Tại buổi tọa đàm, ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, với sự tăng trưởng liên tục nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia.
Theo ông Quân, Cà Mau là địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch, như: Du lịch biển đảo, du lịch địa lý, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lễ hội,...
"Với vị trí địa lý nằm ở điểm đầu "cực Nam Tổ quốc", và đồng thời nằm trên tuyến đường hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mêkông mở rộng, Cà Mau có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Do vậy, hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau", Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau khẳng định.
Theo thống kê của lãnh đạo ngành Du lịch Cà Mau, trong 5 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh này là trên 20% mỗi năm. Riêng năm 2019, Cà Mau đã đón 1,7 triệu lượt khách, đây là bước đầu rất thành công.
Tuy nhiên, theo ông Tiêu Minh Tiên- Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, bên cạnh những kết quả đạt được, Cà Mau còn một số mặt hạn chế sắp tới cần phải giải quyết, như: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là đến các khu, điểm du lịch trọng điểm; sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, chưa xứng tầm tiềm năng hiện có; tính chuyên nghiệp chỉ mới được bắt đầu, kể cả nguồn nhân lực…
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết, Cà Mau xác định sản phẩm du lịch xuyên suốt lâu dài đó là du lịch sinh thái... Trong đó, sẽ phát triển khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ làm điểm nhấn, tạo sự lan tỏa trong và ngoài nước.
Diễn giả đến từ Thái Lan, ông Peerapol Triyakasem- Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty du lịch Virgo Solution cho rằng, để đến Cà Mau phải tốn rất nhiều thời gian, đó là lý do hạn chế khách du lịch nước ngoài đến với tỉnh này. "Như tôi phải bay từ Thái Lan đến TPHCM, sau đó mới đi đường bộ xuống Cà Mau với thời gian rất lâu", ôgn Peerapol Triyakasem nói.
Theo diễn giả Thái Lan, trong ngành du lịch thì cơ sở hạ tầng cần phát triển đồng bộ cả đường bộ, hàng không và đường biển, ở cà Mau có thể phát triển những yếu tố này. Tuy nhiên, chỉ có điều chuyến bay đến Cà Mau hiện nay quá ít.
Ngoài cảng hàng không, Cà Mau cần nhắm tới du lịch đường biển. Tuy nhiên, đường biển không phải dễ dàng, nhưng Cà Mau có thuận lợi, đây có thể là điểm kết nối giữa các nước Đông Nam Á rất tốt. "Việc phát triển du lịch đường biển rất tốt trong tương lai giữa Việt Nam, Thái Lan, Campuchia", ông Peerapol Triyakasem hy vọng.
Chủ tịch Vietnam Center in Thailand cũng cho rằng, Cà Mau có thể hình thành bến cảng không chỉ phục vụ thủy hải sản mà cả ngành du lịch. Bởi phát triển du lịch đường hàng hải có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với đường hàng không.
"Hiện nay Cà Mau có cảng cá Sông Đốc, có nghề đánh bắt hải sản phát triển sầm uất nhất ở Cà Mau. Chúng tôi đang hỗ trợ dự án này, muốn xây dựng phát triển thành cảng cá quốc tế, vừa để thu hút khách du lịch. Việc phát triển du lịch đồng nghĩa với phát triển kinh tế, do đó 2 cái này đi cùng với nhau. Để trong tương lai ai cũng có thể đến Cà Mau, thưởng thức món cua, đặc sản của Cà Mau.
Bên cạnh đó, với vỏ cua, vỏ tôm có thể sử dụng để chế biến ra sản phẩm thay thế túi nilong, làm cho du khách cảm nhận được Cà Mau là nơi có môi trường thân thiện. Đi du lịch không chỉ ngắm cảnh đẹp, mà còn tìm hiểu, có được kiến thức về sự phát triển kinh tế, con người ở nơi đó", Chủ tịch Công ty du lịch Virgo Solution gợi ý.
Huỳnh Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét