Đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến cuộc sống toàn cầu đảo lộn, trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Diễn biến dịch bệnh phức tạp, những cơ sở lưu trú, dịch vụ khách sạn tạm đóng cửa dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tại đất nước Chùa Vàng gia tăng.
Du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nhiều nhất ở Thái Lan. Bởi vậy, các nhân viên làm việc tại lĩnh vực này buộc phải xoay sở mọi cách để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Vốn là một tiếp viên trưởng cho một hãng hàng không tại Thái Lan, cuộc sống của anh Kosit Rattanasopon, 37 tuổi, đang thay đổi. Hãng hàng không nơi anh Kosit làm việc trước khi đang dừng khai thác chuyến bay. Để tiếp tục cuộc sống, nam tiếp viên này đã chuyển hướng sang làm xe ôm cho một hãng công nghệ chuyên giao đồ ăn cho khách.
Hàng ngày, thay vì mặc đồng phục tiếp viên quen thuộc, anh Kosit khoác lên mình trang phục tài xế của hãng xe ôm công nghệ, rong ruổi khắp nẻo đường Bangkok.
Thu nhập mỗi ngày của cựu tiếp viên hàng không này vào khoảng 1000 baht. Sống ở thủ đô, số tiền này chỉ đủ trang trải phí sinh hoạt cho bố và em gái. Ngoài ra, anh còn kinh doanh thêm thực phẩm đóng hộp online.
"Tôi biết mọi thứ sẽ không còn được như trước trong ít nhất một năm nữa, bởi vậy tôi vẫn phải kiên trì với công việc hiện tại", anh Kosit trải lòng.
Theo con số thống kê năm 2019, ngành du lịch Thái Lan chiếm tới 11% GDP của đất nước. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus dự kiến sẽ tiếp tục "tàn phá" ngành công nghiệp không khói tại quốc gia này trong nhiều tháng tới.
Trường hợp của anh Kosit ở trên vẫn được coi là may mắn vì sớm tìm ra việc mới. Các chuyên gia ước tính, phần lớn trong số khoảng 4 triệu người Thái làm việc trong lĩnh vực du lịch đang đương đầu với tình trạng mất thu nhập trong ít nhất một năm tới.
Quốc Việt
Theo Travelandtourworld/ News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét