừng tổ chức tour du lịch trong và ngoài nước đến hết ngày 20/4/2020. Đồng thời, khuyến khích nhân viên làm việc online, chỉ đến văn phòng khi cần thiết.
"Từ tháng 1/2020, công ty này đã phải hủy hàng ngàn tour du lịch, chịu thiệt hại nặng nề. Giống như nhiều công ty du lịch lớn khác, do thiếu việc làm, chúng tôi buộc phải sắp xếp công việc luân phiên cho nhân viên, chuyển hướng kinh doanh và chuyển đổi công việc cho người lao động, thậm chí dù rất đau đớn nhưng cần thiết tính đến việc tinh giảm nhân sự không còn phù hợp hoặc không có mục tiêu gắn bó", ông Năng nói.
Để tìm nguồn thu và giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, công ty Du lịch Việt cũng chuyển hướng kinh doanh sang phân phối khẩu trang kháng khuẩn và nước rửa tay diệt khuẩn.
"Trong tình hình khó khăn chung, công ty buộc phải chuyển sang các hướng kinh doanh khác để tạo thêm thu nhập cho người lao động, tuy nhiên chúng tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng vực dậy mảng du lịch với nhiều sản phẩm chất lượng để bung ra thị trường khi dịch bệnh qua đi", ông Năng nói.
Trước đó, Tổng cục du lịch cho biết, thiệt hại của ngành Du lịch do ảnh hưởng của Covid-19 ước tính vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng và kéo dài trong thời gian tới thì con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Hà Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét