Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Nhà bê tông, mái tôn phá vỡ cảnh quan Hồ Ba Bể

Những vấn đề này đã được các đại biểu thẳng thắn mổ xẻ tại Hội nghị Kết nối các Doanh nghiệp kinh doanh Dịch vụ Du lịch và Trung tâm xúc tiến Du lịch (TTXTDL) các tỉnh được tổ chức ngày 25/10/2019 tại tỉnh Bắc Kạn.

Hội nghị có sự tham dự của ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, ông Trương Quốc Hùng, chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội và lãnh đạo các sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, và đại diện hơn 30 công ty lữ hành từ nhiều tỉnh thành.

Nhà bê tông, mái tôn phá  vỡ cảnh quan Hồ Ba Bể - 1

Ông Ngô Văn Vấn, Giám đốc trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị 

Dưới sự chỉ đạo, khuyến khích của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các đại biểu đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch của Bắc Kạn, nơi có nhiều tiềm năng với các danh thắng nổi tiếng như Vườn Quốc Gia Ba Bể, Động Hua Mạ, ATK Chợ Đồn,v.v.

Trong bản tham luận tại Hội nghị, ông Ngô Văn Vấn, Giám đốc TTXTDL tỉnh Bắc Kạn nêu một số hạn chế của ngành du lịch địa phương như cơ sở hạ tầng còn thiếu, sản phẩm du lịch nghèo nàn, lực lượng lao động thiếu, và công tác truyền thông, quảng bá chưa chuyên nghiệp...

"Hiện toàn tỉnh có 214 cơ sở lưu trú với tổng cộng 1.928 phòng, 10 đơn vị kinh doanh du lịch nhưng đa số quy mô nhỏ, hoạt động chưa thực sự hiệu quả," vị lãnh đạo địa phương chia sẻ trong tham luận.

"Ngoài ra, việc phát triển các làng nghề thủ công, sản phẩm truyền thống cũng chưa được quan tâm đúng mức. Dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xuồng máy Diezel gây nhiều tiếng ồn, ô nhiễm môi trường."

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương, ông Nguyễn Tuấn Linh, chủ cơ sở Homestay Mr. Linh chỉ ra một vài bất cập trong các dịch vụ tại Hồ Ba Bể như: Không có điểm dừng chân cho du khách chụp ảnh, tình trạng xây dựng nhà cửa tự phát không theo quy hoạch xung quanh hồ, chưa giới thiệu được các sản vật địa phương tới du khách.

Nhà bê tông, mái tôn phá vỡ cảnh quan Hồ Ba Bể - 2

Ông Linh chia sẻ ông rất bức xúc khi thấy tình trạng xây dựng nhà bê tông, nhà lợp tôn với đủ màu sắc, hình dạng tại nhiều điểm trên hồ Ba Bể. Tình trạng này khiến cảnh quan lòng hồ bị phá vỡ, tạo cảm giác nhếch nhác.Tôi rất buồn khi có lần nghe người ta gọi bản Pác Ngòi là "Thành phố Pác Ngòi".

Vị đại diện doanh nghiệp này kêu gọi lãnh đạo địa phương phải đưa ra một quy hoạch đồng bộ cho các công trình xây dựng tại đây sao cho hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên.

"Nếu không thể tháo dỡ các công trình hiện tại thì có thể có các phương án khác, chẳng hạn như sơn màu cho các tòa nhà giống nhau," ông Linh gợi ý.

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Ba Bể nêu thực trạng thiếu thông tin chỉ dẫn và dịch vụ cứu hộ cứu nạn trên hồ và đề xuât sớm thành lập một phòng cung cấp thông tin cho du khách khám phá trải nghiệm được dễ dàng hơn, cũng như phải có đội cứu hộ để đảm bảo an toàn cho du khách.

"Chúng ta đã đổ nhiều thời gian công sức để xây dựng thương hiệu du lịch Ba Bể, nhưng có khi chỉ cần một vụ tại nạn hay đuối nước đáng tiếc xảy ra thì chúng ta sẽ mất tất cả," bà Trang giải thích.

Trong khi đó, đại diện của TTTTXTDL tỉnh Thái Nguyên góp ý rằng thái độ của những người làm du lịch địa phương có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch. Vị đại diện này chia sẻ rằng ông mới đi tham quan hồ Ba Bể và nhận thấy những người lái xuồng chưa thực sự niềm nở và nhiệt tình chào đón du khách. Đó là một thiếu sót rất lớn cần phải được cải thiện ngay.

Đại diện đến từ Hiệp hội Lữ hành tỉnh Thanh Hóa phàn nàn rằng môi trường xung quanh hồ Ba Bể chưa thực sự sạch, vẫn còn nhiều chai lọ nhựa nổi trên mặt hồ. Ông bày tỏ sự cần thiết phải tổ chức tốt hơn công tác thu gom rác và tập huấn, tuyên truyền cho những người làm du lịch, nhân dân địa phương và du khách về việc bảo vệ môi trường.

Kết thúc hội nghị, ông Vấn thừa nhận tỉnh còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch xây dựng tại địa phương.

"Chúng tôi chưa có quy hoạch riêng cho từng khu vực nên rất khó để can thiệp vào việc người dân địa phương xây dựng trên những mảnh đất họ đã được cấp sổ đỏ," ông Vấn giải thích.

Ông cũng bày tỏ lo ngại với tình trạng lao động trong ngành du lịch bỏ sang làm các công việc khác. "Nhiều lần chúng tôi tốn rất nhiều công sức đào tạo được một hướng dẫn viên tốt nhưng rồi họ lại bỏ việc khi tìm được cơ hội khác tốt hơn."

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch Bắc Kạn cũng bày tỏ quyết tâm từng bước khắc phục khó khăn để phát triển du lịch địa phương với Chiến lược thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2021-2025, tăng cường đào tạo nhân lực, mở rộng tour tuyến...

Và Bắc Kạn hoàn toàn có thể lạc quan với những chuyển biến tích cực của ngành du lịch trong tương lai khi các con số thống kê cho thấy chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách đến thăm và doanh thu từ du lịch của tỉnh đã xấp xỉ con số của cả năm 2018, với lượng khách là 485,000 lượt và tổng doanh thu là 320 tỷ đồng.

Lan Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét