Vào trưa ngày hôm nay 26/2, tại Trung tâm Báo chí quốc tế, các phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai đã cùng nhau thưởng thức bữa trưa với rất nhiều món ăn truyền thống Việt Nam.
Được biết, trước đó, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra gợi ý một số món để đưa vào thực đơn phục vụ lần này, điển hình như nem rán, giò chả, nem cuốn, phở, xôi, bánh khúc, bún chả...
Để phục vụ cho các bữa ăn tại Trung tâm Báo chí quốc tế, Hà Nội đã mời đến các nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng nhất của Thủ đô để thực hiện công tác chế biến và phục vụ các món ăn này. Có thể thấy, chỉ cần lướt nhẹ qua vài món thôi, cũng có thể thấy được những cái tên nổi tiếng nhất nhì Hà Nội, đủ cho thấy công cuộc quảng bá ẩm thực Việt Nam được ưu tiên đến mức nào.
Bún thang bà Ẩm
Bún thang là một trong những món ăn mang đặc trưng văn hoá ẩm thực nổi bật của Hà Nội. Nhắc đến bún thang, người ta thường hay nhắc ngay đến bún thang bà Ẩm (trước đây hay gọi là bún thang cô Ẩm).
Bà Ẩm là một trong những người góp công lớn trong việc thổi hồn và giúp bún thang lan toả khắp Hà thành. Nhà văn Băng Sơn cũng từng nói về hàng bún thang này: "có những đôi vợ chồng thuở thanh niên đã kéo nhau lên đây ăn bún thang, khi có con, rồi có cháu, đầu đã pha sương khói, vẫn cứ theo lệ, dắt nhau lên chợ Đồng Xuân tìm món bún thang bà Ẩm".
Từ địa chỉ quen thuộc là chợ Đồng Xuân, bún thang bà Ẩm sau đó đột nhiên đóng cửa, tưởng như sẽ thất truyền. Thật may là sau đó, bà đã quyết định truyền nghề lại cho người con. Bát bún thang với sự cầu kỳ, tỉ mỉ rất cao trong khâu chế biến, từ chuẩn bị các nguyên liệu, khâu chế biến cho đến trình bày đều mang đậm tinh tuý của Thủ đô. Hiện tại, bún thang bà Ẩm được bán duy nhất tại địa chỉ 37 Cửa Nam.
Bánh khúc cô Lan
Hàng xôi khúc (bánh khúc) cô Lan nằm trên con phố Nguyễn Công Trứ là một trong những hàng ngon nhất nhì ở Hà Nội. Dù rằng cũng có nhiều quán khác trưng biển hiệu bánh khúc cô Lan, tuy nhiên, hàng bánh khúc ở số 69 Nguyễn Công Trứ này mới được xem là hàng "chính hiệu".
Bánh khúc, món ăn chỉ gồm toàn các nguyên liệu giản dị, thế nhưng bằng sự tài tình, người nghệ nhân chế biến đã thổi hồn vào đó, đưa nó trở thành món ăn đặc biệt hơn hẳn. Bánh khúc cô Lan tuyển chọn gạo nếp rất cẩn thận. Phần nhân đậm màu, pha trộn giữa đỗ xanh và lá khúc. Đặc biệt hơn hẳn chính là những miếng thịt ba chỉ nằm trong cùng, khi đồ lên, nằm giữa gạo nếp, đỗ xanh, lá khúc... sẽ không hề bị ngấy mà còn khiến cho phần bánh khúc ngon hơn, dễ ăn hơn.
Phở Thìn
Khỏi phải nói thì những người sống ở mảnh đất Thủ đô đều biết phở Thìn nổi tiếng đến mức nào. Không những thế, thương hiệu phở Thìn còn đã "xuất ngoại" và được du khách quốc tế vô cùng yêu thích.
Ở Hà Nội, người ta giữ thói quen đi ăn phở Thìn mỗi sáng một cách thường xuyên. Được mở ra từ năm 1965, mỗi ngày, địa chỉ 61 Đinh Tiên Hoàng vẫn luôn đông tấp nập cho đến tận bây giờ. Trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc phải chuyển qua bán phở gà nhưng thật may là sau đó, gia đình vẫn tiếp tục giữ nghề bán phở bò. Từ khâu chọn nguyên liệu cho đến chế biến đều được thực hiện một cách cẩn thận, kỹ lưỡng để tạo nên bát phở thơm ngon, ngọt nước.
Cà phê trứng Giảng
Nhắc đến cà phê trứng là phải nhắc đến Giảng. Đây được xem là một món đồ uống làm nên hình ảnh của ẩm thực Hà Nội. Quán cà phê Giảng được xem là nơi đầu tiên có món này, do cụ Giảng biến tấu từ capuchino, dựa theo công thức ngày cụ còn làm nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole.
Cà phê trứng ở đây mang hương vị khác hẳn những nơi khác. Vị cà phê đậm đà kết hợp với sự thơm ngậy của lòng đỏ trứng gà được đánh bông lên cùng với vị kem ngọt. Tất cả hoà quyện trong cốc cà phê trứng ấm nóng vừa thơm, vừa ngon, làm say lòng bao nhiêu thực khách.
Bên cạnh đó, trong các bữa ăn miễn phí phục vụ các phóng viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này còn có sự xuất hiện của rất nhiều món ăn Việt khác như nem rán, giò chả, nem cuốn, xôi, các món chè Việt Nam...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét