Các hàng ghế trống không, máy bay "nằm đất", nhiều cảng hàng không vắng tanh, các hãng hàng không phải giảm hoặc huỷ nhiều chuyến bay, lịch bay… là tình trạng chung của nhiều hãng hàng không thời Covid-19 mà Mỹ cũng không ngoại lệ.
Theo phân tích của giới chuyên môn, sự sụt giảm công suất hàng không toàn cầu này được thể hiện qua số ghế bỏ trống của các máy bay "nằm đất" và cả bay trên không, hiện đã lớn hơn hậu quả sau loạt vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, doanh thu hàng không toàn cầu năm 2002 sụt giảm khoảng 19,6 tỷ USD. Còn "khủng hoảng" lần này do tác động của nỗi lo ngại Covid-19, theo ước tính hôm 28/2 của Hiệp hội giao thông Hàng không quốc tế Mỹ (IATA), có thể khiến ngành công nghiệp hàng không toàn cầu mất tới 29,3 tỷ USD doanh thu chỉ riêng trong năm 2020.
Cũng theo IATA, các nước có số ca lây nhiễm Covid-19 lớn như: Trung Quốc, Italia, Iran, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc vốn chiếm 25% số lượng hành khách và 20% doanh thu từ hành khách đi máy bay trên toàn cầu.
"Nhìn lại thời gian sau vụ khủng bố 11/9/2001, phải cần tới 9 tháng sau chúng tôi mới thấy ngành công nghiệp này (hàng không) phục hồi" - phóng viên Benjamin Katz chuyên theo dõi hàng không viết trên tờ Wall Street Journal.
Katz cũng cho rằng tình hình hiện nay liên quan tới Covid-19 rất khác nên khó đánh giá, nhưng theo giới phân tích thì hậu quả của nó có thể còn kéo dài hơn một chút.
Chuyến bay hôm 27/2 tới Seattle trống không, tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại quầy Check-in của hãng JetBlue tại sân bay JFK hôm 25/2…
Ngày 28/2 tình trạng huỷ chuyến bay vẫn tiếp tục toàn cầu. Riêng hãng United Airlines của Mỹ có trụ sở tại Chicago đã cắt giảm mạnh các chuyến bay tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Hết ngày hôm đó hãng này giảm 5,2% chuyến bay và tính tổng cộng cả tuần này đã giảm hơn 22% so với tuần trước.
United Airlines cho biết hôm 24/2: nhu cầu ngắn hạn tới Trung Quốc của hãng đã gần như "biến mất", còn nhu cầu với phần còn lại của các tuyến bay xuyên Thái Bình Dương cũng "lao dốc" 75%.
Trong số các hãng hàng không Mỹ, United Airlines khai thác các tuyến bay quốc tế với tỉ trọng lớn nhất, thu hút khoảng 40% doanh thu từ các chuyến bay nước ngoài.
Từ đầu tuần này hãng Delta cũng đã cắt giảm ½ các chuyến bay do bùng phát Covid-19 khiến nhu cầu giảm mạnh.
Thậm chí với các tuyến bay nội địa, các hãng hàng không Mỹ cũng bắt đầu chịu thiệt hại do sụt giảm nhu cầu, vì nhiều công ty thực thi các động thái bảo vệ nhân viên khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bao gồm cả cân nhắc lại nhu cầu đi lại dù là vì công việc hay hội họp.
Amazon là một trong những hãng mới nhất của Mỹ kiểm soát việc đi lại của nhân viên. Hôm 28/2 Amazon đã hoãn lại tất cả chuyến đi không thiết yếu cả trong nội địa và ra nước ngoài.
Phát ngôn viên của Google cho biết: hãng này đã ra lệnh cấm nhân viên đi tới Iran cùng 2 khu vực của Italia là Lombardy và Veneto. Lệnh cấm tương tự tới Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 2/3.
Hãng Facebook thông báo sẽ hoãn hội nghị phát triển thường niên dự kiến vào tháng 5 tới do lo ngại dịch bệnh.
JetBlue bay tại Mỹ, vùng Caribbea và Mỹ Latin, trở thành hãng hàng không đầu tiên của Mỹ đề xuất sự miễn trừ cho mọi chuyến bay hôm 26/2 để thu hút thêm khách hàng. Theo đó JetBlue tạm dừng áp dụng mức phí thay đổi và huỷ chuyến cho các hành khách đặt chuyến bay mới từ 27/2 đến 11/3.
Linh Lê
Theo Daily Mail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét