Kinh tế ban đêm là "mỏ vàng", tại sao chúng ta lại bắt khách đi ngủ sớm?
Phát biểu tại buổi tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm", diễn ra ngày 10/7 tại Đà Nẵng, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn cho rằng, trong những năm qua du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển ấn tượng tuy nhiên nếu không phát triển kinh tế đêm thì du lịch Đà không thể bứt phá và xứng tầm thế giới.
"Nếu chỉ có kinh tế ban ngày sẽ rất tẻ nhạt. Khách đến du lịch tắm xong lại đi ăn, ăn xong lại đi tắm thì rất chán, họ đến 1-2 ngày là khăn gói lên đường trở về ngay", ông Thiên nói.
Chuyên gia này dẫn chứng, những thành phố nổi tiếng về du lịch trên thế giới đều có các hoạt động kinh tế đêm rất sôi động. Không cần nhìn xa, ngay gần Việt Nam là Thái Lan, Trung Quốc... họ đều rất thành công trong việc phát triển kinh tế đêm với các hoạt động shopping, ẩm thực, giải trí thâu đêm.
Ông Thiên cũng so sánh, khách quốc tế lưu trú trong cùng khoảng thời gian 9 ngày thì họ chi tiêu tại Việt Nam chỉ khoảng 96 USD/ ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD/ ngày.
Mức chi tiêu của du khách đến Việt Nam còn thấp theo chuyên gia này có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 12 giờ đêm.
"Kinh tế ban đêm của Thái Lan bỏ xa Việt Nam. Băng Cốc được ví là thành phố không bao giờ nghỉ ngơi vì các hoạt động giải trí diễn ra thâu đêm.
Có thể thấy, việc thúc đẩy, phát triển kinh tế ban đêm như một chiến lược cạnh tranh và phát triển của các đô thị thời đại "hậu công nghiệp". Đây cũng là giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng "lợi thế đi sau". Với Đà Nẵng, việc phát triển kinh tế đêm là còn là giải pháp "chớp" thời cơ để bứt phá "hậu Covid", ông Thiên khẳng định.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng phân tích, để phát triển, thúc đẩy kinh tế ban đêm thì phải có một chiến lược phát triển bài bản và tổng thể. Ngoài việc có các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn cho du khách trải nghiệm thì nhà nước cũng cần có những cơ chế "cởi trói", khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế đêm.
"Kinh tế ban đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày kéo dài hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Lâu nay, trong Luật chúng ta cấm các hoạt động mở cửa sau 12 giờ đêm, rồi hàng loạt các quy định ràng buộc thì làm sao phát triển được kinh tế ban đêm?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, ông Cao Chí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, những khách quốc tế đến từ các thị trường Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ có nhu cầu giải trí về đêm rất lớn.
Họ "lệch múi giờ" với chúng ta, giờ họ thức thì chúng ta đi ngủ và ngược lại. Nếu không có các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm... cho khách trải nghiệm thì làm sao khiến du khách đến "bỏ tiền nhiều" ra chi tiêu?
70% khách đến Thái Lan quay lại, còn Việt Nam thì sao?
Tham gia tham luận tại hội thảo, ông Dương Phú Nam- TGĐ Sun World Holding cũng trăn trở cho rằng, phát triển du lịch ở Việt Nam phải làm sao đi đôi cả "chất" với "lượng".
Việt Nam là 1 trong 10 đất nước có tốc độ tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh nhất thế giới, đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tuy nhiên về mặt "chất" thì vẫn còn chưa tương xứng.
"Lượng khách đông là tín hiệu rất vui mừng, nhưng theo tôi chúng ta chưa nên ngủ quên trên chiến thắng. Thái Lan đón khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nhưng có đến 70% số khách quay lại. Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế nhưng câu hỏi đặt ra là, trong số này có bao nhiêu khách quay lại?
So sánh với các nước lân cận, mức chi tiêu của khách, họ cũng gấp đôi chúng ta. Ví dụ, chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan là 163 USD và ở Bangkok hay Phuket đã đạt hơn 200 USD, Singapore là 272 USD ", ông Nam nói.
Đại diện này cũng cho rằng, việc tăng trưởng lượt khách 18-20% hàng năm của du lịch Việt Nam là con số ấn tượng, nhưng sẽ rất khó để duy trì lâu dài.
Các nước có du lịch phát triển như Thái Lan hay Malaysia cũng chỉ duy trì tăng trưởng 3,8- 4% mỗi năm. Câu chuyện ở đây là làm sao để tăng doanh thu về du lịch, khiến khách đến chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn và quay lại nhiều hơn.
"Các nước phát triển du lịch có sự góp phần rất lớn của kinh tế ban đêm. Nếu xét ở bình diện quốc gia thì chúng ta chưa làm được điều này. Nhu cầu của khách rất lớn nhưng đến tối chúng ta lại bắt khách đi ngủ, đó là sự lãng phí rất lớn", ông Nam thẳng thắn nói.
Ghi nhận những ý kiến trong hội thảo, Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng thừa nhận việc phát triển kinh tế đêm là chiến lược quan trọng để giúp du lịch Đà Nẵng cạnh tranh, bứt phá trong giai đoạn hậu Covid cũng như hướng tới các mục tiêu lâu dài, bền vững.
Hiện nay, dịch vụ kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng đã bắt đầu hình thành, đa dạng. Ví dụ như: các hoạt động vui chơi giải trí tại Công viên Châu Á, Bà Nà Hills, tại các Bar ban đêm như SKY36 và 1 số các bar dọc trên đường ven biển Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp... Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có các show diễn, dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ cho người nước ngoài, hoạt động 24/24, hoạt động của các phố đêm, phố đi bộ, ẩm thực...
Theo bà Hạnh, thời gian tới thành phố dự kiến sẽ chọn một số khu vực để quy hoạch thành cụm du lịch trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm và có những đề xuất, cơ chế thu hút các nhà đầu tư.
"Hiện nay có một số khó khăn là những cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư thì vướng Luật, cơ chế thuộc về thành phố thì lại chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp. Do đó chúng tôi cũng sẽ suy nghĩ thêm các giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển hơn nữa", bà Hạnh khẳng định.
Hà Trang - Toàn Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét