Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

"Xơ xác” làng bích họa Tam Thanh

Dọc trên con đường qua làng bích họa Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) dễ dàng nhận thấy những bức tranh đã bị bôi xóa, rêu xanh bám quanh các mảng tường, một số tường nhà có bích họa trước đây đã được quét sơn mới lại.

Lối đầu dẫn vào Làng bích họa Tam Thanh nhếch nhác, hư hại

Theo lời các hộ dân trong làng, do người nơi khác đến mua nhà, trong quá trình nâng cấp, xây mới lại họ đã đập phá những bức tường, vì thế các tranh vẽ cũng bị bỏ đi. Riêng thôn Hòa Trung (trước đây là Trung Thanh), 3 năm qua đã có gần 20 ngôi nhà đổi chủ do mua bán.

Bức tường bị bôi bẩn rất phản cảm

Bà Phạm Thị Tùy (người dân thôn Hòa Trung, Tam Thanh) buồn bã: "Làng bích họa giờ hiu hắt, những ngày cuối tuần nhưng chỉ có vài khách đến rồi lại lắc đầu bỏ đi, còn bình thường thì chẳng có ai. Khi mới khai trương, du khách khắp nơi đổ về khiến du lịch tại đây cũng phát triển theo. Hiện những bức tường còn nguyên vẹn khá ít, phần nhiều bị rêu bám, rồi người ta đập xây nhà mới, hay bị bôi bẩn khiến người dân và du khách rất tiếc nuối".

Quang cảnh rất tàn tạ khiến du khách phải ngán ngẩm

"Làng bích họa Tam Thanh" và "Con đường nghệ thuật thuyền thúng" từng được xem là "thương hiệu" và điểm nhấn của du lịch TP Tam Kỳ. Dường như việc phó thác cho cộng đồng, địa phương, nhất là những bất cập trong kế hoạch quản lý hậu dự án đã khiến điểm tham quan này dần xuống cấp.

Người dân rất tiếc nuối trước sự xuống cấp của Làng bích họa từng đẹp như tranh vẽ

Với công việc bán chè, nước giải khát cho khách đến tham quan nhưng giờ phải nghỉ bán do quá ít khách, chị Nguyễn Thị Ánh (người dân làng bích họa Tam Thanh) chia sẻ, vị trí nhà tôi trước đây là điểm yêu thích của du khách do có nhiều bức họa đẹp, sát bờ biển lại mát. Mỗi ngày tôi bán cũng vài nồi chè, nhưng giờ đã nghỉ do ế khách. Các bức tường dần bị phá dỡ, rồi hư mòn theo thời gian khiến ai cũng tiếc nuối.

Không còn là Làng bích họa từng được du khách "mê mẩn" như ngày nào

"Có nhà đập tường có bức tranh chú chó rất đẹp, tiếc quá tôi nhờ người khiêng về nhà trưng cho đẹp nhưng giờ cũng mốc meo gần nửa. Chúng tôi chỉ là dân biển nên chẳng biết làm sao để bảo quản các bức tranh này, muốn tô lại nhưng lại sợ mất "hồn" của tranh. Hy vọng sẽ có biện pháp kịp thời để khôi phục lại làng tranh như xưa, người dân cũng có cơ hội làm du lịch phát triển thêm kinh tế", chị Ánh tiếc nuối.

Người dân tiếc nuối khi bức tường đẹp bị phá dỡ để làm nhà nên đã mang về nhà trưng cho đẹp

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch xã Tam Thanh - cho hay, ngoài nguyên nhân dịch vụ chưa hoàn thiện thì thời điểm này mùa mưa gió nên khách đến làng rất ít, do đó thuyền thúng nghệ thuật phải cất vào sân bãi. Riêng tranh tường bị bôi xóa hay đập phá, chính quyền cũng khó làm gì được vì các ngôi nhà thuộc quyền sở hữu tư nhân không thể cấm người dân mua bán.

Theo chính quyền, vì hiện tại đang mùa mưa nên những chiếc thuyền thúng được cất vào bảo quản

"Chúng tôi cũng rất tiếc nuối những bức bích họa trên tường đó nhưng rất khó để cứu, bởi tường xây bằng vôi vữa chất lượng kém nên khi di chuyển sẽ dễ vỡ. Chính quyền địa phương cũng rất hy vọng sẽ có những biện pháp để khôi phục lại làng bích họa, cũng như phát triển thêm du lịch tại đây", ông Bình nói.

Làng bích họa Tam Thanh cách TP Tam Kỳ khoảng 7km, một mặt giáp biển và mặt còn lại giáp sông Trường Giang. Những bức tường ở ngôi làng này do những bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc vẽ từ tháng 6/2016.

Người dân tiếc nuối trước sự xuống cấp của Làng bích họa Tam Thanh

Làng bích họa Tam Thanh thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp độc đáo, sáng tạo, mới mẻ có một không hai và thống kê cho thấy chỉ sau 4 tháng đầu tiên được khen ngợi trên báo chí thì lượt khách đổ về đây rất đông. Việc này đã giúp thúc đẩy nền du lịch địa phương, tạo thêm kế sinh nhai cho người dân làng chài nghèo tại đây.

Tháng 6/2019, UBND TP Tam Kỳ khai trương "Con đường nghệ thuật thuyền thúng" nhân Festival du lịch biển Tam Kỳ 2019. Tuy nhiên, sau những xôn xao ban đầu, tất cả đã chìm vào cảnh đìu hiu, hoang tàn.

Công Bính-Ngô Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét