Tại sao các đầu bếp chuyên nghiệp đều phải học cách trình bày món ăn? Câu trả lời là vì chúng ta ăn bằng mắt cũng nhiều như cúng ta ăn bằng miệng vậy. Tuy nhiên, cũng giống như con người, thức ăn có đẹp đến đâu cũng có đến 50% dựa vào người chụp "có tâm", chứ không phải cứ kê máy ảnh/điện thoại vào là cho ra những bức ảnh đẹp. Nếu bạn không để ý, đến cả những món ăn được chuẩn bị bởi nhà hàng hạng sang có sao Michelin cũng sẽ trông như những cơn ác mộng. Và ví dụ điển hình cho việc này là "tài năng" chụp ảnh ẩm thực của nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng Martha Steward.
Martha Steward - nhà phê bình ẩm thực với kỹ năng chụp ảnh mà chủ nhà hàng nổi tiếng nào cũng sợ hãi.
Đây là lý do vì sao mà Food Stylist (nhà tạo hình ẩm thực) và Food Photographer (nhiếp ảnh gia ẩm thực) được sinh ra trên đời. Và sau đây, những chuyên gia này sẽ chia sẻ cho các bạn một số cách để nâng cao kỹ năng chụp ảnh thức ăn, cho dù chỉ cho một chiếc post trên Instagram. Trang FoodBeast đã tập hợp một số tên tuổi nổi tiếng trong ngành như Ryan Haack, Aaron Shintaku, Marivic Dinina và Max Milla để tổng kết lại một số nguyên tắc khi chụp ảnh thức ăn quý giá:
Chọn phong cách nào có chứa cả "câu chuyện"
Chụp ảnh là một nghệ thuật, và nghệ thuật hình ảnh nào cũng là một cách kể chuyện. Mỗi mặt của hình ảnh đều chứa đựng một lời nhắn gửi, một cách để giao tiếp và một bức ảnh món ăn có thể nói với chúng ta về nguồn gốc, văn hoá và ý nghĩa của nó. Đối với nhiếp ảnh gia Max Milla, bạn luôn cần phải hiểu rõ về món ăn mà bạn sẽ chụp. Và nó cũng phụ thuộc vào chủ đề cũng như cảm giác. Ví dụ, như bạn chụp món Acai bowl – đặc sản Hawaii và chủ đề là cảm giác mùa xuân thì các nhiếp ảnh gia thường sẽ có xu hướng chụp ảnh bên ngoài với ánh sáng tự nhiên và màu sắc tươi tắn, vui vẻ.
Acai bowl với màu sắc tươi tắn.
Có nhiều cách khác nhau để tạo nên cảm xúc mà bạn muốn gửi đến cho người xem, ví dụ như phông nền, bản thân món ăn, hoặc cách mà con người trong ảnh tương tác với món ăn. Bạn đều có thể điều khiển những yếu tố này để tạo ra một "câu chuyện". Nó không cần thiết phải là câu chuyện dài lê thê, mà là cái cách người xem có thể rút ra một lời nhắn gửi nào đó. Thậm chí, lời nhắn gửi có thể đơn giản như: "món này ngon lắm đấy", và bạn có thể đạt được điều đó bằng cách cho ai đó cầm món ăn này một cách vui vẻ, ăn ngấu nghiến nó, kết hợp với những màu sắc tươi tắn mang lại cảm giác tích cực. Đôi khi, thêm một bông hoa nhỏ có màu sắc tươi sáng vào khung hình cũng có thể gợi lên nhiều thứ.
Ánh sáng, ánh sáng và… ánh sáng
Điều quan trọng phải nhắc lại ba lần. Ánh sáng là bạn thân của bạn. Bạn có thể cho rằng món ăn này trông ngon miệng là nhờ vào màu sắc, hình dáng, nhưng nếu hỏi bất kì nhiếp ảnh gia hay nhà tạo hình nào, trong 10 người sẽ có 10 người rưỡi nói là ánh sáng, rồi mới đến các yếu tố khác. Và đương nhiên, những tình huống khác nhau yêu cầu các loại ánh sáng khác nhau. Haack chia sẻ rằng anh luôn chú ý đến ánh sáng và nguồn gốc của nó. Đặt ra những câu hỏi như nó có sáng quá không? Chúng ta có cần "làm mềm" nó đi không…
Max Milla lại cho rằng ánh sáng tự nhiên ban ngày là tuyệt nhất. Nhất là vào những ngày trời nắng to và có mây đủ để làm dịu bớt. Mặt khác, nếu phải chụp trong nhà, bạn cũng nên chọn những khu vực đủ sáng. Và nếu cần thiết, hãy dựa vào các nguốn sáng nhân tạo (thậm chí là đèn pin từ điện thoại cũng có thể nâng cao chất lượng ảnh đáng kể).
Kết luận lại, nếu bạn chỉ muốn có một tấm ảnh Instagram đẹp thì tốt nhất là nên mượn sức ánh sáng thiên nhiên vào ban ngày. Và nếu ở trong chỗ tối thì có thể sử dụng đèn từ điện thoại hoặc các thiết bị khác. Đừng để thiếu ánh sáng!
"Tự nhiên" là chìa khoá
Đương nhiên là bạn không thể để đồ ăn ở hình dạng quá "nguyên thuỷ" và cũng cần phải động chạm đôi chút. Tuy nhiên đừng nên cố làm biến chất nó. Việc cho quá nhiều nguyên tố vào bức ảnh như dụng cụ ăn uống, một món ăn kèm, khăn, vải vóc… có thể khiến bức ảnh trông rối hơn. Những nhân vật vụ này có thể chiếm "spotlight" của nhân vật chính và làm nhiễu thông điệp bạn muốn truyền tải.
Mục đích chính của nhiếp ảnh ẩm thực là khiến người xem chú ý đến thức ăn, và điều đó sẽ khó khăn nếu bức ảnh quá "thừa mứa" những điều khác.
Nhiếp ảnh chuyên nghiệp là một chuyện, ảnh sống ảo thì sao?
Đương nhiên, hiếm ai muốn phải bỏ ra quá nhiều công sức cho một tấm ảnh Instagram vì đơn giản, tạo hình và nhiếp ảnh không phải chuyên môn lẫn công việc của họ. Chính vì vậy mà những chuyên gia này cũng chia sẻ một số tips dành riêng cho các tín đồ sống ảo trên Instagram.
Điều đầu tiên là "sự đồng bộ": màu sắc, bố cục, phong cách là những điều quan trọng cần để ý. Các bức ảnh của bạn phải có cùng một cảm giác, và các màu sắc phải hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải "nghịch" nhau. Sử dụng quá nhiều filter khác nhau có thể dẫn đến mất cân đối màu sắc, phong cách và khiến trang Instagram của bạn trông hơi… "bừa".
Sự đồng bộ là chìa khoá để có một Instagram đẹp. Nguồn ảnh: @mymoodyplate.
Điều thứ hai là bạn nên dành thời gian chỉnh sửa ảnh, thậm chí trong điện thoại của bạn có thể có hơn 100 chiếc app chỉnh sửa khác nhau cũng chẳng sao, nhưng bạn cần phải khiến các bức ảnh trông thật hoàn hảo trước khi đăng tải lên mạng. Đừng nên lười chỉnh sửa ảnh vì nếu các bức ảnh có màu sắc không được chăm chút sẽ không bắt mắt ai cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét