Bảo tàng sâm Ngọc Linh nằm ở quận Tân Phú, TP.HCM được xây dựng cách đây 2 tháng và đi vào hoạt động từ tháng 12 năm nay.
Để có bộ sưu tập đồ sộ về sâm, ông Nguyễn Tấn Việt, Giám đốc Bảo tàng phải mất 15 năm sưu tầm, gìn giữ. Bảo tàng rộng hơn 250m2, là nơi trưng bày hơn 400 hiện vật về giống sâm quý của Việt Nam.
Nơi đây được chia làm 5 khu vực: Khu vực tài liệu, sách báo về lịch sử hình thành và phát triển của sâm Ngọc Linh, khu vực trưng bày sâm tự nhiên, cổ sâm, sâm trồng, sâm tam thất và những loại củ có tên "sâm".
Ngay lối ra vào bảo tàng là khu vực trưng bày những bài viết, tranh ảnh, sơ đồ phân bố của sâm Ngọc Linh. Loại này phân bố chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam), ở độ cao từ 1.200m đến 2.000m.
Theo tài liệu, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Nó nằm trong 4 loại sâm quý của thế giới (sâm Ngọc Linh, sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Trung Quốc) vì có trong nhóm cấu trúc saponin khung dammaran giá trị cao.
Mỗi củ sâm đều có hình dáng, kích thước và tuổi đời khác nhau. Để phân biệt tuổi sâm, người ta sẽ dựa vào mấu trên củ sâm, mỗi mấu tương đương với 1 tuổi. Củ sâm càng nặng, càng nhiều mấu thì giá trị càng cao.
Khu vực trưng bày sâm tự nhiên nằm giữa bảo tàng, có hàng trăm củ sâm từ vài năm đến hàng chục năm tuổi. Củ sâm 1,3kg được trưng bày trong bảo tàng là củ sâm to nhất ông Việt sở hữu, được nhiều người trả hàng tỷ đồng.
Ngoài sâm tự nhiên, bảo tàng còn trưng bày các loại sâm Ngọc Linh được nhân giống, có tuổi đời dưới 10 năm.
Nguyễn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét