Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống "bình dân" ...

Hễ nhắc đến chuyện ăn uống chốn cung đình xưa kia, hẳn ai ai cũng mường tượng ra cảnh rường cột sơn son thiếp vàng, bát đĩa sứ tinh xảo, trên mặt bàn bóng loáng bày những món ăn xa hoa. Cao nhất thì chắc phải có "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" hay bét lắm thì cũng phải có "bát trân tứ bửu" như chân voi, tay gấu, sâm cầm… Thế nhưng chúng ta thực sự lầm to, bởi vì các vua của nước Việt Nam ta ngày xưa vẫn có những khi chẳng hề yêu cầu cao xa, càng không cầu kỳ chuyện ăn uống chút nào. Có thể thấy chuyện ăn uống của vua chúa Việt Nam ngày xưa rất đỗi "bình dân", cụ thể là qua một số tích nhỏ sau đây:

Vua cởi áo, bỏ giày đi… bắt cá

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 1.

Vua ngày xưa không ngại xắn quần bắt cá, chẳng thua hậu thế bây giờ.

Trong sách sử nhà Tống (Trung Quốc) ngày xưa có ghi chép lại chuyến đi sứ sang nước ta vào năm 990. Sử kể lại rằng vua chiêu đãi sứ thần tại bãi sông, vừa thưởng tiệc vừa xem múa hát, lấy trò bắt cá làm thú tiêu khiển. Giữa bữa tiệc, vua Lê Hoàn tự vởi bỏ mũ áo và giày, đi chân trần lội xuống nước đâm cá, kéo theo các quan đại thần sự tiệc cũng tự giác cởi đai, mũ, lội nước và tham gia đâm cá cùng vua. Cuối tiệc, vua còn mời sứ giả nhà Tống ăn một con trăn to, tuy nhiên sứ thần này quá hoảng sợ nên đã từ chối.

Đang chiến sự căng thẳng, có bát cơm hẩm cũng ngon

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 2.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại, mùa đông năm 1284, khi quân Nguyên lần hai xâm lược nước ta, triều đình nhà Trần đã phải bỏ kinh thành Thăng Long tìm kế quật khởi. Có lúc việc ăn uống không được tiện lợi, Trần Nhân Tông đến chiều vẫn chưa ăn cơm sáng. Lúc bấy giờ một người Lính bèn lấy gạo xấu nấu làm cơm dâng lên cho vua, lại được khen là trung thần và ban cho chức tước.

Những tưởng chiến tranh mới phải chịu cảnh giản tiện, nhưng sử sách kể lại, chuyện ăn uống của hoàng tộc nhà Trần ngày xưa cũng hết mực gần gũi, giản dị như người thường. Từ thời vua Trần Thái Tông đã có lệ, khi bãi triều thì các họ hàng, con cháu hoàng tộc đều vào trong điện cùng ăn cùng uống với nhau để bồi đắp tình cảm.

Chuyện một quả xoài suýt dẫn đến… huyết án

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 3.

Muỗm, hay còn gọi là xoài hôi, có vẻ như là một loại quả ăn vặt rất được ưa chuộng thời nhà Trần. Bằng chứng là cái quả thoạt nhìn bé nhỏ như vậy thôi nhưng lại suýt nữa dẫn đến một hồi "phong ba".

Chuyện kể lại là vào thời vua Trần Thái Tông, người từng ban quả muỗm cho các quan, nhưng không hiểu sao chẳng may chia sót một viên quan tên là Phạm Cự Đà. Mãi đến khi quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ nhất vào năm 1257, vua hỏi về hướng đi của giặc, vị này bèn buông lời vô lễ: "Quân giặc ở đâu, nên đi hỏi những người được ăn muỗm ấy". Câu nói tỏ ý giận hờn vì không được ăn muỗm. Thái tử Trần Hoảng nghe thế lấy làm tức giận, xin vua cha nghiêm trị để làm gương cho thần tử. Tuy nhiên, cũng may cho Cự Đà là Thái Tông vốn nhân từ, và có lẽ người cũng thấy "áy náy" vì không chia đều quả muỗm nên đã nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội."

Cũng từ chuyện này mà rút ra được, nhân dân ta đúng là có truyền thống "dĩ thực vi tiên", cái ăn phải lấy làm đầu.

Vua chỉ điểm mang quýt và rươi để... hàn gắn tình cảm

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 4.

Cũng lại chuyện hoàng tộc nhà Trần và truyền thống dĩ thực vi tiên. Sau câu chuyện quả muỗm khoảng mấy chục năm, cháu nội của Trần Thái Tông là Trần Nhân Tông lại phát huy truyền thống này, dùng món ngon để khéo léo giải quyết bất hoà giữa hai vị đại thần trong triều. Sử chép lại, ông đã giảng hoà cho hai viên quan bằng cách chỉ điểm cho họ "dùng con rươi, quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?" Còn chuyện vì sao lại là con rươi và quả quýt thì mãi đến hiện tại, hậu thế vẫn không rõ cho lắm. Chỉ có thể tạm rút ra được rằng hai món này chắc hẳn là xu hướng ăn uống thời ấy, là món mà ai ai cũng thích, tương tự như xu hướng trà sữa với giới trẻ mấy năm gần đây vậy.

Đi đánh trận phải mang theo… mắm tôm

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 5.

Đến đây mới thấy được sự bản lĩnh của các đời vua Việt, bình thường thì vẫn ăn uống sang trọng đúng với uy nghiêm đế vương, thế nhưng khi tình thế khẩn cấp thì cũng không nề hà cơm hẩm, cháo hoa. Theo như sách sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục chính biên Đệ Nhất kỷ", khi vua ở ngoài, bữa ăn không có nhiều vị mà chỉ thường dùng mắm tôm kèm với bảy vị là tiêu, ớt, hồi, quế, tỏi, gừng và ô mai. Tất cả đem tán nhỏ rồi trộn với nhau, bữa nào cũng ăn như thế. Vua cũng ban món này cho những người đi theo và nói rằng: "ăn thức ăn này tốt lắm; vả để tỏ rằng ta cùng các khanh tân khổ có nhau".

Tạm kết:

Có thể thấy, tuy trong ấn tượng của phần lớn chúng ta, làm vua là phải ăn sơn trân hải vị, phải có đủ bát trân tứ bửu… tuy nhiên thực tế cho thấy, đế vương thì cũng là con người, và ai nấy cũng có sở thích rất riêng, rất bình dân và thậm chí là có những món truyền lại đến tận đời con cháu, tỷ như món mắm rươi ăn kèm với quả quýt đến bây giờ vẫn rất được ưa chuộng. Đã là thức ăn thì không phân sang hèn, các vua chúa Việt Nam xưa vẫn có thể tìm thấy mỹ vị trong ngay cả những món ăn giản dị nhất, có thể nói, đây đúng là đức tính đáng quý khó có thể tìm thấy trên đời.

Đứng trên vạn người nhưng vua chúa ngày xưa lại có khi ăn uống bình dân hơn cả hậu thế thời nay - Ảnh 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét