Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Ai còn nhớ những món ăn "thi là đậu" mà các mẹ ngày xưa thường bắt chúng ...

Người Việt Nam có cái thú chơi chữ rất chi là hay ho, từ mâm ngũ quả "cầu dừa đủ xoài" của người miền Nam, cho đến mấy món như ăn bánh chiên, rán để "ráng" (cố gắng) làm việc cho xong… Nhiều người còn cho rằng bánh hỏi có cái tên này là nhờ xuất hiện nhiều trong đám cưới, đám hỏi nữa. Và một dịp khác cho thấy cái sự chơi chữ đầy thú vị này đó là… mùa thi. 

Đã là người Việt Nam thì hẳn không ai không biết đến những món ăn mùa thi "huyền thoại" này. Dẫu không biết những món này có khiến mình đậu thật hay không, nhưng không thể phủ nhận chúng ta "hưởng sái" từ dịp thi cử này, được các mẹ, các bà bồi bổ bằng rất nhiều món ngon. Có những khi, ăn nhiều quá đến mức... ngán luôn, thế nhưng không có thì lại cứ thấy thiếu thiếu gì đó.

Không biết có ai giống tôi không, nhưng nhân dịp kì thi Quốc gia năm 2019, tôi xin chia sẻ một số những món ăn đã được mẹ làm cho ăn trong khoảng thời gian này năm ấy.

Kính thưa các loại đậu

Ai còn nhớ những món ăn thi là đậu mà các mẹ ngày xưa thường bắt chúng mình ăn cho bằng được? - Ảnh 1.

Tôi còn nhớ quãng đời học sinh của mình, trong suốt 12 năm học, mỗi năm cả thảy 4 lần thi (2 lần giữa kì 2 lần cuối kì). Thi bao nhiêu lần là tôi phải ăn bấy nhiêu nồi chè đậu. Có đủ các loại đậu từ đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ và đậu trắng… Tuy nhiên do mẹ tôi có kì vọng cao ở tôi, muốn tôi không những phải đậu mà còn đậu với điểm cao. Vì vậy, món tôi ăn nhiều nhất vẫn là chè đậu đỏ.

Tôi cảm thấy mình có lẽ không cần phải giải thích lý do đằng sau hiện tượng này, tin rằng bất kì đứa trẻ người Việt nào cũng ngầm hiểu rằng "đậu" đồng âm với "đậu" trong thi cử. Mặt khác, "đỏ" là màu của may mắn, giống như người Việt thường hay nối là "số đỏ", "thắng đỏ" thì nồi chè "đậu đỏ" của mẹ tôi là một sự kì vọng sâu xa. Hiện tại nhớ lại thời học sinh ngày đấy, còn đọng trong ký ức của tôi cũng không phải điểm số mà là nồi chè của mẹ. Tôi có thể không nhớ cụ thể số điểm năm ấy, nhưng tôi nhớ rất rõ bóng lưng mẹ thức đêm để nấu nồi chè to. Và tôi nghĩ rằng nhiều người khác cũng thế, thứ còn đọng lại chẳng phải điểm số, mà là tình thương của người trong gia đình, những người lo lắng đến từng miếng ăn giấc ngủ của chúng ta.

Bắp

Ai còn nhớ những món ăn thi là đậu mà các mẹ ngày xưa thường bắt chúng mình ăn cho bằng được? - Ảnh 2.

Có lẽ một số bạn sẽ thấy lạ lẫm khi ăn bắp trước mùa thi, thế nhưng đây là món mà tôi và anh chị em trong nhà ăn nhiều nhất vào mùa thi. Hầu như ngày nào mẹ và dì tôi cũng ra chợ mua ít bắp luộc. Nguyên do là vì người miền Nam chúng tôi thường có câu là "chắc như bắp". Dù cá nhân tôi thấy trái bắp không được chắc cho lắm, vì bẻ một phát là gãy đôi được, nhưng đó là quan niệm bất di bất dịch của phụ huynh nhà mình nên đành chịu. Trước khi thi khoảng vài ngày, mẹ tôi luộc bắp thường xuyên và bắt anh chị em mỗi ngày ăn một quả. Khi ăn phải ăn hết, không được bỏ mứa vì mẹ tin rằng ăn hết thì mới làm hết bài. 

Cua gạch

Ai còn nhớ những món ăn thi là đậu mà các mẹ ngày xưa thường bắt chúng mình ăn cho bằng được? - Ảnh 3.

Đây có lẽ là món xa hoa nhất, và cũng ít được ăn nhất song vẫn phải có ít nhất 1 – 2 lần trước ngày thi. Cũng tương tự như bắp, có một phiên bản tương tự là "chắc như cua gạch". Mặt khác, gạch cua có màu đỏ cam rất tươi và đẹp, vậy nên mẹ tôi cũng tin rằng nó có thể giúp chúng tôi "đỏ" hơn. Mà đối với bọn trẻ lười bốc cua thì mẹ đã phải gỡ thịt trước, lấy gạch, sau đó xào với cơm. Đây là món ăn được chúng tôi yêu thích nhất vào mùa thi, thậm chí cứ năm nào mẹ quên thì cũng phải nhắc cho được.

Bánh bao

Ai còn nhớ những món ăn thi là đậu mà các mẹ ngày xưa thường bắt chúng  mình ăn cho bằng được? - Ảnh 4.

Nghe có vẻ buồn cười, và tôi cũng chắc là hiếm ai biết đến món này vì dẫu sao, đây cũng là lý giải của riêng mẹ tôi. Mẹ bảo, ăn để "bao" trọn cả đề. Bởi chiếc bánh bao "bao" hết mọi thứ trong tầm tay một cách gọn gàng, vậy nên nếu ăn bánh bao thì tôi cũng sẽ có khả năng "bao" trọn đề thi và thành công vượt vũ môn. Món này không phải mùa thi nào cũng ăn như những món khác, tuy nhiên mẹ tôi thường cho ăn kèm cùng các món trên vào những ngày thi quan trọng như thi lên cấp 3 hoặc thi đại học. Tuy nghe có hôi lạ lẫm, nhưng tôi khá chắc là nhiều bà mẹ khác cũng có lý giải tương tự về các món ăn khác của riêng mình giống như vậy.

Tạm kết:

Trong thực tế, nếu bạn không cố gắng, không học tập chăm chỉ thì cho dù có bao nhiêu món ăn mang ý nghĩa tốt lành trên đời gộp lại cũng không thể giúp bạn có được kết quả như ý. Tôi biết mình đậu vào trường chuyên và đậu đại học không phải vì ăn tất thảy những thứ mà mẹ tôi làm cho, mà là vì nhờ sự quan tâm của mẹ mà tôi có thêm động lực để ôn tập. Chính bởi vì những món ăn tưởng chừng như "mê tín", lại thực ra là một động lực tuyệt vời cho chúng ta. Thường thấy, sĩ tử đi thi được quý hơn cả vàng. Bậc phụ huynh lúc nào cũng sẽ chăm chút, chú ý đến bữa ăn, giấc ngủ của ta từng tí. Thậm chí, nó có khi chẳng phải là những món ăn "chơi chữ", mà là những món ăn bổ dưỡng, là ly sữa nóng, là bát mì gói nấu thêm quả trứng đơn giản mà ấm lòng vào những đêm ôn bài muộn.

Chúng ta không thi đậu vì chúng ta ăn "đậu", ăn "bắp". Chúng ta thi đậu vì chúng ta cố gắng, và chúng ta cố gắng vì chúng ta nhìn thấy được sự quan tâm và kì vọng của mẹ, của cha. 

Sắp thi rồi, xin được phép chúc các sĩ tử thật nhiều may mắn, và nếu có thể, dù "ngán đến tận cổ" rồi, vẫn xin cố ăn bát chè của mẹ và cảm ơn mẹ vì đã quan tâm ta nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét