Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Du khách kém hài lòng khi mua sắm, tiêu dùng ở Hà Nội?

Đây là số liệu được ông Kai Partale, chuyên gia nghiên cứu thuộc Dự án EU đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/12.

Dự án của EU thực hiện khảo sát 5 điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam là: Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả, Hà Nội đứng thứ 5, cuối cùng của bảng xếp hạng trong khi đó, Quảng Nam được đánh giá có các chỉ số tốt nhất trong các tỉnh thành được khảo sát và đứng ở vị trí đầu tiên.

Du khách kém hài lòng khi mua sắm, tiêu dùng ở Hà Nội? - 1

Dự án của EU thực hiện khảo sát 5 điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam với 12 chỉ số về năng lực cạnh tranh du lịch

Theo ông Kai Partale, so với các điểm đến du lịch ở Việt Nam, Hà Nội có lợi thế về nguồn tài nguyên văn hóa, hạ tầng du lịch, vấn đề an ninh, an toàn song về môi trường kinh doanh, việc ưu tiên cho lĩnh vực du lịch đặc biệt việc cạnh tranh về giá còn yếu.

Cụ thể, trải nghiệm của du khách về mức độ hài lòng khi mua sắm, tiêu dùng, chi tiêu ở Hà Nội được đánh giá thấp nhất với 1,2/ 7 điểm, trong khi Thừa thiên Huế 6.7/7 điểm, Quảng Nam 6.3/7, Quảng Ninh 5/7 điểm, Tp. Hồ Chí Minh là 3.2/ 7 điểm.

Du khách kém hài lòng khi mua sắm, tiêu dùng ở Hà Nội? - 2

Theo chuyên gia EU việc phân chia chỉ số và xếp hạng giữa các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Việt Nam nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp các địa phương thấy được điểm mạnh, điểm yếu để có giải pháp cụ thể

Chuyên gia thuộc dự án nghiên cứu EU nhấn mạnh, mức độ cạnh tranh về giá được đánh giá dựa trên việc hài lòng của khách hàng với giá trị mặt hàng, sản phẩm mà họ nhận được tương ứng với số tiền bỏ ra. "Rõ ràng về điểm này thì Hà Nội cần phải cải thiện hơn so với các tỉnh thành khác", ông Kai Partale nhấn mạnh.

Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh về du lịch của 5 điểm đến du lịch ở Việt Nam được Dự án của EU đánh giá dựa trên 12 yếu tố gồm: môi trường kinh doanh, an ninh, mức độ cạnh tranh về giá, môi trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, tài nguyên văn hóa, tài nguyên tự nhiên, mức độ mở cửa với quốc tế, hạ tầng hàng không, y tế - vệ sinh, nguồn nhân lực…

Việc phân chia chỉ số và xếp hạng giữa các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Việt Nam nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp các địa phương thấy được điểm mạnh, điểm yếu từ đó đưa ra các giải pháp thu hút lượng khách đến, để khách du lịch ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Du khách kém hài lòng khi mua sắm, tiêu dùng ở Hà Nội? - 3

So với các địa phương khác, Hà Nội có lợi thế về tài nguyên văn hóa song mức độ cạnh tranh về giá được xếp hạng thấp nhất. Trong ảnh là hàng rong chèo kéo khách quốc tế ở Hồ Tây. Ảnh: Xuân Ngọc

Thời gian qua, du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2016 là 10 triệu lượt khách thì năm 2018 đã cán mốc 15,5 triệu lượt. Tuy nhiên, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam từ lần thứ hai trở đi rất thấp. Cụ thể, số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch thì tỷ lệ khách quay lại Việt Nam vào năm 2017 là 40% và trước đó năm 2014 chỉ khoảng 33%.

Còn theo Hiệp hội du lịch quốc tế, chỉ khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai. Như vậy, cứ 10 khách quốc tế mới có 1 người muốn quay trở lại. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng không cao, trung bình chỉ hơn 1.000USD cho một chuyến 9 ngày. Con số này so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Singapore... còn thấp. 

Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, năm 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia. Mục tiêu là nhằm tạo sự bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.

Ngoài việc đưa ra các giải pháp cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến, nhiều vấn đề "nóng" của du lịch cũng được đặt ra như: giải các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách từ các thị trường chiến lược; nâng cao năng lực hàng không Việt Nam… 

Hà Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét