Biệt điện là một quần thể gồm ba biệt thự Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc, được thiết kế, xây dựng mô phỏng theo kiến trúc người Pháp với mái ngói đỏ, ống khói, lò sưởi cũng nhiều cửa sổ.
Bên trong biệt thự có nhiều phòng chức năng như phòng họp, làm việc, khiêu vũ, trang điểm, trong các phòng đều có lò sưởi... Gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, đồ vật trang trí, dụng cụ sinh hoạt trong biệt điện đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Biệt thự Lam Ngọc gồm 2 tòa nhà. Tòa nhà đầu tiên nằm ngay lối vào, là nơi nghỉ ngơi của chủ nhà khi lên Đà Lạt vào dịp cuối tuần.
Biệt thư Lam Ngọc được xây dựng kiên cố, có đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn riêng. Miệng, nắp hầm trú ẩn được làm bằng sắt dày để tránh súng đạn. Dưới nắp che là căn hầm được xây dựng kiên cố với diện tích khoảng 4m2, được ốp gạch men. Đường hầm thông ra ngoài khuôn viên biệt thự đi bằng một lối đi khác.
Biệt thự Bạch Ngọc là nơi giải trí. Trước biệt thự là bể bơi 300m3, sâu 1,2- 2,2m. Đây là bể bơi nước nóng duy nhất của toàn miền Nam thời điểm đó.
Ba căn biệt thự có những nét kiến trúc riêng, được thiết kế hài hòa, kết nối với nhau qua một khu vườn và các lối đi. Khu vườn do các kỹ sư Nhật Bản thiết kế là điểm nhấn. Trong vườn có 1 hồ nước, khi bơm đầy sẽ tạo thành hình địa đồ Việt Nam.
Năm 1958, bà Trần Lệ Xuân (sinh năm 1924, mất năm 2011) là vợ ông Ngô Đình Nhu (cố vấn cấp cao đồng thời là em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm) đã cho xây dựng biệt điện này. Công trình rộng 13.000 m2, nằm trên một ngọn đồi ở đường Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt.
Năm 1963, bà Trần Lệ Xuân ra nước ngoài sinh sống, công trình này trở thành Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Đến năm 2007, khu biệt điện trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nguyễn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét