Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao khá nhiều về thông tin cựu CEO The KAfe là Đào Chi Anh đang huy động vốn dưới hình thức crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) để "xây dựng lại ngôi nhà mới cho những người đã yêu The KAfe ngay từ cửa hàng đầu tiên". Điều này nhanh chóng vấp phải những ý kiến trái chiều, mà trong đó có rất nhiều người cho rằng cách làm này không hề hợp lý.
Mặt khác, phía Đào Chi Anh cũng đã lên tiếng về việc này . Cụ thể, chị Đào Chi Anh cho biết: "Quyết định quyên góp hay không là quyết định tự nguyện của riêng từng cá nhân, và bản thân mình không ép ai làm gì mà họ không muốn. Bởi vậy Chi Anh không có gì để phản hồi với những suy nghĩ trái chiều, Chi Anh tôn trọng ý kiến cá nhân và lựa chọn của mỗi người, bạn có thể lựa chọn tin tưởng hoặc không tin tưởng".
Tạm không bàn cãi quá nhiều về câu chuyện ở trên, một điều khác cũng khiến rất nhiều người quan tâm, đó chính là hình thức gọi vốn crowdfunding. Trong khi cộng đồng mạng còn có nhiều người thấy mơ hồ về hình thức gọi vốn này, thì giới kinh doanh lại không hề lạ lẫm bởi nó đã xuất hiện từ hơn 10 năm nay.
Dưới đây, xin được phép trích dẫn một phần giải thích của chị Ngô Phương Thảo, CEO pretty.tips khi nói về hình thức gọi vốn crowdfunding:
A. Crowdfund là gì?
Theo định nghĩa của Wikipedia thì crowdfund mong đợi 1 số tiền rất nhỏ từ một số lượng lớn cộng đồng, fans, nhà đầu tư không chuyên để đầu tư cho một dự án, sản phẩm, tác phẩm… Số tiền đủ nhỏ để mọi người không thấy tiếc khi mất và cộng đồng fans đủ lớn để đầu tư đủ số tiền chủ project cần.
Vì mình đã xem quá nhiều các dự án crowdfund trên Kickstarter nên mình thấy một dự án crowdfund thành công gồm 4 yếu tố:
1. Dự án, sản phẩm, tác phẩm đủ hay ho và có một cộng đồng fans nhất định, hoặc idea hay đến mức độ người ta phải "wow" khi nghe đến nó.
2. Chủ project cần công khai càng chi tiết càng tốt số tiền mình kêu gọi để dùng vào những việc gì.
3. Chủ project cần đưa ra những lợi ích cao hơn số tiền mà cộng đồng bỏ vào.
4. Trong trường hợp bạn kêu gọi 200k nhưng cộng đồng chỉ đóng được có 2k thì nên trả lại tiền cho mọi người.
Chị Ngô Phương Thảo, CEO pretty.tips.
B. Crowdfund phù hợp với những dạng dự án nào?
Mình thấy crowdfund phù hợp nhất với các dự án vừa và nhỏ, các sản phẩm DYI, các sản phẩm mang tính cộng đồng cao, sách, truyện tranh, các startup giai đoạn ý tưởng làm prototype.
Ví dụ 1: Bạn A vẽ truyện tranh, giả sử nếu nhà in đầu tư thì khi có lợi nhuận sẽ chia đều 50-50. Điều này cũng tương tự khi gọi vốn cộng đồng nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ, nếu gọi vốn cộng đồng thì bạn đã có được các khách hàng sẽ mua sản phẩm (chính là những người đầu tư), còn việc hợp tác với nhà in thì không mang lại điều này. Trường hợp này đương nhiên có lợi nếu áp dụng crowdfunding.
Ví dụ 2: Bạn B làm thảm Yoga, ý tưởng rất hay nhưng sản phẩm lại tệ, những người đầu tư (cộng đồng góp vốn) nhận được sản phẩm chưa tốt. Điều này chính là rủi ro gặp phải trong đầu tư, tuy nhiên số tiền bỏ ra cũng không quá lớn.
Ví dụ 3: Bạn C mở quán cà phê và kêu gọi vốn bằng hình thức crowfunding. Ví dụ này thì phức tạp hơn nhiều.
Trong lĩnh vực F&B (dịch vụ ăn uống) thì ai trong nghề cũng hiểu câu chuyện địa điểm quan trọng cỡ nào rồi, mà địa điểm ngon thì làm gì có chuyện rẻ, tiền thu của cộng đồng bỏ vào túi ông chủ mặt bằng liệu có đáng không. Trường hợp không thuê mặt bằng xịn xò - ra một chỗ xa trung tâm giá rẻ thôi, không gian bình dân không sang chảnh nhưng đồ ăn và dịch vụ ngon hết nấc khiến xa mấy người ta cũng phải đi thì có vẻ là một chiến lược khôn ngoan hơn. Để làm được như vậy đòi hỏi C phải là một sản phẩm - thương hiệu khiến cộng đồng ăn uống tin tưởng thực sự và có 1 tập fans riêng - sẵn sàng hi sinh ly rưỡi trà sữa mất không thấy tiếc, tính sơ sơ là $200k/$5 = 40 ngàn người.
40 ngàn người phát ra 40 ngàn cái voucher trị giá $7, chỉ cần 1 nửa số đó đi thì doanh số đợt ra mắt đầu tiên đã là $7 x 20k = $140k. Đó là "đếm cua trong lỗ" hoặc "count the chickens before they hatch" (đếm gà trước khi nở). Vấn đề đầu tiên là kiếm đâu ra 40 ngàn người tình nguyện mất một ly trà sữa rưỡi tương đương 5 đồng Trump đây?
Chỉ qua những ví dụ đơn giản của một người làm kinh doanh, cộng đồng có thể hiểu rõ ràng hơn về hình thức gọi vốn từ cộng đồng.
Câu chuyện về hình thức gọi vốn từ cộng đồng nói chung và trong ngành dịch vụ ăn uống nói riêng vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bản thân mỗi người chúng ta cũng có thể sẽ trở thành những người đầu tư theo hình thức như trên. Ít nhất, hãy hiểu thêm về hình thức crowfunding này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét