Người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng có quan niệm, ngày đầu tiên của năm mới thì nên đón chào những thứ thanh tao ngọt ngào. Trong thực tế, mâm cỗ giao thừa của người dân xứ này thông thường chỉ bao gồm các loại bánh, chè chay ngọt. Vì vậy mà trong dịp đầu năm, những món bánh ngọt truyền thống trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. So với bánh chưng, bánh tét, giò, chả... và các món ăn đa dạng khác của hai miền Bắc - Nam vào Tết Nguyên Đán thì những món bánh ngọt lại là đặc trưng của những người con miền Trung.
Có người còn nói, Tết miền Trung mà thiếu vắng những món bánh ngọt này thì chẳng còn là Tết nữa. Hãy cùng chúng mình khám phá những món bánh ngày Tết cầu kì và đặc sắc, sản phẩm của những đôi bàn tay khéo léo của miền Trung nhé!
Bánh tổ
Bánh tổ xuất hiện sớm nhất cùng với sự hình thành của phố cổ ở Hội An vào thế kỷ 16 -17. Bánh thường hay được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết nên được gọi là bánh Tổ, sau này trở thành một trong số những loại bánh ngày Tết phổ biến miền Trung.
Bánh tổ được làm từ nếp, đường và nước gừng trộn lại rồi mang hấp. Bánh thường được bọc trong lá chuối, có thể để lâu đến nửa tháng. Vào ngày Tết, người miền Trung thường cắt bánh tổ thành những miếng nhỏ và mời khách hoặc nhâm nhi cùng trà như món tráng miệng. Nhiều người sành ăn sẽ lấy bánh đem phơi, khoảng mười ngày nửa tháng lấy ra đem chiên lên ăn vẫn ngon tuyệt vời.
Bánh thuẫn
Đã nhiều năm nay, cứ đến Tết là làng Hiền An thuộc xã Vĩnh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại tất bật với nghề làm bánh thuẫn Tết truyền thống. Bánh thuẫn là món bánh Tết không thể thiếu của người miền Trung. Bánh được làm từ bột củ bình tinh hoặc bột nếp pha tẻ cùng đường và trứng gà.
Trứng gà được đánh tan với đường cát tinh khiết thành hỗn hợp đặc sánh béo ngậy, sau đó thêm bột đã rây mịn. Nhiều nơi bây giờ còn thêm chút bột vani để dậy mùi thơm. Bánh thuẫn còn được gọi là bánh xoài, dù không được làm từ xoài. Có lẽ là do màu vàng ươm hấp dẫn như xoài chín mà người ta gọi như vậy.
Bánh ngũ sắc
Được biết đến với nhiều tên khác nhau như bánh cộ, bánh in, bánh ngũ sắc... song bánh ngũ sắc vẫn được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên "ngũ sắc" ở đây không nói đến bản chất chiếc bánh mà là dùng để chỉ các loại bánh được gói trong giấy kính nhiều màu bắt mắt. Ngày xưa, những chiếc bánh này thường được dùng để tiến vua nên phải có vẻ ngoài đẹp đẽ. Hiện tại, bánh được dùng để cúng tổ tiên và đãi khách vào dịp Tết.
Bánh thực chất là bánh in, được làm từ nhiều loại bột như bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, hạt sen trần... Về cơ bản thì những chiếc bánh này có cách làm tương tự nhau, khác biệt tuỳ khuôn đúc. Loại bánh truyền thống nhất, đồng thời cũng nổi tiếng nhất chính là bánh in đậu xanh có chữ Thọ.
Bánh su sê
Bánh su sê, hay bánh phu thê những tưởng chỉ xuất hiện trong dịp cưới hỏi, nhưng lại khá phổ biến vào ngày Tết ở miền Trung. Bánh khá phổ biến và có mặt ở nhiều nơi, tuy nhiên phiên bản bánh su sê của người Huế lại có điểm rất đặc biệt. Ấy là thay vì được bọc trong giấy vàng, đỏ hay lót lá chuối, bọc lá chuối thì bánh su sê Huế được gói bằng lá dừa trong hình dạng một chiếc hộp nhỏ.
Bánh dai dai, nhân đậu xanh ngọt thanh, lại thơm bùi mùi dừa. Đây cũng là một chiếc bánh phổ biến trong ngày Tết miền Trung.
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh có hình dạng trái cây đẹp đến lung linh này được khá nhiều người biết đến, song hiếm ai biết được những chiếc bánh này có xuất thân "hoàng tộc". Ngày xưa, vật phẩm tiến vua đều phải có ngoại hình bắt mắt xinh đẹp. Cũng như bánh ngũ sắc được nhắc đến ở trên, bánh đậu xanh hình trái cây cũng là một trong số đó.
Bánh đậu xanh trái cây được làm từ đậu xanh và "không liên quan" gì đến trái cây, ngoại trừ vẻ ngoài được tô vẽ tỉ mỉ. Ngày xưa, loại bánh này được mang đi tiến vua và là món ăn vặt tinh tế của các gia đình quyền quý. Sau này, món bánh dần trở nên phổ biến và thường xuất hiện trong các bữa tiệc, lễ lộc, nhất là ngày Tết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét