Trong bài viết của mình, cô gái người Croatia, 24 tuổi đã có những chia sẻ rất chân thực về cảm nhận bản thân khi tới Việt Nam du lịch nhưng bị kẹt lại khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đó là câu chuyện của Arijana. Cô cho biết, sau khi học xong đại học, cô cùng bạn trai du lịch vòng quanh Đông Nam Á trong 7 tháng. Cặp đôi bắt đầu lên đường từ tháng 1 năm nay. Khi đó, virus corona đã xuất hiện, nhưng chưa ai nghĩ nó có thể trở thành mối đe dọa toàn cầu, nên Arijanna vẫn vui vẻ tiếp tục chuyến đi.
Họ dừng chân đầu tiên ở Bali (Indonesia) và ở lại khoảng 1 tháng. Sau đó, cả hai tới Việt Nam và định ở lại chừng 3 tháng. Nhưng mọi thứ không như kế hoạch.
Arijanna cho biết, 2 tuần đầu của chuyến đi, mọi thứ vẫn hoàn hảo. Khi đó Việt Nam chưa có ca nhiễm Covid-19 nào. Cặp đôi đã đi vòng quanh thành phố Hồ Chí Minh, khám phá đồng bằng sông Cửu Long rồi tới Mũi Né. Đó là lúc có những thay đổi.
Ngày 10/3, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Phan Thiết. Thành phố vốn sôi động này bỗng thưa dần khách du lịch. Các nhà hàng, khách sạn dừng đón khách.
Tuy nhiên, khi nhận thấy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam chưa quá nghiêm trọng, họ tiếp tục tới Đà Lạt. Các vấn đề xuất hiện khi họ bị từ chối phục vụ tại một nhà hàng vì là người nước ngoài. Trên đường, nhiều người đeo khẩu trang khi cặp đôi đi qua. Do nhiều ca nhiễm tại Việt Nam xuất phát từ người nước ngoài trở về nên Arijanna hiểu được hành động này.
Và rồi, họ phải đưa ra lựa chọn, ở lại hay về nước?
Đó là lúc thời gian không còn nhiều. Biên giới các nước bắt đầu đóng cửa. Tình hình ở châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn, các chuyến bay thưa dần. Sau khi chia sẻ cùng người thân, bạn bè, cả hai quyết định sẽ ở lại.
"Khi quyết ở lại, chúng tôi biết phải hành động nhanh. Nếu Việt Nam cũng phong tỏa thì cần chọn nơi nên kẹt lại. Và đó là Đà Nẵng – nơi có đầy đủ mọi thứ cho một cuộc sống bình thường", Arijanna chia sẻ.
Cả hai bắt xe ô tô, ngồi 6 tiếng đi từ Đà Lạt tới Nha Trang, rồi ngồi tàu thêm 10 tiếng để tới Đà Nẵng. Arijanna cho biết, một người đàn ông tỏ ra sợ khi thấy cặp đôi ngồi cùng khoang. Bởi vậy, họ đã thể hiện sự tôn trọng bằng cách đeo khẩu trang suốt 10 tiếng khi ngồi trên tàu.
Khi tới ga Đà Nẵng, ấn tượng đầu tiên khiến cả hai đều sốc. Công an đứng ở lối vào. Một người cầm biển chỉ dẫn tiếng Anh, hướng dẫn làm thủ tục bởi họ là khách quốc tế duy nhất trên tàu. Ban đầu, cô gái người Croatia hoang mang vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Câu hỏi đầu tiên hiện trong đầu Arijanna đó là "Họ sẽ làm gì mình?" Nhưng cuối cùng, chẳng có chuyện gì cả.
Arijanna nói thêm rằng, người Việt rất tử tế và biết cảm thông. Cô và bạn trai được đo nhiệt độ cơ thể, hướng dẫn khử trùng tay hai lần. Do là khách nước ngoài nên cả hai phải điền các thông tin cơ bản, tải ứng dụng khai báo y tế…
Mỗi ngày, ứng dụng này đều nhắn hỏi sức khỏe, có bất cứ triệu chứng nào không. Theo Arijanna, đây là cách cơ quan y tế Việt Nam có thể theo dõi sức khỏe của người dân và phản ứng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
May mắn cho Arijanna và bạn trai khi họ kịp tới Đà Nẵng vào phút cuối. Ngay hôm sau, thành phố bắt đầu đóng cửa các địa điểm công cộng. Dù chỉ ở nhà, nhưng cả hai vẫn cảm thấy may mắn. Họ vẫn chờ đợi để cập nhật tình hình xung quanh ra sao.
Căn hộ nơi Arijanna thuê có cả khu bếp. Bởi vậy, cả hai vẫn nấu ăn mỗi ngày. Họ tới cửa hàng mua đồ mỗi tuần một lần và không gặp khó khăn khi mua thực phẩm.
Chia sẻ thêm về cuộc sống ở Đà Nẵng những ngày đó, Arijanna cho biết, các bãi biển công cộng đóng cửa, công an và nhân viên cứu hộ luôn tuần tra, còn người dân ra đường đều đeo khẩu trang. Kể từ ngày 16/4, các nhà hàng quán ăn mở cửa trở lại nhưng chỉ cho phép khách tới mua đồ về nhà.
Cô gái Croatia nhận xét, so sánh số ca lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, đây là một trong những quốc gia xử lý tình huống bệnh dịch tốt nhất.
"Đó là lý do chúng tôi cảm thấy an toàn khi ở đây. Chính phủ Việt Nam rất tích cực tuyên truyền tới người dân cách phòng chống, đặc biệt là việc rửa tay. Họ còn tạo ra bài hát gây sốt để khuyến khích người dân vệ sinh đúng cách", Arijanna nói.
Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới Covid-19. Arijanna cho rằng, một phần cũng là do người dân tại đây có lối sống lành mạnh. "Những người lớn tuổi tập thể dục hàng ngày. Họ dậy sớm, ra bãi biển tham gia nhiều hoạt động từ cầu lông, khiêu vũ tới yoga…", Arijanna cho biết.
Quốc Việt
Theo Croatiaweek
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét