Đã không còn thời bạn bước vào quán và phải nhắc nhở nhân viên rằng "đừng cho mình ống hút nhựa nhé!" khi muốn giảm ống hút nhựa. Giờ đây, ống hút nhựa dần biến mất trong các hàng quán, mà thay vào đó là ống hút kim loại, tre, bột gạo...
Thế nhưng, cuộc chiến chống lãng phí chưa bao giờ cũ, đặc biệt là với các nhà sản xuất.
Zero-waste không chỉ đơn giản là cắt giảm nhựa, mà cắt giảm bất kì sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên nào. Với triết lý "what we save, save us", trào lưu zero-waste khuyến khích chúng ta tái sử dụng mọi thứ có thể trong đời sống. Đã là zero-waste, tức là không (zero) có sự lãng phí (waste), và những thiết kế ống hút ăn được đã cụ thể hóa ý tưởng đó, bằng việc biến hàng triệu tấn rác thải mỗi ngày thành những vật dụng tiện ích trong cuộc sống.
Ống hút mì Ý
Phải làm thế nào khi nhà hàng chỉ phục vụ duy nhất pasta và đối diện với hàng chục kí mì dư mỗi ngày? Hãy biến nó trở thành ống hút thay cho đồ nhựa! Kiểu nhà hàng chỉ chuyên một món như trên rất phổ biến tại Ý, với phương châm "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", họ có hàng vạn cách biến hóa món pasta thông thường. Cảm thấy mì sấy khô không đủ chất lượng để phục vụ khách (người Ý thích mì tươi), nhưng lại quá lãng phí nếu vứt đi, một chủ nhà hàng pasta đã dùng những sợi mì thay cho… ống hút nhựa!
Ngạc nhiên thay, pasta đã qua quá trình sơ chế và sấy khô lại có độ bền vượt trội: Ống hút pasta vẫn duy trì trạng thái "y như mới" sau hàng giờ ngâm trong một cốc trà chanh, hoàn toàn không nát, mủn.
Với sự độc đáo, độ bền, cùng tinh thần tiết kiệm triệt để, ý tưởng "ống hút pasta" đã chinh phục hai công ty ở London và Malibu, khiến họ sản xuất hàng loạt mẫu ống hút tương tự. Điều thú vị là sau khi sử dụng, khách hàng có thể không vứt ống hút đi. Những chiếc ống hút pasta sẽ được thu thập lại, tái xử lý cho sạch sẽ và… làm nguyên liệu cho một mẻ pasta mới!
Ống hút rau muống
Nếu phương Tây đang trầm trồ về ống hút pasta ăn được, thì ở bên kia đại dương, các quán café của chúng ta đã sớm dùng thực phẩm thay thế ống hút nhựa. Khoảng 2, 3 năm trước, khi tới chuỗi nhà hàng Cục Gạch, bạn sẽ thích thú với những chiếc ống hút xanh mướt làm từ… rau muống. Chẳng ai ngờ rằng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cái phần thân rau muống chả mấy ai mặn mà ấy lại đổ bộ rầm rộ vào các hàng quán, góp phần đẩy lùi nạn rác thải nhựa.
Cách làm ống hút rau muống đơn giản đến bất ngờ: Bạn chỉ cần làm sạch, chọn lấy phần thân cứng và cắt hai lỗ nhỏ ở hai đầu. Ấy thế mà, cái sáng tạo đậm tính "nhà chòi" ấy lại tiện dụng chả kém ống hút nhựa. Cũng như ống hút pasta, ống hút rau muống hoàn toàn ăn và tái sử dụng được.
Ống hút rau củ khác
Chính là nó – một chiếc ống hút có thể đem lại cuộc sống "healthy" và "balance" cho trái đất lẫn cơ thể của bạn! Ý tưởng sử dụng xơ rau củ để làm ống hút của Trương Thế Tiến, một chủ start-up tại TP. HCM, đã tạo ra một sản phẩm đa năng, không chỉ hướng đến chất lượng mội trường xung quanh mà còn cải thiện chất lượng sức khỏe của chính bạn. Những chiếc ống hút này được tái chế từ 100% rau củ tinh bột gạo, tinh bột khoai tây, tinh bột sắn dây, tinh bột chuối... và hoàn toàn có thể đem chế biến thành món ăn khi sử dụng xong!
Theo chia sẻ của chính Thế Tiến, có hàng vạn cách để tận dụng những chiếc ống hút này trước khi thải hàng chục kí vật liệu vào thùng rác: Làm bánh phồng tôm chay bằng lò vi sóng, chiên thành snack que, xay nhuyễn và thêm vào sinh tố, hoặc đơn giản là… nhúng lẩu để tăng lượng chất xơ hàng ngày!
Trên thực tế, chúng ta khó mà tưởng tượng cảnh xào nấu chiếc ống hút đã dùng trở thành món ăn, nhưng giá trị của chiếc ống hút ăn được không chỉ giới hạn ở mặt thực tiễn trước mắt. Nó là một biểu tượng khích lệ, một nguồn cảm hứng. Nếu như những phần thực phẩm thừa cũng có thể trở nên hữu ích, và ngược lại, những vật dụng đáng lẽ phải cho vào thùng rác lại biến thành món ăn ngon lành, thì công cuộc cắt giảm rác thải không hề phức tạp, bất tiện hay tốn kém như nhiều người lầm tưởng. Câu hỏi đặt ra rằng, bạn có thật sự muốn bảo vệ môi trường cũng như cuộc sống của chính mình không?
Nguồn: delish, eater
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét