Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Vắng gạo nếp, thế giới bánh truyền thống của người Việt Nam sẽ thật buồn ...

Vị thế của gạo nếp trong ẩm thực Việt Nam là không thể chối bỏ khi mà có một phần lớn các món ăn truyền thống của ta được làm từ gạo nếp. Không chỉ giới hạn trong các món thường ngày, rất nhiều thức từ gạo nếp luôn phải có trong các dịp cúng kiếng, lễ lạt có ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng của người Việt.

Từ hạt nếp bé nhỏ, mở ra cả triết lý sâu sắc

Vào ngày Tết, nếp đến với ta dưới dạng các loại bánh truyền thống mà bất kì gia đình Việt Nam nào cũng phải có là bánh chưng và bánh tét. Còn nếu không bánh chưng, bánh tét thì đồng bào dân tộc người Tày cũng có món bánh giầy làm từ gạo nếp chưng. Nói chung là kiểu gì thì người Việt cũng phải có một món bánh gạo nếp cho các ngày lễ lạt quan trọng. Mặt khác, chúng ta không dùng một loại bánh cho nhiều dịp mà mỗi dịp đều sẽ có một loại khác nhau với muôn hình vạn trạng. Ví như Tết Đoan Ngọ có bánh tro (bánh gio), Tết Hàn thực có bánh trôi, bánh chay, Tết Trung thu có bánh dẻo và cưới xin thì chẳng thể thiếu bánh cốm, bánh su sê...

Gạo nếp và các loại bánh làm từ nếp nói chung có địa vị vô cùng quan trọng không chỉ ở phương diện ẩm thực mà còn ở đời sống tinh thần, có liên hệ mật thiết đến tư duy và triết lý chung của dân tộc ta.

Vắng gạo nếp, thế giới bánh truyền thống của người Việt Nam sẽ thật buồn tẻ cho mà xem  - Ảnh 1.

Gói bánh chưng ngày Tết là truyền thống của nhiều gia đình người Việt Nam.

Tương truyền khi xưa chàng Lang Liêu dâng bánh chưng bánh giầy lên cho Vua Hùng đã giải thích về phần gạo nếp trong hai loại bánh như sau: rằng gạo là thức nuôi sống con người vạn vật, gạo nếp lại đủ mềm dẻo và kết dính để làm bánh thành hình tròn, hình vuông tượng trưng cho đất và trời. Mặt khác, gạo nếp bao bọc nhân bên trong, giống với hình tượng thai nghén, bảo bọc của đấng sinh thành. Vậy nên lấy nếp làm chính, tạo ra bánh chưng bánh giầy dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày này xem ra là hợp lí.

Từ truyền thuyết này, có thể thấy gạo nếp có quan hệ và ý nghĩa rất mật thiết với tư duy, triết lý sống của người Việt: vừa là món ăn mang tính nuôi dưỡng, vừa tượng trưng cho truyền thống hiếu nghĩa tốt đẹp. Đó cũng chính là lý do vì sao mà nhiều loại bánh làm từ gạo nếp lại luôn thuộc dạng "phải có" trong các dịp cúng kiếng trang trọng.

Vắng gạo nếp, các món bánh truyền Thống Việt Nam sẽ thật buồn

Kho tàng bánh Việt Nam giàu có đến mức chỉ nhắc đến ba chữ "bánh truyền thống" thôi cũng khiến ta có cảm giác... mông lung, bởi vì nó bao gồm quá nhiều. Mỗi một vùng miền, mỗi một khu vực hay thậm chí là cả những đơn vị nhỏ như gia đình đều sẽ có một món bánh, một biến tấu riêng. Chỉ từ một số công thức cơ bản, theo thời gian trăm năm, nghìn năm đã sản sinh ra thật nhiều các món bánh được làm nên từ sự sáng tạo, khéo léo của dân tộc. Không nói đâu xa, chỉ như một loại bánh tét truyền thống, đến hiện tại đã có đủ loại từ bánh tét chuối, bánh tét đậu, bánh tét lá dứa, bánh tét nếp cẩm, bánh tét gấc...

Vắng gạo nếp, thế giới bánh truyền thống của người Việt Nam sẽ thật buồn tẻ cho mà xem - Ảnh 2.

Chỉ từ bánh tét truyền thống, người ta đã sáng tạo biết bao nhiêu loại khác.

Đa dạng và phong phú là thế, nhưng ngẫm kỹ, chỉ cần lấy đi một thành tố nhất định thì ngay lập tức, kho tàng bánh Việt sẽ... "nghèo" đi một nửa (thậm chí là hơn): đó chính là gạo nếp.

Lấy ví dụ từ những món bánh truyền thống nổi tiếng nhất, chúng ta thử liệt kê ra vài cái tên mà ai cũng biết như bánh chưng, bánh tét, bánh giày, bánh nếp, bánh ú, bánh ít, bánh tro (bánh gio), bánh trôi, bánh chay... Tất thảy những loại bánh này sẽ không tồn tại nếu không có gạo nếp! Tưởng tượng một thế giới không có gạo nếp, ta sẽ thấy ngay một viễn cảnh thật "kinh khủng", ấy chính là quá nhiều món bánh quan trọng, những món bánh mang đậm bản sắc dân tộc và gắn liền đời sống tinh thần của ta sẽ biến mất.

Đấy là còn chưa kể đến những món bánh giản dị hơn luôn có mặt trong thời ấu thơ của chúng ta như bánh rán, bánh ít, bánh khúc, bánh dẻo, bánh da lợn... tất cả đều sẽ "vắng bóng" nếu thiếu đi gạo nếp. Chỉ với một vài ví dụ đơn giản như vậy, ta đã đủ thấy nếp quan trọng như thế nào đối với bánh Việt Nam rồi nhỉ.

Sự thiên biến vạn hoá tài tình của người Việt với gạo nếp

Có không ít món ăn dùng đến gạo nếp như xôi, chè... tuy nhiên phải ở các món bánh thì chừng như gạo nếp mới "phát huy" được hết tiềm năng của mình trong đôi bàn tay điêu luyện của người Việt Nam. Và quả thật như thế, gạo nếp khi được chế tạo thành bột sẽ có độ dẻo, mềm cực kì thích hợp để tạo thành bất kì hình dạng nào mà người thợ mong muốn. Gạo nếp thơm, có vị thanh nhẹ nên cũng không kén các loại nhân (vì thế nên mới có tình trạng một món bánh ú, bánh tét thôi mà có từ nhân mặn đến nhân ngọt).

Bánh tét với nhiều loại nhân khác nhau.

Gạo nếp dưới bàn tay người Việt có thật nhiều "nhân dạng", chỉ cần chế biến khác đi cũng có thể tạo ra kết cấu và hình dáng hoàn toàn khác. Ví dụ như từ gạo nếp nguyên hạt, ta có thể làm ra các loại bánh như bánh chưng, bánh tét. Thế nhưng khi xay thành bột, ta lại có vô vàn những loại bánh khác như bánh trôi, bánh nếp, bánh dẻo... Thậm chí, cũng cùng một loại nếp nhưng thay đổi một chút cách chế biến bột cũng có thể cho ra muôn hình muôn dạng khác. Ví dụ như bánh tro dùng nước tro để ngâm nếp trước khi xay hay bánh phu thê có bột được ngâm với nước hoa dành dành.

Bánh tro (trái) và bánh phu thê (phải).

Có thể nói, các món bánh làm từ gạo nếp của người Việt là cả một gia tài ẩm thực vô giá, với số lượng đồ sộ và sự phức tạp, đặc trưng của mỗi loại đủ để lập hẳn một khu bảo tàng rộng lớn. Bánh nếp Việt Nam, bất kể là dân dã hay có nguồn gốc cao sang cũng đều chứa đựng sự tinh tế, khéo léo. Cái tinh tế ẩn trong nét mộc mạc của hình dáng bánh tròn ủm, thuôn dài hay hình chóp khối hoàn hảo; cũng nằm trong cái cách lá chuối được cẩn thận gói sao cho vừa vặn với bánh không sai một nếp. Và chẳng dừng lại ở đó, người Việt Nam còn tận dụng cả những phẩm màu thiên nhiên để mang lại nét đẹp cho bánh.

Vậy nên nói, cái tài hoa, cái khéo léo của người Việt được thể hiện ở không ít khía cạnh, song ở phương diện các loại bánh trái làm từ gạo nếp lại rõ ràng hơn hẳn. Dân tộc Việt Nam giỏi canh tác, được tạo hoá ưu ái cho thổ nhưỡng giúp phát triển văn hoá lúa nước và chúng ta đã tận dụng triệt để tất thảy những điều mình có. Từ hạt gạo nếp bé nhỏ thôi, người Việt đã thành công tạo ra cả một gia tài bánh truyền thống có giá trị đến mãi hàng nghìn năm sau.

Vắng gạo nếp, thế giới bánh truyền thống của người Việt Nam sẽ thật buồn  tẻ cho mà xem - Ảnh 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét