Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 16,2% so với năm 2018, cao thứ hai trong khu vực chỉ sau Myanmar (23%).
Trong đó các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều duy trì mức tăng trưởng cao 2 chữ số.
Bước sang năm 2020, nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng, du lịch Việt Nam được kỳ vọng là sẽ tạo nên kỷ lục mới. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên cú sốc của đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi hoạt động du lịch "đóng băng".
Các nước trong đó có Việt Nam đều nỗ lực thắt chặt các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh người nước ngoài và thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.
Đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên tất cả các lĩnh vực, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề nhất. Đặc biệt, từ tháng 3, mọi hoạt động đều ngưng trệ, tất cả các chỉ tiêu của ngành Du lịch đều giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 450 nghìn lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng trước. Trong 3 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại các địa phương, lượng khách du lịch cũng sụt giảm sâu. Đơn cử như Hà Nội, khách quốc tế giảm 80% trong tháng 3, TP. Hồ Chí Minh là hơn 84%, Thừa Thiên Huế giảm 80% lượng khách…
Theo các chuyên gia, đây là mức giảm nằm trong dự đoán. Ngành Du lịch đã chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.
So với ngành nghề khác, du lịch là lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng như trước thì cũng phải mất nhiều tháng.
Năm 2003, ngành du lịch Việt Nam cũng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS. Khi đó, chúng ta cũng đã phải mất 9 tháng mới có thể phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 lần này về mức độ và quy mô ảnh hưởng được cho là lớn hơn rất nhiều.
Các chuyên gia dự kiến, nếu dịch bệnh được khống chế vào tháng 4 năm 2020, ngành du lịch sẽ mất khoảng 7 tháng để phục hồi.
Theo kịch bản này, khách quốc tế sẽ giảm thêm khoảng 1,5 triệu lượt nên cả năm 2020 sẽ đạt từ 10 – 11 triệu. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,7 tỷ đô-la Mỹ.
Khách nội địa dự kiến giảm tối thiểu 60% so với kế hoạch của năm 2020, chỉ đạt 36 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ đô-la Mỹ.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, thiệt hại 420 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải hết tháng 6/2020 và ngành du lịch chỉ có thể phục hồi lại các hoạt động như trước khi có dịch là vào đầu năm 2021 thậm chí là kéo sang năm 2022.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Du lịch tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, vừa xây dựng các kịch bản, kế hoạch kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.
Đối với các công ty đơn vị lữ hành có thể thực hiện tái cấu trúc, chuẩn bị các sản phẩm chất lượng, đa dạng và một chiến lược quảng bá hình ảnh bài bản, sâu rộng để sẵn sàng bứt phá khi hết dịch.
Không chỉ Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng khiến các "cường quốc" về du lịch trên thế giới như: Pháp, Italia, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... lao đao và gặp khủng hoảng nặng nề.
Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 20-30% trong năm 2020 với tổn thất về kinh tế lên tới 300-450 tỷ USD.
Hà Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét