Thời gian qua, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang) đang nổi lên như một trong những điểm đến của các tỉ phú, khi một số đại gia Ấn Độ chọn những địa điểm này làm nơi tổ chức đám cưới cho người thân.
Mới đây nhất, Four Seasons Hotels & Resorts tiết lộ lịch trình chuyến du lịch đắt đỏ nhất thế giới - tiêu tốn hầu bao của khách siêu giàu khoảng 270.000 USD/người (hơn 6 tỷ đồng), dự kiến sẽ được giới thiệu với khách từ tháng 12/2021. Chuyến đi này qua 7 nước: Dubai (UAE), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Seychelles, Tanzania, Rwanda và sau đó quay lại Dubai. Trong đó, Hội An của Việt Nam chính là điểm khám phá đầu tiên của du khách.
Để Việt Nam lọt vào mắt xanh của giới siêu giàu, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch Việt Nam có, thậm chí có một số địa điểm cung cấp dịch vụ đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng chịu chơi.
Đà Nẵng là một ví dụ, so với các điểm đến nổi bật tại Đông Nam Á như Phuket, Thái Lan hay Bali, Indonesia thì Đà Nẵng có nhiều lợi thế cạnh tranh về cảnh quan thiên nhiên, bãi tắm đẹp và hoang sơ hơn.
Về sản phẩm du lịch, hiện Đà Nẵng có những cái tên tiêu biểu như: khu du lịch Bà Nà Hills, Cầu Vàng Đà Nẵng, công viên châu Á, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu phức hợp vui chơi giải trí trong nhà Helio, phố du lịch An Thượng, Đà Nẵng Charming, phố đêm Sơn Trà và hệ thống các bãi tắm công cộng rất nổi tiếng.
Trong khi đó, ở Phú Quốc, hạ tầng du lịch của hòn đảo này đã được cải thiện với hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp để đón giới du lịch đại gia, người giàu... và số khách du lịch đến ngày càng đông.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế khẳng định: "Sản phẩm du lịch, dịch vụ Việt Nam có cả. Việt Nam có những nơi đủ sang trọng, đủ tài nguyên để thu hút khách siêu giàu. Vấn đề là thông tin kết nối, marketing thì chỉ có các công ty tổ chức sự kiện đẳng cấp quốc tế mới làm được.
Đây là cái Việt Nam đang thiếu. Các công ty tổ chức sự kiện đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế rất quan trọng, chúng kết nối thông tin, các nguồn lực, tổ chức các sự kiện quan trọng, đưa khách VIP từ nước ngoài đến.
Việt Nam phải xây dựng được các công ty tổ chức sự kiện đủ mạnh, mang tầm quốc tế, thậm chí cho phép các công ty tổ chức sự kiện quốc tế mở chi nhánh ở Việt Nam hay liên doanh quốc tế, có như vậy mới lôi kéo được khách siêu giàu đến với mình".
Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Trần Văn Anh, Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch (Đại học Quảng Nam) cho rằng, muốn thu hút giới siêu giàu thì hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung phải tốt vì hệ thống tiếp cận càng đạt chất lượng cao, càng an toàn, thuận tiện thì cơ hội đón khách VIP càng lớn.
"Chúng ta có hệ thống di sản ở miền Trung Trung rất tốt nên phải có hệ thống tiếp cận đầy đủ, từ đường bộ đến đường không, đường biển..., kết nối với các điểm du lịch trong khu vực.
Đặc biệt, chất lượng dịch vụ phải đẳng cấp, khác biệt, phải nghiên cứu kỹ tâm lý của các đối tượng có thu nhập cao thì mới thu hút được họ. Muốn có sự khác biệt ấy phải khai thác các đặc trưng giá trị văn hóa và tự nhiên của mỗi vùng miền, khu vực", TS Trần Văn Anh nói.
Dẫn di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam) làm ví dụ, vị trưởng khoa Kinh tế - Du lịch của Đại học Quảng Nam cho biết, Mỹ Sơn có tầm vóc rất lớn nhưng hiện nay chưa được khai thác đúng giá trị, nói cách khác, Mỹ Sơn mới chỉ là điểm tham quan chứ chưa phải điểm đến.
"Hệ thống dịch vụ gia tăng tạo ra sự khác biệt ở Mỹ Sơn gần như chưa có gì. Khách không lưu lại Mỹ Sơn được, dù có khách sạn nhưng dịch vụ còn nghèo nàn, các dịch vụ về đêm hầu như chưa có gì", TS Trần Văn Anh nhận xét.
Hay với Cù Lao Chàm, nơi được gọi là hòn ngọc miền Trung nhưng theo TS Trần Văn Anh, nếu khai thác không theo hướng riêng thì sẽ giống như các hòn đảo khác, bị quá tải như Lý Sơn, Phú Quốc.
Nhìn ra miền Trung, vị chuyên gia cho rằng, nơi nào cũng có dịch vụ, nhưng các dịch vụ tạo ra sự khác biệt giữa các địa phương lại không có.
"Muốn tăng trưởng tiêu dùng du lịch thì phải có sản phẩm, dịch vụ và quan trọng là dịch vụ ấy phải đẳng cấp, khác biệt", TS Trần Văn Anh kết luận.
Theo Thành Luân
Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét