Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Thót tim với màn rước ‘kiệu bay’ của trai làng biển

Từ sáng sớm 25/2, hàng vạn người dân và du khách thập phương đã có mặt tại Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) để cùng tham gia vào màn rước kiệu truyền thống trên bãi biển Quỳnh thơ mộng trong lễ hội Đền Cờn.

"Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng", câu truyền miệng trong dân gian đã ghi nhận Đền Cờn là một trong bốn di tích nổi tiếng linh thiêng nhất của Xứ Nghệ. Năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Một trong những hoạt động độc đáo nhất được du khách thập phương hào hứng chờ đón là màn rước kiệu "bay" dọc ven bãi biển. Bốn chiếc kiệu, mỗi chiếc kiệu do 18-20 chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú ở làng biển Quỳnh Phương khiêng vác đi dọc theo bãi biển đến địa điểm làm lễ cầu ngư.

Sau khi chủ tế dâng hương hoa, các lễ vật như bánh chưng, bánh dày, bánh kẹo, hoa quả…người dân ồ ạt chạy vào mâm lễ cướp "lộc" để lấy may. "Năm nào tôi và các con cũng tham gia vào đoàn rước kiệu ở lễ hội Đền Cờn để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, tàu thuyền con cháu vươn khơi bám biển, đánh bắt được nhiều tôm cá hơn", bà Nguyễn Thị Tịnh (51 tuổi) nói.

Trong đội rước kiệu, ngoài nhóm người múa sư tử dẫn đường còn có đội diễn trò với những màn diễn hài, hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, vui tươi của người dân.

Những chiếc kiệu nặng từ 250 đến 300kg được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã.

Nhiều người ồ ạt kéo nhau tìm cách chui qua kiệu để cầu may. "Phải chui qua lại đủ 3 lần thì mới xua đuổi vận xui, cầu may mắn, tài lộc trong năm mới được", anh Nguyễn Văn Linh (40 tuổi) vừa nói vừa bế cậu con trai nhỏ gắng tìm cách chui qua chiếc kiệu lần cuối.

Mỗi lần chiếc kiệu được nhóm thanh niên tung lên không trung, người dân vây quanh lại hào hứng reo hò vui mừng. Tuy nhiên, không ít người cũng hoảng sợ bỏ chạy ra xa mỗi khi đoàn rước kiệu vừa chạy vừa tung hứng kiệu đến gần.

Lễ hội Đền Cờn cho đến nay vẫn là một lễ hội mang tính chất nông nghiệp, chủ yếu là cầu ngư và với việc tổ chức các hoạt động sôi nổi, hướng tới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch, mời gọi du khách về tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch biển.

IMG_7829.JPG
1 (2).JPG
IMG_1046.JPG
4.JPG
IMG_8726.JPG

Những màn rước kiểu "bay" của ngư dân làng biển.

Nguyễn Duy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét