Không có gì tự hào hơn khi ẩm thực Việt Nam được thế giới công nhận và ca tụng, khi những đặc sản "bánh mì" và "phở" trở thành tên riêng trong từ điển Oxford, khi các trang báo tiếng tăm như New York Times và The Guardian liên tục viết về ẩm thực Việt như một hiện tượng, và khi chính các đầu bếp nổi tiếng thế giới cũng lặn lội tới một đất nước nhỏ bé xa xôi, để hết lời khen ngợi những món ăn bình dân ở đây.
Công nhận về ẩm thực, cũng là công nhận những giá trị văn hóa, xã hội và lịch sử của một dân tộc. Cũng vì thế, một cuộc tranh cãi không hồi kết vẫn luôn âm thầm diễn ra, xoay quanh câu hỏi: Nên sáng tạo món Việt cho hợp khẩu vị quốc tế, hay phải giữ nguyên công thức cùng những giá trị về phong tục, lịch sử truyền thống mà nó lưu giữ?
Gần đây, một topic tương tự đã nổ ra tại fanpage cho người Việt ở nước ngoài, nơi có hơn 50.000 thành viên. Chủ topic đăng tải hình ảnh một hộp mì trong siêu thị, với bình luận không thể hoang mang hơn:
"Mẹ tôi nhìn chằm chằm vào món này một lúc lâu, nên tôi tới xem thử. Bà rất bối rối và hỏi tại sao họ lại gọi đây là "bánh mì", bánh mì ở đâu kia chứ? Tôi nói đó là một bí ẩn ha ha".
Kì thực, đây là một sản phẩm của hãng Trader Joe. Hãng nổi tiếng với các sản phẩm giàu dinh dưỡng như salad trộn, và cho ra đời sản phẩm salad đa chức năng "gợi cảm hứng" từ bánh mì: Một phần salad gồm bún gạo, đậu phụ, đồ chua và sốt kem, có thể ăn không hoặc kẹp vào các loại bánh mì. Có lẽ, hãng chỉ lấy ý tưởng từ việc "kẹp mọi thứ" gồm pate, rau sống và thịt của bánh mì Việt Nam, chứ không có ý định làm ra một chiếc bánh mì thật sự.
Hình ảnh sản phẩm trên trang web của hãng:
Một số hình ảnh của người sử dụng, thoạt nhìn nó như một tô salad bình thường với vài biến tấu từ châu Á như bún gạo, đậu phụ...
Dĩ nhiên, sản phẩm này đã gây ra một cuộc tranh luận lớn trong fanpage nọ. Ranh giới giữa "sáng tạo" và "phá hỏng" bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết:
Phe phản đối cho rằng, có quá nhiều cái sai trong cái tên "Banh Mi" của món ăn này. Thứ nhất, nó hoàn toàn không đi kèm bánh mì. Thứ hai, đến phần nhân cũng chả có tí gì liên quan tới bánh mì Việt Nam, mà giống… bún thịt nướng hơn!
Dùng từ "Banh Mi" trong một sản phẩm không hề giống bánh mì từ trong ra ngoài, hãng đã "không đủ tôn trọng" đến ẩm thực Việt Nam. Người Việt quả thực không mong mỏi gì hơn là các bạn nước ngoài hãy… để yên cho món Việt, đừng "sáng tạo" nữa:
"Sao cứ cố cải tiến những thứ đã hoàn hảo thế".
"Sẽ ổn thôi nếu họ cứ giới thiệu nó là bún đậu phụ chay, hãy gọi món ăn đúng với bản chất của nó chứ".
"Tôi tôn trọng mọi sự sáng tạo và cải tiến. Nhưng có một số món Việt đã đạt đến hàng kinh điển. Thật không may, trong quá trình thay đổi, họ đã làm mất luôn những đặc thù của món ăn ấy. Không chỉ Việt Nam đâu, tôi thấy chuyện này xảy ra ngày càng nhiều với các món ăn địa phương khác".
Dĩ nhiên, vẫn có những cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Họ cho rằng hãng không có ý định "lừa lọc" ai cả, mà ghi rõ đây là noodle bowl (bún/mì tô) được gợi cảm hứng từ concept của bánh mì mà thôi. Dẫu sao, bánh mì cũng đã đã đủ nổi tiếng để ai cũng biết nó trông-thế-nào, nên sự sáng tạo này cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới định nghĩa bánh mì truyền thống cả.
"Họ bảo là gợi cảm hứng từ bánh mì thôi mà", "Cũng ổn đó chứ, biết đâu người tiêu dùng sẽ Google bánh mì là gì, và tới một tiệm bánh mì Việt thứ thiệt thì sao"...
Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ việc cải biên món Việt khi ra nước ngoài là tốt hay xấu?
Nguồn: Reddit, Vietnamese Home Cooking Enthusiasts
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét