Cơm là món ăn rất đỗi thân quen trong các bữa ăn của người Việt. Thậm chí ta có thể ăn cơm từ sáng, trưa, chiều, tối mà chẳng bao giờ thấy ngán. Nhưng có bao giờ bạn trải nghiệm những món cơm "độc nhất vô nhị" - chỉ nghe gọi món thôi cũng đủ hết hồn chưa?
Cơm tấm "sà bì chưởng"
Món ăn nghe vui tai này thật ra rất bình dân, đến nỗi đâu đâu trên phố phường Sài Gòn tấp nập cũng có thể ngửi thấy mùi thịt nướng mật ong dậy mùi quyến rũ trên than hồng rực lửa... Đặc biệt khi người bán phết những lớp mỡ hành béo ngậy, thơm nức mũi trên đĩa cơm tấm trắng ngần bạn sẽ phải xuýt xoa về độ hấp dẫn của món ăn đường phố này đấy.
Cơm tấm muốn ngon thì gạo tấm phải là loại gạo ngon, không quá dẻo hay quá khô, có độ xốp, mềm thơm vừa phải. Thêm vào đó không thể thiếu món chả trứng và bì ngon "thần sầu", tạo ra những mảng màu tuyệt đẹp trên bức tranh nghệ thuật "sà bì chưởng" .
Màu sắc đẹp mắt của một đĩa cơm tấm điển hình: màu vàng của ốp la, chả trứng, màu nâu óng ả của miếng sườn, màu xanh mướt mắt của mỡ hành...
Không chỉ có thế, linh hồn của món cơm tấm này phải được tạo ra bởi chén nước mắm chua ngọt thần thánh. Nước mắm pha phải có vị đậm đà, chua chua ngọt ngọt vừa phải và đặc biệt phải có ớt xay cay nồng thì ăn mới "đúng bài" được.
Đĩa cơm tấm sườn bì chả ngon nhất ở Sài Gòn là phải ăn vào lúc nửa đêm hoặc về sáng, giữa lòng thành phố tĩnh mịch. Vậy nên, nếu rảo xe một vòng thành phố vào lúc đêm muộn, bạn sẽ không khó đế thấy những quán cơm bình dân bên đường, không bảng hiệu nhưng khách rất đông.
Cơm tấm bãi rác quận 4 dù chỉ bán vài giờ nhưng rất "hút" khách.
Nếu có dịp ghé Sài Gòn thì đừng quên thưởng thức vài đĩa cơm tấm để biết mùi vị ẩm thực "sà bì chưởng" độc đáo như thế nào nhé.
Cơm muối
Nếu như bạn nghĩ lời mẹ dọa "không ngoan sẽ cho ăn cơm với muối" hồi nhỏ chỉ là một trò đùa thì thật sự... cơm muối là một món ăn có thật ở xứ Huế.
Cơm trắng với muối những tưởng là món ta ăn khi chẳng còn gì để ăn, nhưng trong mắt người Huế lại có vị thế chẳng thua gì "bát trân, tứ bửu" sang quý. Đây là một trong những món ăn thuộc hàng "quý's tộc" thường chỉ được dâng lên cho vua, chúa ngày xưa.
Muối Huế được chia thành 3 loại, có thể chế biến được tới mấy chục món ăn. Nào muối thực vật với muối mè, muối đậu phụng, muối tiêu, muối ớt, muối mơ, muối chanh... Nào muối cá, cá thu, cá rô đồng, cá bống, cá nục... Rồi muối thịt, với thịt heo, bò, gà, dê… Các loại muối có đủ các vị đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi. Còn gạo để nấu cơm trong bữa tiệc muối cung đình phải là loại gạo tiến vua nổi tiếng là gạo de An Cựu. Cơm muối phải được nấu từ nồi đất của làng Phước Tích, bảo đảm hạt gạo chín nhưng không nứt nở, khô mà không sống sượng.
Ẩm thực chốn Kinh kì vốn đặc sắc, cầu kì. Vì thế mà muối và cơm - 2 nguyên liệu tưởng chừng như tầm thường lại được nâng tầm trong món ăn có phần "vương giả" này.
Bữa cơm muối có thể sẽ làm "muối mặt" không ít người, bởi mỗi suất ăn có thể lên đến cả 3 - 4 triệu đồng. Đổi lại, du khách được "ăn" cái văn hóa, thâm trầm, mặn mà và dịu ngọt của ẩm thực Cố đô.
Cơm huyết rồng
Món cơm có tên gọi đậm chất "kiếm hiệp" này là đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Tên món cơm được đặt theo tên của gạo huyết rồng, một loại gạo rất ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Cơm được nấu từ gạo huyết rồng là loại gạo hạt thon dài, nhỏ, trong, có màu đỏ; muối mè và hạt sen được bọc trong lá sen, sau đó đem hấp chín. Khi cơm chín, hạt sen màu trắng kết hợp với muối mè đen và nền cơm đỏ, trông rất bắt mắt. Không chỉ có thế, cơm gói lá sen rất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi bùi và phảng phất hương thơm của sen.
Người ta thường dùng cơm huyết rồng với muối mè, hoặc kết hợp với các loại nguyên liệu khác như tôm, cua, thịt, cá…
Hình ảnh của gạo huyết long hòa quyện với những sắc màu khác của những nguyên liệu khiến cho món ăn trở nên đặc biệt và như một món quà quý báu mà người dân Đồng Tháp dành tặng cho những thực khách, du khách có dịp ghé thăm miền sông nước với những đầm sen đẹp, thơm ngát một vùng.
Nếu có dịp đến đồng Tháp Mười xinh đẹp thì đừng quên thử cơm huyết rồng - món ăn tưởng chừng chỉ tồn tại trong truyền thuyết này nhé.
Cơm âm phủ
Cơm âm phủ - món "cơm người chết" nghe rùng rợn là thế nhưng ăn vào sẽ lên "thiên đường" ngay và luôn.
Dù có tên gọi thần bí nhưng món ăn với hương vị thơm ngon vừa giản dị lại phảng phất phong cách cung đình hút hồn nhiều du khách.
Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: "Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/ Có quán Âm phủ ma rình phía sau". Tương truyền, món ăn độc đáo này bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa khi Đức vua cải trang làm thường dân đi thăm thú khắp nơi. Khi trời tối, ngài tá túc tại nhà một bà góa già. Do hoàn cảnh cơ hàn, khó khăn nên bà góa chỉ có thể dọn cho vua chén cơm trắng cùng một ít rau các loại xếp xung quanh. Lúc này, vua đói và mệt nên đã ăn ngon lành hết sạch chén cơm. Khi về cung, ngài cứ lưu luyến mãi hương vị nên sai đầu bếp thêm các nguyên liệu chế biến lại. Về sau, món cơm được đặt tên là "cơm âm phủ".
Tương tự như món bún thang ở ngoài Bắc, cơm âm phủ thu hút thực khách bởi cách bài trí nguyên liệu đẹp mắt, tạo nên một tổng thể "nhìn là đã muốn ăn" rồi.
Với món cơm âm phủ truyền thống, thông thường cơm trắng sẽ được đặt ở giữa, xung quanh lần lượt là các món rau củ, thịt nướng, trứng tráng, giò lụa và tôm được đặt đối xứng đan xen với nhau… Trên đĩa cơm dẻo và thơm, thực khách có thể lần lượt khám phá hương vị rất riêng của từng nguyên liệu. Chả lụa Huế, tôm xay nhuyễn, thịt ba rọi, nem Huế nướng, trứng đổ chả, rau thơm, dưa leo… tất cả được thái sợi mỏng và trình bày theo nghệ thuật phối màu hài hòa.
Món ăn này không chỉ đẹp mà còn rất đầy đủ dưỡng chất: tinh bột từ cơm trắng, chất xơ từ các loại rau củ và chất đạm từ trứng, thịt... Đây là một món ăn không quá khó để chế biến, nhưng để tạo ra được một hình hài đĩa cơm âm phủ ấn tượng thì đòi hỏi một sự khéo léo trong cách cắt thái, nêm nếm gia vị hài hòa... Đặc biệt, nước mắm rưới vào cơm phải có độ chua, ngọt, cay vừa phải, khi ăn sẽ là chất xúc tác tuyệt vời cho các hương vị được hài hòa trong vị giác.
Đây là món ăn không quá nhiều người Huế biết đến. Vì thế nếu đến Huế, đừng ngần ngại thử ngay món ăn độc lạ này để cảm nhận sự phong phú trong nét ẩm thực Huế nhé.
Không cần nguyên liệu cao sang, những món cơm trên đây vẫn đủ sức lôi cuốn thực khách bằng sự tinh tế và dung hòa trong từng hương vị. Từ tên gọi, hình thức đến nội dung, những món cơm "có một không hai" này chính là những điểm sáng trong bản đồ cơm Việt khắp mọi miền đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét