Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Có một mối quan hệ rất "dễ thương" là sự khăng khít giữa ẩm thực Nhật và các mùa trong năm

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ Phù Tang sẽ biết ngay khi đoá hoa đào đầu tiên của mùa Xuân nở, hay chiếc lá vàng đầu tiên rời cây là điềm báo hiệu Thu sang. Bởi vì vào cái khoảnh khắc giao mùa ấy, các gia đình Nhật Bản truyền thống sẽ luôn đánh dấu sự chuyển mình này của thiên nhiên bằng các món ăn theo mùa đặc trưng.

Mùa Xuân

Nếu bạn có bao giờ làm khách ở xứ Phù Tang từ khoảng tháng Ba đến giữa tháng Năm, hãy thử đến một nhà hàng truyền thống ở Nhật, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cái cách mà người Nhật đem hơi thở mùa Xuân vào trong từng món ăn. Dù là một nhánh hoa đào tươi vừa mới hái trang trí trên đĩa ăn, hay các hoa văn cùng màu sắc tươi tắn trên những dụng cụ như đũa, thìa, chén… đều nói lên một sự hân hoan khó tả.

Đặc điểm nhận diện món ăn mùa xuân của Nhật là màu hồng và hoa đào.

Ngoài ra, những món ăn mang theo hương vị mùa Xuân Nhật Bản bao gồm cơm nghêu (asari gohan), măng tươi, cải xuân và đặc biệt là các món bánh ngọt làm từ dâu tây cùng cánh hoa anh đào. Hẳn bạn sẽ thích thú khi thấy những món ăn màu hồng "ngự trị" thời điểm này trong năm, bởi đối với người Nhật, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân.

Có một mối quan hệ rất dễ thương là sự khăng  khít giữa ẩm thực Nhật và các mùa trong năm - Ảnh 2.

Mùa Hạ

Ở Nhật, chúng ta biết mùa Hạ đến khi những món như takoyaki, mì soba lạnh hay mì ống tre xuất hiện… bởi lẽ những món này đều là "cư dân thường trú" trong các lễ hội pháo hoa chỉ tổ chức trong khoảng thời gian này (Matsuri).

Mùa Hạ ở Nhật nóng và mưa nhiều, có ý nghĩa lớn với những đứa trẻ và thiếu niên bởi lẽ đây là kì nghỉ dài nhất trong năm của chúng. Mùa Hạ ở Nhật gắn liền với những miền quê, những hiên nhà gỗ nơi người ta nhấm nháp dango cùng trà xanh. Vào mùa này dưa hấu được trồng nhiều, và cùng với nó là hương thơm nồng nàn khi những quả mơ bắt đầu chín mọng. Người Nhật tôn trọng thiên nhiên và thường đón nhận bất kì thứ gì thiên nhiên ban tặng nên bạn sẽ thấy họ ăn dưa hấu và uống nước mơ nhiều một cách "bất thường". Ngoài ra, đây cũng là mùa mà các bà, các mẹ bắt đầu muối mơ để dành đấy.

Có một mối quan hệ rất dễ thương là sự khăng khít giữa ẩm thực Nhật và các  mùa trong năm - Ảnh 4.

Mùa Thu

Vào mùa Thu, người Nhật sống chậm đi khi những chiếc lá vàng bắt đầu thay lá, chuẩn bị cho đợt khí lạnh tràn về. Đây là mùa của quả hồng và các món ăn làm từ hồng, và hẳn là ai cũng biết đến mùa "treo hồng" nổi tiếng rồi. Tuy nhiên, sẽ thật sai sót nếu không nhắc tới cá thu đao khi nói đến mùa Thu Nhật. Khi Thu về, cá thu đao trưởng thành hoàn toàn và đạt đến mức ngon nhất nhờ sự ưu ái của mẹ thiên nhiên. Sở dĩ cá thu đao có cái tên như vậy là vì trong thời gian này, cá tươi và chắc thịt đến mức khi nắm phần đuôi, cả cơ thể con cá đều đứng thẳng sừng sững như một thanh đao vậy. Người ta thường chế biến cá thu đao bằng cách nướng lên, để nguyên phần đầu và ruột. Vị đắng của gan và mật cá được rất nhiều người Nhật yêu thích.

Ngoài ra, bánh dẻo cũng là một món ăn rất "Thu" của người Nhật, hệt như bánh trung Thu ở Việt Nam vậy. Truyền thuyết thỏ giã gạo trên cung trăng làm nên món bánh dẻo Nhật khiến món ăn này nổi tiếng cực kì với trẻ con.

Có một mối quan hệ rất dễ thương là sự khăng khít giữa ẩm thực Nhật và các mùa trong năm - Ảnh 6.

Mùa Đông

Mùa Đông ở Nhật tràn về báo hiệu thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị kết thúc năm để chuẩn bị cho một vòng lặp mới. Ở thời điểm này, người Nhật "trạch" luôn trong nhà và thường thấy ngồi ăn quýt bên chiếc bàn sưởi (kotatsu) nổi tiếng, fan anime chắc cũng chẳng xa lạ với cảnh này đâu nhỉ.

Thời điểm này, các món lẩu được dịp "hợp tình hợp lí" mà thống trị bao tử của người Nhật, nhất là lẩu xiên que (oden) tiện lợi hay lẩu nabe thanh ngọt. Ngoài ra, vào mùa này người ta thường bắt đầu ăn phần mơ muối hồi Hè vừa qua với cơm hay mì udon, bởi lẽ mơ muối có khả năng giải cảm và thông họng hiệu quả.

*Tạm kết:

Văn hoá ăn uống theo mùa không chỉ ở Nhật mới có, nhưng quả thật là chỉ ở Nhật ta mới thấy được sự tinh tế và phân biệt rõ ràng. Người Nhật quý trọng từng khoảnh khắc khác nhau trong năm và mang theo điều đó trong tinh thần ẩm thực, đến mức cho dù khoa học kĩ thuật đã rất phát triển nhưng vẫn hiếm khi nuôi trồng các loại thức ăn trái mùa.

Có thể thấy, người Nhật Bản có một tình yêu sâu sắc mà dịu dàng dành cho thiên nhiên, điều ấy định hình lối tư duy và đời sống tinh thần của dân tộc này, khiến họ trở nên vô cùng nhạy cảm với mỗi chuyển biến dù nhỏ nhặt của thời tiết, cỏ cây. Người Nhật không chống đối lại thiên nhiên mà cố thay đổi cuộc sống của mình theo nó. Điều này thể hiện rõ ràng qua mặt ẩm thực thay đổi theo mùa và cái cách người dân xứ hoa đào ăn uống ở từng thời điểm khác nhau trong năm, cũng là một trong những nét văn hoá độc đáo trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét