Các đại biểu HĐND TPHCM đã đặt 19 câu hỏi cho lãnh đạo Sở Du lịch, những câu hỏi này tập trung vào những nội dung như: Sở Du lịch TPHCM đã có những giải pháp nào để khôi phục ngành du lịch sau mùa dịch bệnh, giải pháp gì để phát triển du lịch nội địa, kích cầu du lịch thành phố tăng trưởng trở lại…
Đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phúc đặt câu hỏi, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch cả nước nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng chịu tác động lớn từ dịch bệnh, doanh thu toàn ngành du lịch của thành phố giảm 68%, vậy thành phố có giải pháp gì để khôi phục ngành du lịch?
"Vừa qua, điểm đến Cần Giờ rất thu hút du khách, đây được xem là khu dự trữ sinh quyển lớn và là vùng đấu tranh cách mạng…có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng du lịch Cần Giờ vẫn phát triển tự phát, manh mún…chưa đúng tiềm năng. Vậy sắp tới, Sở có giải pháp gì để thúc đẩy du lịch Cần Giờ phát triển đúng với tiềm năng hiện có?", ông Phúc đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Trí, đặt giả thuyết kịch bản xấu nhất hết năm 2020 dịch bệnh vẫn không được khống chế trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn không thể mở cửa đón khách quốc tế, trong khi ngành du lịch thành phố có doanh thu cao từ du khách quốc tế. Với bối cảnh như vậy, ngành du lịch thành phố đã có giải pháp gì để phát triển du lịch trong điều kiện mới mà vẫn đảm bảo an toàn cho du khách?
Quan tâm tin tưởng ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng sau dịch, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng vừa qua các sản phẩm du lịch của thành phố vẫn chưa hấp dẫn du khách do còn đơn điệu, thiếu đặc trưng và chưa kết nối các sản phẩm, chưa kết nối các làn sóng đầu tư trong nước và ngoài nước… vậy Sở Du lịch có kế hoạch cụ thể gì để phục hồi ngành du lịch trong 2 quý tới để đạt được kỳ vọng phục hồi thị trường du lịch nội địa 80% so với thời điểm trước khi có dịch bệnh?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu HĐND TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Thành phố đạt doanh thu 3.882 tỷ đồng, sụt giảm 65% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực khi tháng 4 và tháng 5, mức doanh thu chỉ đạt 1.760 tỷ và 2.866 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú 4-5 sao, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khách quốc tế, nay đã đạt công suất 40% ở nội thành và 30% ở ngoại thành. Một số địa điểm ghi nhận công suất đến 50%.
Đặc biệt, thị trường du lịch nội địa đã bắt đầu ấm lên, do hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa TP được phát động từ ngày 9/6 đến nay. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch thành phố do bị tác động bởi dịch bệnh.
TPHCM đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khôi phục thị trường khách trong nước như: tung ra các chương trình kích cầu du lịch đến mức giảm giá sâu tới 70%; chuẩn bị tổ chức ngày hội du lịch TPHCM trong tháng 7 với sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong cả nước đến chào bán tour di lịch; kết nối vùng, ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và các tỉnh thành khác kèm nhiều kế hoạch hành động cụ thể như xây dựng các tour tuyến điểm liên vùng, liên tuyến với mục tiêu lấy giá giảm thu hút sự quan tâm của du khách nhưng chất lượng tour không giảm; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng, bán sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với hàng loạt giải pháp như trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, 6 tháng cuối năm thị trường khách nội địa có thể hồi phục 80% so với thời gian trước khi có dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, chờ đến khi các điều kiện cho phép, ngành du lịch thành phố sẽ mở cửa đón khách quốc tế trở lại dựa trên bộ tiêu chí an toàn đang được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước.
Phạm Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét