Có lẽ, hiếm có đất nước nào sáng tạo trong việc đặt tên như Việt Nam ta, từ những cái tên giản dị chân phương hết mực cho đến những cái tên nghe rất "kiêu" đều có. Có hệ thống ngôn ngữ quá nửa là chữ Hán, xuyên suốt lịch sử, người Việt đã tận dụng sự hoa mỹ của loại chữ này để "nâng cấp" tên gọi cho những món ăn thuần Việt, bình dân. Lần theo sử xưa sách cũ, bạn sẽ không khỏi bất ngờ trước những cái tên sang chảnh cho các món ăn quen thuộc thường ngày.
Huyết xuyên tràng (dồi lợn)
Vâng, chính nó, cái món ăn có màu "tối tăm" hơn cả tiền đồ của chị Dậu, được đưa vào loạt đặc sản "kinh dị" nhất thế giới và khiến nhiều người Việt cũng phải e dè. Thế mà ngày xưa, nó lại được gọi bằng cái tên hết sức mỹ miều "Huyết xuyên tràng".
Từ thế kỉ 19, từ điển của Phạm Đình Hổ đã nhắc đến dồi lợn và miêu tả cách thức chế biến: Ruột (tràng) động vật lộn ngược lại, làm sạch, sau đó nhồi với máu (huyết) và mỡ. Cái tên Huyết xuyên tràng ra đời dựa trên chính cách chế biến món ăn, nghe là hiểu ngay và hơn hết, "thuận miệng ngon tai" hơn hẳn cái tên… dồi lợn!
Phương bính – Bánh chưng
Nếu chẳng may xuyên không, bà Tân chắc phải giới thiệu "Cuộc đời bà gần 60 nồi phương bính rồi" thì người xưa mới hiểu.
Phương bính là tên xưa của bánh chưng, với "phương" là vuông và bính "là bánh", hai chữ đơn giản nhưng khái quát được hình dạng lẫn ý nghĩa sâu xa "đất vuông trời tròn" của loại bánh này. Trong khi đó, bánh chưng là cái tên dân gian với giả thiết là bánh phải nấu lâu, nên gọi thành "bánh chưng".
Chỉ Nam Ngọc Âm giải nghĩa, từ điển Hán - Nôm sớm nhất (được biết đến từ thời phong kiến Lê - Trịnh, cũng khẳng định tư bính là bánh giầy, phương bính là bánh chưng: "Tư bính vành vạnh bánh giầy, phương bính thuở này là hiệu bánh chưng". Trong đoạn thơ miêu tả các món ăn Việt, từ điển cũng hé lộ chục loại bánh trái bình dân với những cái tên mỹ miều khác như: Bì bính (bánh đa), quyển bính (bánh cuốn), diệp bính (bánh gói lá), v.v…
Riêng bánh cuốn còn có thêm biệt hiệu "xuân thái", tức… hoa cỏ mùa xuân nghe "nhí nhảnh" hết sức.
Dường như công thức chung của người Việt xưa là gọi bánh bằng bính, sau đó thêm các tính chất miêu tả về nguyên liệu, hình dáng hoặc màu sắc lên trước, tạo ra loạt tên sang chảnh cho các loại bánh bình dân.
Thủ giác (bánh ú)
Vào Tết Đoan Ngọ, người ta chẳng còn xa lại gì với những xâu bánh nhân đậu xanh dừa hoặc thập cẩm, hình dáng căng mum múp (nên gọi là bánh ú) cùng công thức đặc biệt với gạo nếp ngâm qua nước tro (nên cũng gọi là bánh tro). Thế nhưng ngày xưa nó lại có cái tên kiêu sa và tượng hình hơn nhiều – thủ giác, tức là cái sừng.
"Thủ giác bánh ú nhọn thay hai sừng" – bởi vì bánh được gói thành hình tam giác, đỉnh nhọn, lại hay được bày theo cặp nên người xa đã liên tưởng như vậy. Dù thế nào đi nữa, bánh ú cũng từng có một cái tên kiêu kì và đầy tính hình tượng như thuật ngữ bước ra từ truyện kiếm hiệp vậy!
Lam đàm (bánh/chè lam)
Tương tự như Thủ giác – bánh ú, có nhiều loại chè bánh được đặt tên một cách sáng tạo chứ không chỉ máy móc tuân theo công thức "x + bính" đã kể trên. Và lam đàm là một trong số đó. Nó là tên gọi cổ của chè lam, một món chè đặc biệt không có nước, lại phải hấp cho cô đặc như bánh mới dùng được. Bản chất cái tên lam đàm không chỉ thuận tai, "sang mồm", mà chữ "đàm" còn có ý nghĩa là "lửa đốt", khái quát phương thức chế biến cực kì đặc biệt của đặc sản Hà Thành này.
Khoái chá (các loại chả, nem)
Bạn không đọc nhầm đâu, khoái chá không chỉ nghe na ná một trạng thái cảm xúc, mà còn là một dòng ẩm thực Việt Nam hẳn hoi! Về xuất sứ và ý nghĩa của cái tên này có rất nhiều giả thiết. Có nhà nghiên cứu Hán tự cắt nghĩa, "khoái" là thịt cắt thành miếng nhỏ, "chá" nghĩa là nướng – nên khoái chá đích thị là danh từ chỉ các món thịt nướng, nem, chạo, v.v… của Việt Nam.
Cũng có giả thiết so khoái chá với "khoái chí" [快志] – tức là cảm giác vui vẻ, đắc ý. Dùng khoái chá để gọi các loại chả và nem nướng kể cũng hợp lý, vì thịt ngày xưa là món khan hiếm, dành cho tầng lớp trung lưu trở lên, có được một miếng nem thịt là quý hóa lắm!
Dù giả thiết nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận, khoái chá quả nhiên nghe đầy phong vị hơn là… thịt nướng hay nem nướng, thể hiện trình độ sáng tạo và vận dụng ngôn ngữ đầy uyển chuyển của ông bà ta.
Giờ ngộ nhỡ có xuyên không, thì bạn cũng biết phải gọi món thế nào cho "sang mồm" và đầy phẩm chất quý tộc rồi đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét