Vài năm trở lại đây, khách du lịch đến Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, nếu năm 2015 khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,9 triệu lượt thì năm 2018 con số này là 15,5 triệu lượng, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25% trên năm.
Theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đây là tốc độ tăng trưởng lượng khách cao hàng đầu thế giới, cao hơn hẳn so với mức tăng trung bình 5,8%/ năm trên phạm vi toàn cầu và 6,1% đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong cùng giai đoạn 2015- 2018. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại.
Tại hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu lý giải, tốc độ tăng trưởng chung bị chậm lại có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần là do thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Siêu, không chỉ Việt Nam, khách Trung Quốc đến các nước như Thái Lan, Mỹ, Úc, Niu Di-lan và nhiều điểm đến khác cũng đang theo xu hướng giảm, do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nền kinh tế khó khăn khiến các hoạt động du lịch của người dân nước này cũng bị chững lại.
Chia sẻ với PV Dân trí về thực trạng này, PGS.Ts Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, đây là hệ quả của việc làm du lịch nóng, phụ thuộc quá lớn vào nguồn khách đến từ 1 – 2 thị trường lớn.
Thời gian qua, khách Trung Quốc đến Việt Nam liên tục ở mức cao và tăng kỷ lục. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2018 con số này lên tới 4,96 triệu lượt khách, tăng 1,8 lần. Tính trung bình cứ 10 người khách quốc tế đến Việt Nam thì có 3 khách là người Trung Quốc.
Theo ông Lương, việc hướng vào thị trường đông khách để phát triển du lịch không phải là sai, nhưng sự tăng trưởng quá nóng cùng sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khách đến từ 1-2 thị trường lớn, rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng lại có thể sụt giảm đột ngột, như đã từng xảy ra ở một số thời điểm trong quá khứ. Bên cạnh đó, việc quá tải lượng khách cũng gây ra nhiều tác động xấu về kinh tế - văn hóa – an ninh, xã hội, nhất là khi đây không phải là thị trường khách có mức chi tiêu cao.
"So với các thị trường khác, khách Trung Quốc có mức chi tiêu thấp hơn khoảng 30-40%. Tôi cho rằng, thay vì phục vụ 10 khách, thì ngành du lịch nên đầu tư phục vụ 1 khách nhưng mang lại nguồn thu tương đương, giảm áp lực nên cơ sở vật chất, hạ tầng", ông Lương nói.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhìn nhận, việc tốc độ khách quốc tế đến Việt Nam "chững" lại không phải là dấu hiệu đáng lo mà đây là thời điểm tốt để ngành Du lịch điều chỉnh lại cơ cấu lượng khách, có chiến lược thu hút khách ở các thị trường chi tiêu cao như: Tây Âu, Bắc Mỹ…
"Thời gian qua, việc khách Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt, rõ ràng đã gây ra nhiều hệ lụy xấu đặc biệt ở các địa phương như: Khánh Hòa, Quảng Ninh… Tôi cho rằng, ngành du lịch cần thay đổi tư duy không nên đặt nặng về số lượng khách đến nữa mà cần phải quan tâm đến tổng thu mang lại", ông Lương nói.
Trước đó, trả lời Dân trí về lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cũng cho rằng, dù chiếm thị phần cao nhưng sự đóng góp tổng chi tiêu của khách Trung Quốc khá thấp, khách Trung Quốc chỉ có mức chi tiêu khoảng hơn 600 USD/ khách, trong khi đó khách đến từ khu vực Bắc Mỹ là gần 1.500USD/ khách, Châu Âu 1.300USD/ khách…
Ở phần lớn các nước phát triển, như Thái Lan cũng có nhiều khách du lịch Trung Quốc nhưng họ cũng không để vượt qua 25%.
Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch nên ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu cao trên 1.000 USD/ khách, cụ thể đó là các thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc – New Zealand và Nga, giảm dần sự lệ thuộc, chi phối vào thị trường khách Trung Quốc.
Hà Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét