Nguyễn Quang
Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020
Nhà thờ cổ nổi tiếng do gia đình Nam Phương hoàng hậu xây dựng
Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020
Tuyến tàu du lịch biển Cà Mau dự kiến khai trương vào tuần đầu tháng 7/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản "hỏa tốc" về việc mở tuyến tàu du lịch biển Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau ủng hộ đề xuất của Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc (nhà đầu tư) về ngày dự kiến khai trương tuyến du lịch biển là vào 7/7/2020.
Trước mắt, Cà Mau đề nghị nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành quy trình hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận công bố cảng, chấp thuận cho tàu cao tốc hoạt động… hoàn thành trong tháng 6/2020, đảm bảo điều kiện an toàn tuyệt đối trước khi đưa tàu vào khai thác.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý toàn diện điều kiện đảm bảo an toàn giao thông thủy bộ liên quan đến hoạt động của tuyến tàu; chuẩn bị phương tiện vận chuyển khách (taxi, xe máy, ô tô cá nhân…), bến bãi….
Giao UBND huyện Trần Văn Thời (nơi có bến tàu) xây dựng phương án sắp xếp các cơ sở kinh doanh, khu vực chờ đón chở khách tại cảng, quản lý trật tự đô thị và hành lang an toàn giao thông thủy bộ, xử lý vệ sinh môi trường...; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); kết nối các tour, tuyến tham quan đến các điểm khác trong tỉnh...
"Giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thủy bộ và an toàn phòng cháy, chữa cháy liên quan đến hoạt động khai thác tuyến tàu du lịch biển", Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Trước đó, để phát triển ngành Du lịch, tỉnh Cà Mau đã thống nhất chủ trương mở tuyến tàu cao tốc kết nối Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc.
Trước mắt, tỉnh này sẽ mở bến thủy nội địa tạm tại cửa biển Sông Đốc và xúc tiến các thủ tục để xây dựng bến cảng biển hướng bờ Nam Sông Đốc kết nối với quốc lộ 1.
Huỳnh Hải
Khám phá ngôi chùa nghìn tuổi ở Bắc Ninh không có hòm công đức
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 25 km, chùa Tiêu (Từ Sơn, Bắc Ninh) nằm khép mình bên lưng chừng đồi, nhìn xuống phía dưới là dòng sông Tiêu Tương thơ mộng, hiền hòa. Nhìn vào sự dung dị ấy, ít ai biết được rằng ngôi chùa này đã có lịch sử hàng nghìn năm mang đậm nét thuần khiết, rêu phong của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Đặc biệt, du khách hành hương đến chùa Tiêu không chỉ bởi bề dày lịch sử, văn hóa mà còn mong muốn được gặp gỡ, trò chuyện với ni trưởng Thích Đàm Chính – người đã đặt ra những quy định "bất thành văn" dành cho du khách khi đến thăm chùa.
Ngôi chùa "ba không"
"Trăm nghe không bằng mắt thấy", chúng tôi đã quyết định đặt chân đến chùa Tiêu vào một ngày thanh vắng để giải mã được ngọn nguồn những quy định ở đây. Điều khiến chúng tôi ấn tượng đầu tiên ở ngôi chùa này chính là nét cổ kính, nguyên sơ. Không có cổng chào đồ sộ hay tượng phật hoành tráng, chùa Tiêu dung dị trong những dấu tích còn sót lại của một thời xưa cũ với những bức tường phủ đầy rêu phong của thời gian.
Theo như lời của các ni sư ở chùa, sở dĩ chùa Tiêu vẫn còn giữ được những nét cổ kính như vậy một phần là nhờ những điều kiêng kị mà nhà chùa đặt ra đối với du khách thập phương khi đến hành hương, đặc biệt là quy tắc "ba không" mà ai thường xuyên đến đây cũng đều nằm lòng: không đốt vàng mã, không hòm công đức và không dâng sao giải hạn.
Tấm bảng ghi lại những điều cấm kị đối với mỗi du khách khi đến chùa Tiêu |
Ngày nay, hòm công đức là hình ảnh xuất hiện như một lẽ dĩ nhiên ở chốn tâm linh cửa Phật. Tuy nhiên, đồ vật ấy lại không thể tìm thấy được ở chùa Tiêu, điều đó vô tình trở thành điểm độc đáo của ngôi chùa này trong mắt du khách thập phương.
Ni trưởng Thích Đàm Chính cho biết từ khi bà về chùa đã hơn 50 năm nay thì nơi này đã không hề đặt hòm công đức, vì thế, bà cứ theo nếp ấy mà làm. Không chỉ vậy, bà còn yêu cầu các ni sư để ý và nhắc nhở du khách đừng vì chùa không có hòm công đức mà đặt tiền tùy ý lên tay Phật, ban thờ. Nhờ vậy, không gian lễ chùa tại đây trở nên thanh tịnh, trang nghiêm.
"Nhận công đức trước mà không sử dụng nó ngay để kiến tạo chùa thì chẳng khác nào mang nợ. Vậy nên, chỉ khi chùa có dự án lớn cần tu bổ thì mới xin quyên góp của nhân dân. Tiền đã qua tay nhiều người, trải qua nhiều cuộc buôn bán, tranh chấp thì không nên lễ Phật. Ai muốn cúng cho chùa thì ủng hộ ở ban di tích chứ không được đặt tiền lên tay Phật hay chỗ bày hoa, bày quả vì cài tiền xộc xệch sẽ làm mất đi sự trang nghiêm trong cách bài trí của chùa" – Ni trưởng cho biết.
Về chuyện cấm đốt vàng mã, khoảng 10 năm trở lại đây thì đó là điều cấm kị tuyệt đối và nhà chùa cũng khuyên người dân nên bỏ tục này. Bởi lẽ trước đây nhà chùa đã từng cho phép nên có đông người đến đây hóa vàng, làm cho khói bay lên ô nhiễm nơi cửa chùa vốn thanh tịnh, yên ả.
"Nhiều người chỉ mưu cầu lấy vàng giả để đổi lấy vàng thật, chứ không thành tâm hướng Phật. Hơn nữa, giải hạn là phải tự tâm tự sửa, người đến chùa cốt là thành tâm. Nếu thỉnh vong mà giải được kiếp nạn thì người giàu đã không phải chết" – Ni trưởng lý giải về lý do tại sao nhà chùa không tổ chức đốt vàng mã cũng như làm lễ dâng sao giải hạn.
Ngoài quy tắc "ba không" bất di bất dịch trên, chùa Tiêu còn có rất nhiều điều cấm kị nhỏ khác như không được cúng rượu thịt, không tự ý thắp hương, không mặc quần lửng, áo cộc khi lên chùa,… Đặc biệt, ai vi phạm những quy định trên thường được nhắc nhở và xử lí trực tiếp chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu.
Nếu có người mặc trang phục quá ngắn thì sẽ lập tức bị các ni sư hoặc những người làm công quả tại đây nhắc nhở và ngăn không cho lên chùa. Nhà chùa chủ trương nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng kiên quyết với những cá nhân vi phạm với mong muốn tạo nên một không gian lễ chùa thành tâm, văn minh.
Tấm biển nhắc nhở du khách chỉnh đốn trang phục được đặt ngay bên trái lối đi lên khu Tam Bảo ở chùa Tiêu. |
"Khuôn vàng thước mộc"
Hữu duyên đến với chùa Tiêu vào một ngày thanh vắng, bạn sẽ có cơ hội được trò chuyện với trụ trì Thích Đàm Chính – chủ nhân của những luật lệ ở chùa Tiêu. Tiếp xúc với mọi người, ni trưởng không cao đạo, câu nệ mà trò chuyện gần gũi với những lí giải hồn hậu, đi sâu vào lòng người.
Ni trưởng Thích Đàm Chính trò chuyện cùng du khách đến với chùa Tiêu. |
Về chùa từ năm 1967 đến nay đã hơn 50 năm, ni trưởng dành hơn nửa đời mình gắn bó với việc kiến tạo và tu bổ chùa. Khi mọi người tỏ ra ngạc nhiên với những điều kiêng kị mà nhà chùa đặt ra thì bà đáp lại bằng chân ngôn giản dị với nụ cười đen nhánh, ánh mắt sáng: "Có gì đâu mà kì lạ!".
"Đó là những điều mà lẽ ra ai hướng Phật cũng đều nên tránh, chùa đã thực thi điều này rất lâu rồi chứ không phải mới khởi xướng do bất kì những lí do ngoài lề nào cả." Ni trưởng cũng mong mọi người không nên đề cao quá mức những quy định này của chùa, có như vậy thì văn hóa lễ chùa văn minh mới "mưa dầm thấm lâu" như một thói quen vào đời sống tâm hồn người Việt.
Có thể bạn chưa biết, chùa Tiêu Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất nước ta. Theo sách xưa, chùa Tiêu là nơi trụ trì của sư Vạn Hạnh, người có công nuôi dưỡng, giáo dục vị vua anh minh Lý Thái Tổ, lập nên vương triều nhà Lý, khai sáng kinh đô Thăng Long. Đặc biệt, nơi đây lưu lại nhục thân của thiền sư Như Trí, minh chứng của sức mạnh thiền tu vượt qua khỏi vòng luân hồi.
Ngôi chùa nghìn năm tuổi là nơi ni trưởng Thích Đàm Chính ngày ngày vẫn ăn chay, niệm Phật, đọc sách Hán ngữ và nuôi những con mèo nhỏ dưới gốc cây đa xòa bóng ôm trọn khu Tam Bảo của chùa, không bon chen, sân si chuyện lợi danh, tiền bạc. Một con người có những tư tưởng lớn nhưng lại sống một cuộc đời dung dị hiếm thấy. "Khuôn vàng" có thể chỉ cần đo bằng "thước mộc", những thứ lớn lao, phi thường đôi khi vẫn hay ẩn mình trong những điều bé nhỏ…/.
Theo CTV Thanh Tuyền
VOV.VN
Tắm khoả thân, người đàn ông bị đỉa chui vào cậu nhỏ
Trong những ngày hè nóng nực, một người đàn ông người ở gần Phnom Penh, Campuchia đã quyết định làm mát bằng cách trần truồng ngâm mình dưới ao. Tuy nhiên, hành động này đã dẫn tới hậu quả mà anh không lường trước được: Một chú đỉa đã chui qua bộ phận sinh dục của anh để xâm nhập vào cơ thể. Đến đêm, anh ta bị đau dữ dội và phải nhập viện. Các bác sĩ đã phát hiện ra chú đỉa đã bằng cách nào đó, bò lên niệu đạo, vào bàng quang của anh. Nó đã làm tổn thương các cơ quan nội tạng bằng hàm răng sắc nhọn của mình.
Các bác sĩ đã phải sử dụng máy nội soi lưỡng cực để tiêu diệt con đỉa trước khi đưa nó ra ngoài. Quy trình này rất phức tạp vì con đỉa đã sưng to lên nhiều lần sau khi hút đến hơn nửa lít máu từ các cơ quan nội tạng của người đàn ông tội nghiệp. Rất may anh chỉ phải ở lại viện trong một đêm.
Các bác sĩ sau đã phải cảnh báo người dân Cambodia cẩn thận khi bơi lội trong ao vào mùa mưa.
Thảo Nguyên
Theo Mirror
Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020
Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020
Nơi bồi thường 70 triệu đồng cho bất cứ ai tới du lịch bị nhiễm Covid-19
Những người đam mê khám phá lịch sử văn hóa, có kế hoạch tới thăm các thành phố Samarkand, Bukhara và Khiva của Uzbekistan, lại càng có thêm lý do để xách balo lên và đi.
Mới đây, chính phủ tại quốc gia vùng Trung Á này quyết định mở cửa đón khách trở lại, đồng thời tuyên bố sẽ bồi thường cho bất cứ ai khi tới đây và bị nhiễm Covid-19 sẽ nhận khoản tiền 3.000 USD (gần 70 triệu đồng).
Đây là động thái nằm trong chiến dịch "Đảm bảo an toàn cho du khách", được Tổng thống Shavkat Mirziyoyev ký hôm 23/6. Với khoản tiền này sẽ được dùng để chi trả những chi phí chăm sóc y tế nếu du khách không may nhiễm bệnh.
Mặc dù vậy, theo tuyên bố của ông Sophie Ibbotson, đại sứ du lịch của Uzbekistan tại Anh, chính phủ Uzbekistan rất tự tin rằng các biện pháp an toàn và vệ sinh mới được thực hiện nghiêm túc sẽ bảo vệ khách quốc tế an toàn khi tới đây.
Để nhận được khoản bồi thường này, khách quốc tế cần đặt tour có thuê hướng dẫn viên du lịch địa phương. Đồng thời, cơ quan du lịch Uzbekistan hiện đang tiếp nhận đăng ký các doanh nghiệp nhận được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe.
Nếu khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú nào không tuân thủ theo quy định, được phát hiện là nguồn lây nhiễm, họ sẽ phải đứng ra trả tiền cho du khách.
Động thái mới của chính phủ Uzbekistan là cách làm đối lập với Campuchia. Quốc gia vùng Đông Nam Á này mới đưa ra quy định yêu cầu khách quốc tế cần đặt cọc 3.000 USD khi nhập cảnh tại sân bay ở Campuchia. Khoản tiền này sẽ dùng để chi trả các chi phí điều trị và kiểm dịch nếu du khách nhiễm virus.
Uzbekistan, quốc gia nằm kín trong lục địa tại Trung Á, vốn là điểm đến nổi tiếng với các đền đài, lăng tẩm dọc theo "Con đường tơ lụa" - tuyến đường thương mại cổ xưa nhất lịch sử loài người. Bởi vậy, Uzbekistan là nơi giao thoa của rất nhiều nền văn hóa và nghệ thuật.
Đặc biệt vào thời kỳ của đại đế Timur, kiến trúc Hồi giáo ở Uzbekistan đã đạt tới đỉnh cao. Đến nay, nhiều công trình vẫn còn tồn tại, trở thành kiệt tác trường tồn cùng thời gian để người đời sau lưu giữ và chiêm ngưỡng.
Quốc Việt
Theo Destinasian/ News
Điểm du lịch phải kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của du khách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bà Lâm Thị Sang vừa ký ban hành Quy chế phối hợp quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh này.
Theo quy chế, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được công nhận là điểm du lịch phải niêm yết nội quy (tiếng Việt và tiếng Anh), có quy chế hoạt động theo quy định của pháp luật và quy chế.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại điểm du lịch đảm bảo thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định; không được phá vỡ môi trường cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật; không làm ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa dân tộc, tôn giáo.
Nội dung quy chế cũng đưa ra nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức quản lý điểm du lịch; quản lý tài nguyên du lịch (tự nhiên, văn hóa…); quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại điểm du lịch; quy định về hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch; công tác thanh, kiểm tra liên quan đến hoạt động du lịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; việc doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch;…
"Ủy ban nhân dân cấp huyện có biện pháp kiểm soát hoạt động buôn bán hàng rong, phòng chống các hành vi nài ép, tranh giành khách, lừa đảo, giữ xe thu phí vượt quá giá quy định trong hoạt động kinh doanh ở các điểm du lịch", quy chế nêu rõ trách nhiệm.
Yêu cầu các địa phương, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý điểm du lịch tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị, hỗ trợ của khách du lịch trong phạm vi quản lý; bố trí địa điểm thuận tiện và công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, hỗ trợ khách du lịch.
UBND tỉnh cũng giao Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu vận động các điểm du lịch tích cực tham gia các sự kiện, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nhất là các điểm có sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn để thu hút du khách đến với Bạc Liêu.
Được biết, hiện nay tỉnh Bạc Liêu là địa phương có nhiều điểm du lịch được công nhận tiêu biểu nhất khu vực ĐBSCL (9 điểm), gồm: Nhà "Công tử Bạc Liêu", Quán Âm Phật Đài, Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Hùng Vương, Khu sinh thái Hồ Nam, Bãi tắm nhân tạo khu du lịch Nhà Mát, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khách sạn Bạc Liêu, Điện gió Bạc Liêu.
Huỳnh Hải
Những quốc gia mở cửa du lịch trong tháng 7, trong đó có Việt Nam
Mặc dù các chuyến đi không thiết yếu chưa được khuyến khích ở nhiều nước do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng một số quốc gia được đánh giá là kiểm soát khá tốt dịch bệnh tiếp tục thông báo kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch trong tháng 7, song song với các quy định phòng chống dịch bệnh tiếp tục được thực thi.
1. Việt Nam
Việt Nam là quốc gia được quốc tế ca ngợi vì hành động mau lẹ và cương quyết nên đã kiềm chế hiệu quả Covid-19. Việt Nam đang dần mở cửa cho du lịch nội địa và có kế hoạch bắt đầu cấp visa điện tử cho du khách đến từ 80 quốc gia trên thế giới từ 1/7.
2. Maldives
Bộ Du lịch Maldives cho biết sẽ khởi động lại lĩnh vực du lịch vốn được coi như "con gà đẻ trứng vàng" cho quốc đảo này từ ngày 15/7.
3. Dubai
Dubai là thành phố, đồng thời cũng là 1 trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thuộc vùng tây nam Á của châu Á. Chính phủ Dubai dự kiến cho phép tiếp nhận du khách từ ngày 7/7.
4. Ai Cập
Theo Reuters, các chuyến bay quốc tế tới Ai Cập dự kiến được nối lại từ ngày 1/7 nhưng chỉ tới một số điểm đến ven biển. Du khách nước ngoài vẫn bị giới hạn tại các resort ở phía nam Sinai, tỉnh Biển Đỏ và Marsa Matrouh.
5. Malta
Quốc đảo Malta nằm trong danh sách "các điểm đến an toàn nhất châu Âu về du lịch sau đại dịch". Sân bay quốc tế Malta sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/7, nhưng chỉ tiếp nhận du khách từ một số quốc gia. Các hạn chế với tất cả các điểm đến khác sẽ được dỡ bỏ từ ngày 15/7.
6. Polynesia thuộc Pháp
Polynesia là khu vực hải ngoại của Pháp bao gồm hơn 100 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, sẽ chào đón du khách trở lại từ 15/7 nhưng bước đầu chỉ tiếp nhận du khách từ châu Âu và Mỹ.
7. Georgia (Gruzia)
Quốc gia thuộc vùng Kavkaz, nằm ở khu vực "ngã ba" Tây Á và Đông Âu này sẽ mở cửa trở lại đón du khách quốc tế từ 1/7 với khẩu hiệu "Georgia - Điểm đến an toàn".
8. Bahamas
Bahamas nằm ở Đại Tây Dương, phía đông nước Mỹ. Bahamas có động thái được coi như "giới thiệu giấy chứng nhận sức khoẻ du lịch" và thông báo mở cửa đón du khách trở lại vào ngày 1/7.
9. Bermuda
Bermuda là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở bắc Đại Tây Dương, có kế hoạch đón du khách quốc tế từ 1/7.
10. Cộng hoà Doninicana
Quốc đảo này dự kiến đón du khách quốc tế trở lại từ 1/7. Khoảng 1/2 khách sạn cũng mở cửa lại vào thời điểm đó, số còn lại tiếp tục mở cửa trong tháng 11 tới.
Saint Vincent và Grenadines (quốc đảo ở vùng biển Carribea) có kế hoạch đón du khách từ tất cả các nước khác tới từ 1/7.
Puerto Rico (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ) đã thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn, với đỉnh điểm là cho phép tiếp nhận du khách từ 15/7,
Turks và Caicos (lãnh thổ hải ngoại của Anh, là quần đảo được tạo thành từ 40 đảo san hô) sẽ chào đón du khách trở lại từ 22/7.
Linh Lê
Theo Insider