Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Cặp đôi “làm phim bom tấn” tái tạo các cảnh phim nổi tiếng

Kể về chuỗi hành trình đi nhiều nơi trên thế giới để thực hiện ước mơ "làm gì đó góp phần tôn vinh phim điện ảnh và truyền hình", Judith Schneider nói:

"Sáu năm trước chúng tôi tính xem nên đi đâu vào các kỳ nghỉ và đã quyết định đến những địa điểm từng quay các bộ phim mình yêu thích. Không chỉ vậy, chúng tôi còn quyết định tái tạo lại hình ảnh đúng như cảnh phim để chứng minh địa điểm đó thực sự phù hợp. Lúc đó chúng tôi chỉ thử làm không ngờ hiệu quả đạt được còn tốt hơn chúng tôi nghĩ".

Tìm được những địa điểm từng là bối cảnh quay các bộ phim nổi tiếng, cặp vợ chồng người Đức Robin Lachhein và Judith Schneider thể hiện lại hình ảnh các nhân vật chính trong phim bằng cách mặc những bộ trang phục "y chang" và tạo dáng theo đúng tư thế mà các minh tinh đã thể hiện.

Kết hợp những mảnh ghép đó, cặp đôi có một sản phẩm đặc sắc bằng hình ảnh của riêng họ mà sau khi đăng trên địa chỉ Instagram "Secret Famous Places" lập tức thu hút hơn 20 ngàn người theo dõi và phản hồi tích cực. Nhiều người gọi đó là "phim bom tấn" của Robin và Judith.

Một cảnh quay trong bộ phim Forest Gump (Mỹ, năm 1994) do Tom Hanks đóng vai chính (ảnh dưới), được Robin và Judith tái tạo tại điểm quay phim ngoài đời thực tại Monument Valley trên vùng ranh giới Arizona-Utah, Mỹ (ảnh trên) - nơi có những cụm mô đất sa thạch lớn nhấp nhô, tạo nhiều hình dạng kỳ thú.

Cảnh phim The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) được tái tại tại địa điểm gần Mount Sunday, New Zealand. Judith vào vai Legolas (của Orlando Bloom) và Robin đóng Aragorn (của Viggo Mortensen). Đây là nơi có cảnh núi non hùng vĩ bao quanh vùng đồng bằng mênh mông, tĩnh lặng.

Trong một chuyến đi tới Los Angeles, cặp đôi tìm thấy Cathy's Corner tại Griffith Park ở Los Angeles. Đây là một trong những công viên đô thị lớn nhất Bắc Mỹ, nơi từng là địa điểm ngoài đời thực quay loạt phim truyền hình La La Land (Mỹ, 2016) do Ryan Gosling và Emma Stone thủ vai chính.  

Do trạm tàu điện ngầm nguyên bản tại Berlin - nơi từng là bối cảnh quay phần 1 Mockingjay của loạt phim The Hunger Games (Đấu trường sinh tử, Mỹ, 2012) đã đóng cửa, Judith và Robin phải tìm một bối cảnh tương tự khác để tái tạo cảnh này (vốn có sự tham gia của minh tinh Jennifer Lawrence).

Cặp đôi tái tạo một cảnh trong bộ phim No Strings Attached (Yêu không ràng buộc, Mỹ, 2011) bên trong Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, do Ashton Kutcher và Natalie Portman đóng vai chính.

Cặp đôi tái tạo cảnh quay trong bộ phim hành động khoa học viễn tưởng Inception (Mỹ, 2010), do Leonardo DiCaprio và Marion Cotillard đóng vai chính, tại địa điểm chính xác đã diễn ra cảnh quay ở Paris, Pháp.

Để tái tạo một cảnh trong loạt phim truyền hình Downton Abbey (Tu viện Downton, Anh, 2010-2015) với các nhân vật Lady Mary (do Michelle Dockery đóng) và Viscount Gillingham (Tom Cullen đóng), cặp đôi tìm tới địa điểm quay phim ngoài đời thực là lâu đài Highclere Castle tại Hampshire - vùng bờ biển phía nam Vương quốc Anh, là nơi khai sinh Hải quân Hoàng gia Anh.

Cặp đôi tái hiện một cảnh quay trong phim Thelma and Louise (Mỹ, 1991) tại địa điểm quay phim ngoài đời thực ở Công viên Quốc gia Arches, bang Utah. Nơi đây bảo tồn hơn 2.000 vòm sa thạch tự nhiên bao gồm cả vòm Delicate Arch nổi tiếng thế giới, cùng nhiều tài nguyên và kiến tạo địa lý độc đáo. Judith vào vai Louise vốn do Susan Sarandon đóng trong phim. 

Niềm vui bất ngờ đến với Judith đúng ngày sinh nhật khi Robin đưa cô tới làng nhỏ Enniskerry thơ mộng ở Ireland, để cùng nhau tái tạo lại cảnh quay lãng mạn này trong bộ phim Leap Year (Năm Nhuận, được dịch là "Cô gái đi tìm tình yêu", Mỹ, 2010), do Amy Adams và Matthew Goode đóng vai chính.

Cặp đôi còn thực hiện chuyến phiêu lưu tới bãi biển Ton Sai ở Krabi, miền nam Thái Lan để tái hiện lại cảnh quay trích từ bộ phim Fack Ju Göhte (Đức, 2013) nổi tiếng. Ton Sai là bãi biển rất tĩnh lặng, nên thơ được bao quanh bởi thảm thực vật tươi xanh và những vách đá cheo leo rất thích hợp cho môn thể thao leo núi…

Linh Lê

Theo Daily Mail

Nhật Bản kích cầu du lịch nội địa với sáng kiến "tặng tiền cho người dân"

Nhật Bản kích cầu du lịch nội địa với sáng kiến tặng tiền cho người dân - 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzozo Abe hôm 25/5 tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và khu vực xung quanh, cũng như tại tỉnh Hokkaido. (Ảnh: Reuters)

Sáng kiến Go To Travelel dự kiến được bắt đầu sớm nhất là vào cuối tháng 7 tới, áp dụng cho các du khách Nhật đặt tour và nơi lưu trú thông qua các hãng du lịch Nhật Bản, hoặc đặt trực tiếp với các khách sạn hay "ryokan" (nhà trọ truyền thống của Nhật Bản).

Nguồn trợ cấp sẽ chi trả một nửa chi phí cho các chuyến đi, đồng thời được phân phối thông qua sự kết hợp giữa giảm giá mạnh và các voucherer (chứng từ đã sử dụng) tại các nhà hàng và cửa hàng gần điểm đến. Nhưng chi phí du lịch đến Nhật Bản sẽ không được hỗ trợ chi trả.

Nhật Bản kích cầu du lịch nội địa với sáng kiến tặng tiền cho người dân - 2

Nhật Bản đặt mục tiêu hồi sinh ngành công nghiệp du lịch - một động lực chính của nền kinh tế đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Khoảng 1,35 ngàn Yen đã được dành cho Sáng kiến Go To Travelel. Đây là một phần của gói khẩn cấp mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ vượt quá con số 200 ngàn Yen.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kích hoạt lại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vốn đã bị suy yếu sau đợt tăng thuế tiêu thụ hồi năm ngoái, tiếp đó các hoạt động kinh doanh lại bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19 buộc Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ ngày 16/4.

Nhật Bản kích cầu du lịch nội địa với sáng kiến tặng tiền cho người dân - 3

Ảnh chụp ngày 31/3 cho thấy rất ít du khách trên con đường (vốn thường đông nghẹt người và du khách) tới chùa Asakusa – chùa cổ nhất ở Tokyo. (Ảnh: Getty)

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nhiều người Nhật làm việc ở nhà, cũng rất ít người đi nghỉ. Hy vọng về dòng du khách nước ngoài đổ đến Nhật Bản vào mùa hè này cũng đã tiêu tan khi Olympics Tokyo bị hoãn lại, đồng thời Nhật Bản áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với hơn 100 quốc gia và khu vực.

Hãng Toky Shoko Research cho biết, hồi tháng 4 đã có 31 công ty kinh doanh nơi lưu trú tuyên bố hoặc có kế hoạch đệ đơn xin phá sản vì đại dịch.

Nhật Bản kích cầu du lịch nội địa với sáng kiến tặng tiền cho người dân - 4

Hình ảnh chụp hôm 20/5 tại quận Asakusa của Toyko, cho thấy nơi này thưa vắng người hơn rất nhiều so với trước đây.

Ngày 25/5 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và khu vực xung quanh cũng như tại tỉnh Hokkaido. Như vậy Nhật Bản đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường.

Trước đó, từ ngày 14/5 các quy định giãn cách xã hội và đối phó với dịch Covid-19 đã được nới lỏng tại hầu hết các nơi khác của Nhật Bản.

Linh Lê

Theo Kyodo

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19

Sáng 31/5, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Hội đồng Tư vấn du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19 tỉnh Nghệ An năm 2020".

Khoảng 500 đại biểu đã đến tham dự hội thảo trong đó có đại diện các hãng hàng không, đường sắt. doanh nghiệp du lịch cùng các chuyên gia ngành Du lịch.

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 1

Buổi hội thảo được tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An).

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại về kinh tế trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam và du lịch là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Riêng tỉnh Nghệ An, lượng khách và doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm 2020 giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh doanh, văn hóa - xã hội đã trở lại bình thường, du lịch đã có dấu hiệu hồi sinh.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu và mức chi tiêu của khách du lịch có nhiều thay đổi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến Nghệ An còn ở mức thấp, chủ yếu là khách trong vùng, thời gian lưu trú ngắn.

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 2

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi hội thảo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, xúc tiến, quảng bá du lịch, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phát động Chương trình kích cầu du lịch "Nghệ An - Điểm đến an toàn và khác biệt".

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Hội thảo tập trung thảo luận những giải pháp để Nghệ An phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh; nhất là giải pháp tăng lượng khách lưu trú không chỉ tập trung vào mùa hè. Bởi thực tế là khách lưu trú ở Nghệ An còn thấp, đa số các điểm du lịch mới chỉ là điểm dừng nhiều hơn là điểm đến...

Các đại biểu cùng thảo luận, gợi ý để Nghệ An có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên các thế mạnh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần các giải pháp thúc đẩy phát triển tour - tuyến - kết nối với các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh; quảng bá du lịch...

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 3

Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện tại, Nghệ An rất cần sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, sự chung tay kết nối của các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, các hãng hàng không, công ty lữ hành, chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí trong nước để chương trình kích cầu nội địa thực sự hiệu quả, hấp dẫn, lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo khách du lịch về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Đánh giá chung về xu hướng khách du lịch thời hậu COVID-19, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, khách du lịch đã đa dạng hơn, có nhu cầu khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới, điểm check in đẹp, lạ… Do đó, các sản phẩm du lịch, điểm đến cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu du khách.

Ông Dũng chia sẻ, để thu hút du khách đến Nghệ An thời gian tới, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ hết năm 2020 cho các khách sạn, doanh nghiệp du lịch vận chuyển tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm ít nhất 30%, gia tăng giá trị tour du lịch và dịch vụ khác biệt để kích thích nhu cầu du lịch. Đồng thời, tỉnh thay đổi phương thức quảng bá, sử dụng nền tảng mạng xã hội để làm nổi bật điểm đến du lịch Nghệ An "hấp dẫn, khác biệt nhưng thân thiện" theo các chủ đề và mùa vụ với các khẩu hiệu khác nhau.

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 4

Các đại biểu tham gia buổi hội thảo tập trung thảo luận các biện pháp phát triển du lịch.

Bên cạnh chính sách giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ, tỉnh cần có chính sách và giá khác biệt cho doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp đưa điểm đến vào quảng bá du lịch trọn gói năm 2020 - 2021; đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch nội tỉnh hoặc liên tỉnh với các tour ghép thường xuyên dành cho du khách đến nghỉ dưỡng, công tác tại Nghệ An. Ngoài ra, cần kết nối Cảng hàng không Vinh nối chuyến xuyên suốt với chuyến bay quốc tế, tiếp tục mở đường bay quốc tế sau khi hết dịch, kết nối đường sắt với các phương tiện trung chuyển.

Tại Nghệ An, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ những di sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đến, địa chỉ đỏ của đồng bào, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, trong thời gian tới cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút, phục vụ tốt du khách cần sớm thực hiện nâng cấp tổng thể Khu di tích gắn với phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống các dịch vụ phục vụ khách du lịch ở khu vực lân cận và trên địa bàn huyện Nam Đàn để có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách du lịch. Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát các sản phẩm mới tại Khu di tích Kim Liên và các khu vực lân cận (Đền Chung Sơn, Ao sen Hợp tác xã với Bác Hồ) gắn với trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương.

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 5

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên phát biểu.

Tại buổi hội thảo, đại diện các công ty, doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất các giải pháp liên kết, hợp tác hiệu quả trong khai thác và thu hút khách du lịch đến Nghệ An. Cụ thể là đưa ra chương trình kích cầu ngắn hạn cho khách du lịch bằng việc phối hợp với các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn, điểm đến, khu du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng (thời gian 3 - 5 ngày), giá thành hợp lý đến với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch độc đáo của Nghệ An như: Cửa Lò, quê Bác kết hợp với khu du lịch Đảo Chè Thanh Chương, Khu du lịch Sinh thái Phà Lài VSC, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, Điểm du lịch cộng đồng Bản Nưa, Bản Hoa Tiến…

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 6

Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đã ký kết thoả thuận liên kết, hợp tác kích cầu thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa.

Mặt khác cần tạo ra liên minh kích cầu du lịch từ 10 - 20 doanh nghiệp lữ hành lên các tour trọn gói, khởi hành hàng tuần để kích cầu du lịch, tăng tính thân thiện, an toàn của du lịch Nghệ An với du khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; phối hợp với các đơn vị lữ hành cả nước chào bán các sản phẩm du lịch xứ Nghệ mang tính chất liên minh.

Phát biểu tổng kết buổi hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch lưu ý tỉnh Nghệ An cần tiếp tục chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm đảm bảo an toàn và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để Nghệ An luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong tuyến hành trình du lịch xuyên Việt.

Nghệ An bàn giải pháp và hiến kế phát triển du lịch thời hậu Covid-19 - 7

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch phát biểu tổng kết buổi thảo luận.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá đối với các thị trường du lịch trọng điểm gắn với chương trình kích cầu du lịch, nghiên cứu mở rộng các thị trường mới. Chỉ đạo các doanh nghiệp có các chính sách, gói sản phẩm dịch vụ khuyến mại, giảm giá kích cầu du lịch năm 2020 đi liền với nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thu hút đầu tư để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để xây dựng chuỗi sản phẩm liên tỉnh, liên vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để hội nhập và phát triển.

Nguyễn Duy

Ấn Độ: Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 sau khi mở chuyến bay trở lại

Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 sau khi mở chuyến bay trở lại

Tổng cộng 12 hành khách không biểu hiện triệu chứng nhiễm Covid-19 đã đi trên 4 chuyến bay của hãng IndiGo (Ấn Độ). Sau đó, những người này đã xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ấn Độ: Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 sau khi mở chuyến bay trở lại - 1
Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 sau khi mở chuyến bay trở lại ở Ấn Độ

Cụ thể, 3 hành khách đi trên chuyến bay chặng Delhi-Jammu trong ngày 26/5; 6 hành khách đi trên chuyến Bengaluru-Coimbatore vào ngày 27/5; hai hành khách chặng Delhi-Coimbatore ngày 27/5 và một hành khách trên chuyến Bengaluru-Madurai cũng vào ngày 27/5.

Trước đó, kể từ ngày 25/5, các chuyến bay nội địa tại Ấn Độ được phép khai thác trở lại. Kể từ đó, 16 hành khách của 3 hãng hàng không đã bị nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên trong số đó, 12 khách không hề có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Họ chỉ được phát hiện khi tới cơ sở kiểm dịch bắt buộc tại điểm đến. Đại diện các hãng bay cho biết, những hành khách trên đều tuân thủ nghiêm túc quy trình phòng ngừa lây lan virus như đeo khẩu trang, găng tay, dùng nước khử trùng...

Ấn Độ: Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 sau khi mở chuyến bay trở lại - 2

Thông tin này đang khiến nhiều người lo lắng về việc máy bay có thể là "ổ dịch" khiến virus lây lan và là nơi nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, các hãng bay đều khẳng định máy bay đang được vệ sinh thường xuyên theo đúng quy trình vận hành tiêu chuẩn. Với những máy bay chở khách phát hiện nhiễm bệnh đều được đưa đi khử trùng. Trong khi đó, đội ngũ phi hành đoàn được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định của chính phủ.

Được biết, trong ngày khai thác các chuyến bay nội địa trở lại, khi hạ cánh và phát hiện có khách nhiễm Covid-19, toàn bộ những người còn lại đều được làm xét nghiệm và đi cách ly cùng tổ bay.

Quốc Việt

Theo Hindustantimes

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020

Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 là nơi cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch của Huế trong bối cảnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 1

Diễn đàn Du lịch Huế 2020 diễn ra sáng 31/5 tại TP Huế

5 gói kích cầu du lịch lớn của cố đô Huế

Trình bày tại Diễn đàn, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chương trình kích cầu du lịch Thừa Thiên Huế 2020 hướng đến thị trường khách du lịch nội địa. Tỉnh sẽ tiến hành xúc tiến, khai thác thị trường khách quốc tế gần, an toàn vào giai đoạn cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được khống chế sớm.

Cụ thể có 5 chính sách, chương trình kích cầu của cố đô Huế trong năm nay là: Thực hiện các chương trình, chính sách kích cầu trong chương trình liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8/5 đến ngày 31/7. Đề xuất và công bố giảm 50% đối với chính sách này cho các tháng còn lại năm 2020. Miễn toàn bộ phí tham quan các điểm di tích trong thời gian diễn ra Festival Huế 2020 từ ngày 28/8 đến 2/9.

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 2

Với chủ đề "Kết nối lữ hành - Huế,  Điểm đến an toàn và thân thiện", 5 gói kích cầu lớn đã được công bố

Huế sẽ tăng các chương trình biểu diễn miễn phí ở Đại Nội, ít nhất là 1 chương trình biểu diễn nghệ thuật 1 ngày tại một khung giờ cố định trong thời gian từ ngày 15/7 đến hết năm 2020; Công bố chính sách chiết khấu cho các đơn vị lữ hành du lịch khi đưa khách tham quan các điểm di tích trong tháng 6/2020, áp dụng cho giai đoạn 2020-2021; Và phát hành thẻ thanh toán du lịch gắn với các chính sách giảm giá, chiết khấu trong mua sắm hàng hóa, lưu trú, tham quan di tích, áp dụng từ tháng 8/2020.

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 3

Khách mời xem các ứng dụng du lịch mới tại Huế

Thu hút người dân cả nước với Festival Huế 2020 vào tháng 8

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" khi đã tích cực tổ chức xúc tiến, thu hút khách du lịch, phát triển thương hiệu du lịch riêng của cố đô Huế.

"Thừa Thiên Huế, mảnh đất nên thơ, trữ tình được biết đến như một kho tàng về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được công nhận bởi quốc tế và Việt Nam như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, ẩm thực cung đình Huế, Festival Huế… Thương hiệu du lịch Huế hiện đang phát triển mạnh mẽ với những nét về truyền thống, văn hóa và con người xứ Huế.

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 4

Các gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ như hạt sen, tinh dầu tràm tại Diễn đàn thu hút đại biểu xem và mua

Thông qua Diễn đàn du lịch Huế năm 2020 với chủ đề "Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện". Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch được kết nối đã giao lưu, chia sẻ tầm nhìn, hướng đi trong thời gian tới và cùng hợp tác, hưởng ứng triển khai đồng loạt các gói sản phẩm kích cầu của Thừa Thiên Huế, giới thiệu những điểm đến mới, kích thích nhu cầu của khách nội địa trong dịp hè này.

Đặc biệt cần thu hút sự chú ý của người dân về với các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch và các chương trình lễ hội lớn của tỉnh, mà gần nhất là Festival Huế 2020 được tổ chức vào tháng 8 tới đây. Tôi tin tưởng rằng các hoạt động kích cầu của Thừa Thiên Huế sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân cả nước, từng bước khôi phục ngành du lịch của tỉnh" – Thứ trưởng cho ý kiến.

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 5

Chương trình Áo dài tại Festival Huế 2020 diễn ra tháng 8 sắp tới hứa hẹn có nhiều nét đặc sắc

Sẵn sàng đón khách quốc tế, chú trọng thị trường châu Á ngay khi được cho phép

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - Nguyễn Lê Phúc, trong thời gian tới, đối với thị trường nội địa bên cạnh việc triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch… tỉnh cần chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.

Đối với thị trường quốc tế, Thừa Thiên Huế cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi được cho phép. Hậu dịch Covid-19, các thị trường khách gần từ các nước trong khu vực, là thị trường trọng điểm của Việt Nam, có khả năng khôi phục và tăng trưởng nhanh trở lại (bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực).

Thừa Thiên Huế công bố 5 gói kích cầu du lịch lớn trong năm 2020 - 6

Phục hồi du lịch ngay khi có thể để tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian đầu, cần chú trọng hướng tới đối tượng khách du lịch MICE, khách công tác ngắn ngày, nghỉ dưỡng cao cấp (khách thu nhập cao không bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế do dịch gây ra); khách đi lẻ và theo nhóm nhỏ. Về sản phẩm du lịch, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn của du khách, các địa phương, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các gói sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

"Bên cạnh dòng sản phẩm di sản, văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế đã chú trọng tìm kiếm, phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…, ứng dụng công nghệ thông tin với Thẻ điện tử du lịch Huế được giới thiệu tại Diễn đàn hôm nay. Diễn đàn du lịch Huế 2020 đã góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp và các chương trình, sản phẩm kích cầu giúp du lịch Việt Nam hồi phục trở lại hậu Covid-19" – ông Phúc nhấn mạnh.

Đại Dương

Địa điểm thú vị cho bé vui chơi ở Hà Nội ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Địa điểm thú vị cho bé vui chơi ở Hà Nội ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 - 1

Ảnh: Lê Anh Dũng

 Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình dành cho trẻ em trong hai ngày 30 và 31 tháng 5 (thứ Bảy và Chủ nhật).

Tham dự chương trình, các bạn nhỏ sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều bộ phim thiếu nhi hấp dẫn, xem rối cạn, tự làm đồ chơi dân gian. 

Ngoài ra, các bạn nhỏ còn có thể tham gia một số trò chơi dân gian của Việt Nam và một số nước khác.

Các hoạt động này góp phần giúp trẻ tăng cường hiểu biết về văn hóa Việt Nam cũng như có thêm cơ hội tìm hiểu văn hóa của một số nước trên thế giới.

Công viên nước Hồ Tây

Công viên nước có lẽ là địa điểm mà bất cứ trẻ con nào cũng muốn tới. Đây là một nơi nghỉ ngơi, giải trí lý tưởng và sân chơi văn hóa lành mạnh của thiếu nhi. Đến với Công viên nước Hồ Tây, các con có thể thỏa sức vui chơi với rất nhiều trò chơi cả dưới nước và trên cạn.

Công viên Thủ Lệ

Công viên Thủ Lệ từ lâu đã trở thành địa điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn được nhiều bạn nhỏ yêu thích.

Công viên Thủ Lệ là vườn thú được chia làm nhiều khu: Khu bò sát nuôi cá sấu; Khu chim chóc có công, trĩ, uyên ương, hạc, cò, sếu, các loài chim hót như họa mi, khướu; Khu thú dữ gồm hổ, báo, sư tử, gấu với một hệ thống chuồng giống kiểu hang động, xen vào đó là các chuồng hươu, nai, khỉ, chồn, cầy, vượn và voi.

Trong công viên có rạp xiếc Hà Nội nhỏ dành cho các trẻ nhỏ gồm có: Xiếc khỉ, xiếc chó và xiếc cá sấu.

Bên cạnh đó, công viên còn có khu vui chơi giải trí như: Nhà ma, rạp chiếu phim 5D, tàu siêu tốc... 

Nhà hát múa rối, rạp xiếc Trung ương

Nhân dịp 1/6 rạp xiếc Trung ương và Nhà hát múa rối nước Việt Nam sẽ tổ chức rất nhiều chương trình hấp dẫn dành cho các bạn nhỏ.

Các bậc phụ huynh có thể dẫn trẻ đến nhà hát múa rối, những chú rối dưới sự điều khiển khéo léo của các nghệ nhân biết nhảy múa, ca hát, diễn kịch sẽ khiến các bé tò mò thích thú. Qua đó, bé cũng có thêm cơ hội để tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua những câu chuyện sống động này.

Các bé cũng có thể thoải mái chạy nhảy trong không gian xanh mát cũng như ngắm nhìn nhiều loài động vật. Ngoài ra, đến công viên Thủ Lệ, trẻ em còn được tham gia vào rất nhiều trò chơi vui nhộn như đu quay, đi tàu hỏa, đi máy bay, và những màn biểu diễn xiếc đầy thú vị …

Trong ngày này, các em nhỏ cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi mua vé xem các chương trình biểu diễn. Xiếc và múa rối nước là những bộ môn nghệ thuật được các em nhỏ rất yêu thích. Bộ môn nghệ thuật này không chỉ giúp các bé được thư giãn mà còn có thêm hiểu biết và thêm yêu mến nghệ thuật dân gian.

Về quê, đi chơi xa, đi cắm trại

Các bố mẹ có thể tổ chức một chuyến đi chơi xa, đưa các bé về quê, hoặc cả nhà cùng đi nghỉ ở những resort, đi cắm trại ở khu du lịch sinh thái.

Với không gian thoáng mát, yên tĩnh khác hẳn với môi trường oi bức, ngột ngạt nơi thành phố sẽ khiến các bé thích thú, đây sẽ là một món quà tuyệt vời dành cho các bé trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Theo Vietnamnet

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Doanh nghiệp du lịch giảm giá từ 10 đến 50% để hút khách sau dịch Covid-19

Doanh nghiệp du lịch giảm giá từ 10 đến 50% để hút khách sau dịch Covid-19 - 1
Du khách tham quan chợ nổi Cần Thơ

 Theo thống kê của các tỉnh, TP ở ĐBSCL, kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm, tổng số khách đến ĐBSCL giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2019, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42%.

Có 57 doanh nghiệp (DN) lưu trú, 36 DN về dịch vụ ăn uống, 25 DN về tham quan, 22 công ty bán tour du lịch… tham gia trong đợt kích cầu này. Các dịch vụ tại những nơi này giảm từ 10-50% để thu hút khách.

Trước tiên là ưu tiên du lịch nội địa, thu hút khách từ các vùng miền đến ĐBSCL tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Chương trình được triển khai trên phạm vi ĐBSCL, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12/2020 và có thể được kéo dài sau khi kết thúc vào cuối năm 2020 và chuẩn bị mọi mặt cho quý 1/2021.

Một số khách sạn ở An Giang giảm 40% tiền thuê phòng; một số điểm tham quan tại Bạc Liêu như: Quan Âm Phật Đài, nhà hát Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương miễn phí 100% vé vào cổng; Khu du lịch sinh thái Thư Duy (Cà Mau) miễn phí vé vào cổng, giảm 30% tiền lưu trú; Một số khách sạn 4-5 sao tại Cần Thơ giảm 10% tiền lưu trú, giảm 25% vé buffet sáng,...

Ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, 12 đơn vị tham quan tại Bạc Liêu không thu tiền vào cổng hoặc giảm giá từ 10-20%, sẵn sàng đón khách du lịch trở lại sau dịch Covid-19.

"Bạc Liêu đang xúc tiến làm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại huyện Phước Long và Hồng Dân. Nếu như du khách đến Tiền Giang - Vĩnh Long - Bến Tre - Cần Thơ trải nghiệm du lịch miệt vườn sông nước thì khi đến Bạc Liêu sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch đồng quê với lợi thế đặc trưng của khu vực này. Đề nghị các công ty lữ hành quan tâm nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới này để chào mời du khách", ông Vinh kiến nghị.

Hoàng Tùng

Nha Trang: Bổ sung hàng loạt bãi đỗ xe tạm, đón đầu phục vụ du lịch

Nha Trang: Bổ sung hàng loạt bãi đỗ xe tạm, đón đầu phục vụ du lịch - 1

TP Nha Trang thiếu các bãi đỗ xe cho xe du lịch trong nhiều năm qua

Theo đề xuất của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, lộ trình thực hiện các bãi đỗ xe tạm TP Nha Trang như sau: Bãi đỗ xe tạm tại khu đất 170 Lê Hồng Phong (TP Nha Trang) trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt trước ngày 20/5, có thể vận hành vào ngày 31/5.

Đối với bãi đỗ xe tạm khu đất kho cảng Bình Tân diện tích 6.500m2 (7 - 10 Trường Sơn, TP Nha Trang) sẽ trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt phương án trước ngày 15/6 để triển khai thực hiện vào ngày 30/6.

Bãi đỗ xe tạm khu đất kho cảng Bình Tân 01A Phước Long (TP Nha Trang): Sở GTVT sẽ trình UBND tỉnh Khánh Hòa phương án khai thác bãi này trước 30/6, dự kiến thực hiện trước 15/7.

Nha Trang: Bổ sung hàng loạt bãi đỗ xe tạm, đón đầu phục vụ du lịch - 2

Tình trạng xe du lịch không bến đỗ sau khi đưa khách đi tham quan ở TP Nha Trang

Ngoài ra, bãi đỗ xe tạm tại khu đất thôn Phước Trung (xã Phước Đồng TP Nha Trang): Sở GTVT sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xem xét phương án khai thác bãi đỗ xe tạm Phước Trung, trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt trước ngày 30/6 tới.

Theo tìm hiểu, trong vài năm qua, du khách đến Nha Trang Khánh Hòa tăng đột biến đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đường sá, các bãi đỗ xe dành cho xe du lịch bị quá tải, thiếu trầm trọng. Nhiều xe khách du lịch sau khi chở khách đến điểm tham quan thường chạy lòng vòng, đậu đỗ lấn chiếm tại các con đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Do đó,việc bổ sung các bãi đỗ xe tạm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe trước mắt, nhất là cho xe khách du lịch là điều mong mỏi của người dân, du khách. 

Hải Đăng  

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo đà phục hồi du lịch trong và ngay sau dịch Covid- 19, UBND 3 tỉnh, thành miền Trung đã thống nhất triển khai chương trình hành động liên kết phục hồi và phát triển du lịch, đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch 3 địa phương với chủ đề "Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách".

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 1

Toàn cảnh lễ ký kết kích cầu du lịch 3 địa phương sau dịch Covid-19

Mục tiêu nhằm hướng đến tăng cường hợp tác giữa chính quyền của 3 tỉnh, thành trong vai trò chỉ đạo, kết nối các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến; các chương trình kích cầu với mức ưu đãi tốt được triển khai rộng khắp, nhưng đồng thời cũng đảm bảo các tiêu chí an toàn ở mức cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của cả khu vực.

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 2

Nhiều đại biểu, sở ban ngành, các doanh nghiệp du lịch 3 tỉnh thành về tham dự lễ 

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết với nội dung cam kết triển khai, 3 địa phương sẽ đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch tại điểm đến. Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng du khách và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch; Hỗ trợ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, các gói dịch vụ liên kết giữa ba địa phương; và cùng  triển khai công tác truyền thông quảng bá du lịch điểm đến chung

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 3

Từ trái qua: Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký kết kích cầu du lịch 3 địa phương "Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách". 

Nằm ở vị trí trung tâm, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, lịch sử lâu đời cùng hệ thống di sản được UNESCO công nhận, miền Trung giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và du lịch nói riêng. Theo đó, nơi đây là điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn của Việt Nam thu hút trên 60% khách du lịch quốc tế và hàng triệu lượt khách nội địa đến tham quan mỗi năm.

Ðến nay, 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo biên bản ký kết của ba Sở quản lý du lịch. Chính sự liên kết này đã giúp các địa phương có sự liên thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Với vai trò là điểm kết nối du lịch quan trọng giữa các vùng, trong nhiều năm qua, ngành du lịch của khu vực miền Trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Hơn 80% số du khách quốc tế đến Việt Nam ghé chân tại khu vực này. Theo số liệu thống kê của các Sở  quản lý Du lịch, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong năm 2019 lần lượt là 2,63 triệu lượt – 5,16 triệu lượt - 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu lượt – 3,52 triệu lượt – 4,66 triệu lượt khách.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vào cuối tháng 4 vừa qua, nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Người dân và doanh nghiệp đang chuyển sang trạng thái "bình thường mới", và việc phục hồi tinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Việt Nam, đi đôi với công tác phòng chống dịch, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 4

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Với truyền thống liên kết lâu nay cùng với sự năng động của mình, ba tỉnh thành đã có những bước đi nhanh chóng, chủ động liên kết nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch nội vùng và du lịch Việt Nam hồi phục. Đây cũng là tiền đề để tạo tính kết nối, lan tỏa đến các địa phương khác cùng chung tay xây dựng, phát triển du lịch Việt Nam.

Tiềm năng du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là 3 địa phương nằm trên con đường di sản có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Trên chiều dài chưa đầy 300km, cả 3 địa phương sở hữu những bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thế giới; các di sản văn hóa thế giới có thể kể đến như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú và đa dạng về chủng loại động thực vật…Phát huy các thế mạnh của mình, 3 tỉnh, thành cũng đã tạo ra những sản phẩm du lịch làng nghề đa dạng và phong phú mang bản sắc đặc trưng của địa phương như: các làng nghề thủ công truyền thống: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Zèng A lưới (Thừa Thiên Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam)… Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp lữ hành dễ dàng xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt dựa trên lợi thế của mỗi địa phương.

Là nơi có nhiều di sản, thắng cảnh đẹp, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, một địa phương duy nhất ở Việt Nam có đến 5 loại hình di sản được UNESCO công nhận. Với bề dày lịch sử và các kiến trúc độc đáo, Huế ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị văn hóa đặc sắc mà không đâu có được. Đến Huế, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hương bên núi Ngự và cầu Trường Tiền, hay đến thăm Quần thể di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 5

Cố đô Huế

Ngày nay, Cố đô Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại xưa – nơi các công trình kiến trúc hoà điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, Âm nhạc cung đình, Ca Huế, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng. 

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng đường bờ biển dài tuyệt đẹp, những bãi cát trắng mịn & không khí trong lành, thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn mang những nét quyến rũ độc đáo chưa từng thấy ở các đô thị biển khác. Đà Nẵng từ lâu được bình chọn là một trong những thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Với tiềm năng du lịch lớn, du khách khi đến đây không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên bên bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng xinh đẹp với bờ cát dài 90 km, khu dự trữ sinh thái Bà Nà Hill mát lạnh quanh năm hay bán đảo Sơn Trà với những điểm dừng chân ngắm cảnh quan tuyệt đẹp. Những tiềm năng vốn có này đã hòa quyện với hình ảnh thành phố trẻ trung, năng động tạo nên một Đà Nẵng hấp dẫn và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 6

Cầu Vàng Đà Nẵng

Quảng Nam – vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày truyền thống, là sự đúc kết và phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử, mang đậm các giá trị văn hoá. Những năm trở lại đây, Quảng Nam đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối, tôn tạo và phát triển các di sản văn hóa thế giới. Năm 1999, Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và đến năm 2010, Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Có lẽ điều làm nên sự độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử đó là các di tích được lưu giữ và tôn tạo qua hàng nghìn năm. Với sự đầu tư bài bản, du lịch Quảng Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong nước và thế giới.

Huế -  Đà Nẵng – Quảng Nam ký liên kết phát triển du lịch sau Covid-19 - 7

Phố cổ Hội An

Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế với hình thức, nội dung thể hiện sâu sắc nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương. Nhờ đó, ngành du lịch khu vực miền Trung đã khởi sắc đáng kể với những hoạt động văn hóa đặc sắc và "chỉ riêng nơi này có được" hấp dẫn khách du lịch như: Festival Huế, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam…

Đại Dương

Mỗi ngày có từ 6.000 – 7.000 du khách đến “thiên đường” du lịch Phú Quốc

Theo UBND huyện Phú Quốc, do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu của huyện đều giảm so với cùng kỳ, trong đó ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, trong quý 1, thu hút trên 358.000 du khách, đạt 11,9% so với kế hoạch, giảm hơn 56% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế chỉ chiếm hơn 137.000 khách (chỉ tiêu cả năm là 1 triệu khách), giảm đến 38% so với cùng kỳ.

Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết: "Khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế và Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, ngành du lịch Phú Quốc hồi phục nhanh chóng. Hiện nay, mỗi ngày có từ 6.000 – 7.000 du khách đến Phú Quốc, các điểm vui chơi giải trí, chợ đêm Dinh Cậu, Khu VinPearl Phú Quốc, cáp treo Hòn Thơm… tất bật đón du khách.

Hiện nay, mỗi ngày có từ 6.000 - 7.000 du khách đến đảo ngọc Phú Quốc

Trong những ngày qua, lượng khách đến Phú Quốc không ngừng tăng cao, điều này cho thấy ngành du lịch Phú Quốc đang phục hồi nhanh chóng

Để Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn và an toàn, ông Hưng cho biết, huyện Phú Quốc phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, các công ty lữ hành thống nhất nhiều chương trình hành động để kích cầu du lịch nội địa. Trong đó, các điểm đón khách, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Phú Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng…

Đồng thời đa dạng sản phẩm du lịch, nâng chất lượng dịch vụ và đi kèm với chính sách giảm giá các dịch vụ từ 30 - 50%. Hiện nay các hãng tàu bay, các tàu chở khách du lịch ra đảo Phú Quốc cũng đang tích cực hiện các chính sách giảm giá cho du khách.

Nhiều tháng qua, Phú Quốc dành ngày thứ 7, tuần đầu hàng tháng để ra quân dọn vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân giữ vệ sinh chung

Về trách nhiệm của địa phương, ông Huỳnh Quang Hưng cho biết, ngoài những chính sách kịp thời của Chính phủ như: giảm, miễn thuế tiền thuê đất, mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)…; các ngân hàng tích cực hỗ trợ các DN vay vốn với lãi suất ưu đãi… thì Phú Quốc đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét trình các cơ quan có thẩm quyền miễn, giảm tiền sử dụng điện, nước cho các DN, để giúp họ giảm bớt gánh nặng trong những tháng bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng như thời gian hậu Covid-19.

Ngoài ra, Phú Quốc tiếp tục duy trì "Ngày vì môi trường" vào thứ 7, tuần đầu hàng tháng để ra quân dọn vệ sinh môi trường, nhất là các khu vực bãi biển; chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, tăng cường công tác đảm bảo an ninh cho người dân và du khách; công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả dịch vụ… đúng quy định để đảm bản an toàn và sức khỏe cho du khách.

Phú Quốc đang lên kế hoạch xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến bạn bè quốc tế để khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế

Theo ông Hưng, song song với các hành động thiết thực kích cầu du lịch nội địa thì Phú Quốc cũng như các "thiên đường" du lịch khác cần khẩn trương xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến bạn bè quốc tế; nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ… nhằm phục vụ tốt hơn nhóm khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

Sau dịch Covid-19, nhiều nhà hàng khách sạn ở Phú Quốc hoạt động từ 30-50% công suất. Nhiều đơn vị tranh thủ thời gian này để chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách tốt hơn.

Nguyễn Hành

Du khách “rục rịch” đến Nha Trang, giảm giá nhưng không giảm chất

Du khách nội địa tham quan Nha Trang trong những ngày cuối tháng 5/2020

Sáng 30/5, đại diện Bến tàu du lịch Nha Trang cho biết, trong những ngày qua, du khách nội địa đến bến tàu đi du lịch trên Vịnh Nha Trang có xu hướng phục hồi, tăng nhẹ so với đầu tháng. Cụ thể, mỗi ngày bến tàu du lịch Nha Trang đón khoảng 700 khách nội địa, chủ yếu đến từ Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Tây Nguyên như Đắc Lắc, Lâm Đồng...

Cùng với đó, hàng chục khách sạn tại TP Nha Trang cũng mở cửa đón khách trở lại, với mức giảm giá "khủng" từ 20-50%. 

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có 74 doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch với 50 cơ sở du lưu trú, 13 khu, điểm du lịch, 10 công ty lữ hành, một đơn vị vận chuyển du khách. Mặc dù giảm giá để "kéo" du khách nội địa nhưng các doanh nghiệp, khách sạn cam kết vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Đến cuối tháng 5, nhiều địa điểm du lịch ở Nha Trang rộn ràng đón khách trở lại

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Trần Việt Trung cho rằng, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng ổn định, không có ca bệnh trong cộng đồng. Điều đó cho phép ngành du lịch Khánh Hòa kích cầu, thu hút du khách quay lại du lịch.

Tuy nhiên, hoạt động kích cầu du lịch, đón khách vẫn phải được thực hiện song song với việc đảm bảo an toàn cho du khách. Trong kế hoạch, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa trong việc phòng, chống dịch.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp, khách sạn tham gia kích cầu dựa trên tinh thần tự nguyện, chứ không hề ép buộc.

"Với một điều kiện ngành du lịch đưa ra, phải đảm bảo an toàn cho du khách, gói kích cầu phải chất lượng và cam kết thực hiện theo chất lượng đó", ông Trần Việt Trung nói, nhấn mạnh nếu doanh nghiệp làm sai sẽ xử lý.

Hiện nay ngành du lịch Khánh Hòa có 773 cơ sở lưu trú, với hơn 42.000 phòng, trong đó khách sạn 3-5 sao gần 19.000 phòng, đạt tỷ lệ hơn 45%. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, do việc lượt khách giảm mạnh trong quý I năm nay, ngành du lịch ước bị thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng.

Hải Đăng

Các khu vui chơi ở Nhật: Cấm la hét khi chơi trò mạo hiểm

Đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, tàn phá nặng nề các công viên giải trí ở Nhật Bản.

Các công viên chủ đề như Tokyo Disneyland và Disney Sea, cũng như Osaka, Universal Studios Japan đều đóng cửa từ cuối tháng 2, khiến doanh thu giảm chóng mặt ngay cả trong mùa du lịch cao điểm kỳ nghỉ xuân Nhật Bản diễn ra đầu tháng 3 và cuối tháng 4.

Các khu vui chơi ở Nhật: Cấm la hét khi chơi trò mạo hiểm - 1
Du khách sẽ không được hò hét khi chơi các trò mạo hiểm ở Nhật Bản

Trước bối cảnh các ca nhiễm mới có xu hướng giảm, mới đây, Hiệp hội công viên chủ đề tại Nhật đã lên kế hoạch mở cửa trở lại, nhưng kèm theo đó là nhiều điều kiện đặc biệt.

Bên cạnh những quy định phổ biến như giới hạn lượng khách tham quan bằng cách đăng ký qua mạng, yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát trùng bằng nước rửa tay, từ chối tiếp khách có biểu hiện sốt cao... thì có những quy định được cho là khắt khe hơn cả.

Trong đó có yêu cầu cấm du khách hét hò khi chơi các trò mạo hiểm cảm giác mạnh. Theo các chuyên gia, virus tồn tại trong không khí dưới dạng giọt bắn. Nếu nhiều người cùng la hét có khả năng khuếch tán virus trong không khí.

Các khu vui chơi ở Nhật: Cấm la hét khi chơi trò mạo hiểm - 2
Đây là quy định mới của các công viên nhằm giảm thiểu sự lây lan virus

Bên cạnh đó, một số công viên giải trí khác còn áp dụng các quy định riêng. Chẳng hạn như công viên giải trí Fuji-Q-Highland vốn nổi tiếng với nhà ma ám, giờ chỉ mở cửa cho các trò chơi ngoài trời. Ban quản lý ở đây cũng chỉ đón tiếp khách tham quan đến từ một số tỉnh thành nhất định tại Nhật Bản.

Các khu vui chơi ở Nhật: Cấm la hét khi chơi trò mạo hiểm - 3
Muốn tham quan tháp Tokyo, du khách phải leo ít nhất 600 bậc thang mà không được dùng thang máy

Và ngay cả ở tháp Tokyo - một trong những biểu tượng của thủ đô nước Nhật, vốn thu hút rất đông du khách tới để quan sát thành phố từ trên cao. Nhưng nay, du khách không được dùng thang máy để lên tầng cao ngắm cảnh nữa, thay vào đó sẽ leo bộ ít nhất 600 bậc thang - tương đương với độ cao 150 m.

Huy Hoàng

Theo Travelandleisure/ Soranews24