Sài Gòn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, trải qua nhiều thăng trầm những những người đã góp công giúp cho vùng đất này phát triển luôn được hậu thế ghi nhớ. Trong đó, có Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), một nhà chính trị, quân sự Việt Nam thời Nguyễn.
Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc nhà Nguyễn (vua Gia Long) được thành lập, Lê Văn Duyệt trở thành một vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình; nhiều lần công cán ở cả phía Bắc thành và hai lần được cử làm tổng trấn Gia Định.
Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có. Ông được xem là vị đệ nhất khai quốc công thần giúp cho vùng đất Sài Gòn xưa phồn thịnh.
Không chỉ có tài quân sự, Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị. Làm tổng trấn Gia Định Thành hai lần (1812-1816 và 1820-1832), ông đã thực hiện chính sách trị an tốt, và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, điều động đào kênh Vĩnh Tế- một công trình rất có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng, mang lại hiệu quả rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.
Ông cho củng cố thành lũy, lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" và "Giáo dưỡng" để dạy về văn và võ... Ông ứng xử khéo léo, giúp đỡ nhiều người phương Tây và người Hoa đến Sài Gòn làm ăn buôn bán nên nhiều người kính phục, gọi ông là "Ông Lớn Thượng", hay " Đức Thượng Công"... Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông.
Đối với nghệ thuật hát bội miền Nam, nghệ sĩ tôn vinh ông là người bày ra nghi lễ đại bội theo kiểu cung đình đưa vào diễn ở đình làng tri ân Thành hoàng bổn cảnh.
Cả khu lăng mộ này được xây dựng trên một gò đất cao nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Nơi đây rộng 18.501 m², trong công trình kiến trúc của lăng, được xây dựng sớm nhất là phần mộ. Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây.
Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi điện đều có cử người trông nom cẩn thận. Những người trông coi nơi đây đều trên 10 năm, quen thuộc với từng ngóc ngách của không gian thờ.
Bài & ảnh: Băng Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét