Chiều 5/6, tại TP Hội An đã diễn ra buổi tọa đàm "Kích cầu du lịch nhìn từ thực tiễn Hội An", do tạp chí TheLeader phối hợp với Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức, với sự góp mặt của các doanh nghiệp du lịch tại Hội An và những người tâm huyết với Di sản Hội An.
Buổi tọa đàm với mục đích để các doanh nghiệp, người làm du lịch ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp, hiến kế phục hồi du lịch Hội An hậu Covid-19; đồng thời chia sẻ các hướng đi mới hiệu quả và đột phá cho du lịch Hội An theo hướng nông nghiệp bền vững, sinh thái, văn hóa, chữa bệnh, MICE… và chiến lược truyền thông để mỗi người dân, mỗi chính khách, mỗi doanh nghiệp trở thành đại sứ du lịch của Hội An.
Kích cầu không chỉ là giảm giá
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, việc đưa ra các gói kích cầu nhằm tạo bong bóng du lịch, phát triển và phục hồi dần ngành du lịch địa phương. Việc đề xuất giảm giá hay ưu đãi cho khách cần phù hợp, hiện nay có một thực trạng là các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đang có một "cuộc chiến" về giá phòng, ưu đãi, cạnh tranh gây mất cân bằng.
Đây là "thời điểm vàng" để nhìn lại, tái thiết ngành du lịch Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng đang còn nhiều bất cập. Cần chiến lược ngắn hạn hoặc dài hạn để phát triển khách nội địa, nhưng cũng phải giữ được bản sắc văn hóa vốn có, đừng để thị trường chi phối.
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư thành ủy Hội An – cho rằng cần xác định rõ chiến thuật cho du lịch Hội An từ nay đến năm 2021, hoặc có thể dài hạn hơn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Thời gian Hội An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông đã có chuyến thăm Cù Lao Chàm và dù không có du lịch họ vẫn sống khỏe, đánh bắt cá duy trì cuộc sống. Ôn Sự cho rằng tại sao chúng ta không làm du lịch gắn với tự nhiên, đừng tách khỏi nó mà nên gắn bó, thuận theo, đây là vấn đề chúng ta lâu nay chưa thực sự quan tâm.
"Khách đi du lịch không phải là nằm trong phòng ngủ rồi về, mà họ cần sản phẩm, sự kiện, điểm đến du lịch đặc sắc, mới lạ để níu chân. Hội An có đầy đủ văn hóa, thiên nhiên, biển, núi… để du khách trải nghiệm, khám phá. Việc hiện nay là cần sản phẩm độc, lạ, mới mẻ để họ cảm thấy Hội An là nơi đáng đến. Giảm giá phòng, tour, ưu đãi chỉ là một phần, vì nó hiện nay đang được thực hiện đại trà trên cả nước, chúng ta cần là nét riêng, ấn tượng, đặc sắc chỉ có tại Hội An để du khách chọn ta", ông Sự chia sẻ.
Theo ông Sự, để kích cầu thì cần có chính sách cụ thể, đặc biệt là vấn đề giảm thuế để người dân mạnh dạn mở cửa. Thực tế hiện nay, nhiều cửa hàng, homestay hay hộ kinh doanh du lịch nhỏ lẻ rất ngại mở cửa, vì hoạt động trở lại thì có khách hay không là một vấn đề, nhưng hễ cứ mở là bị đánh thuế thì ai dám mở cửa trở lại.
Hội An không chỉ có khách sạn mà còn các hộ kinh doanh cá thể, người bán hàng rong, xích lô… đều là người làm du lịch. Du lịch là cần sự liên kết từ cơ quan nhà nước, hãng hàng không, công ty vận chuyển, doanh nghiệp du lịch… cần bắt tay nhau để vượt qua khó khăn. Trong đó cơ quan nhà nước chính là đầu tàu dẫn dắt, là "nhạc trưởng" để cùng ngành du lịch "vượt bão".
"Hiện nay người bán hàng rong trong phố cổ rất đông, họ chính là các nhân viên nhà hàng, khách sạn… bị mất việc, thậm chí có bạn làm bếp bình thường lương tháng hơn 20 triệu nhưng giờ phải đi phụ hồ. Chúng ta cần làm hiện nay là thu hút được khách du lịch, tạo việc làm để người lao động không quên nghề, hay thậm chí sẽ bỏ nghề sau này. Cần bắt tay nhau trụ vững để không đổ vỡ trong khó khăn hiện nay, phải nhẫn nại để chờ ngày phục hồi trở lại", ông Sự nói.
Các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến cần có chính sách, lộ trình dài hạn và ngắn hạn cụ thể, phù hợp. Cơ quan nhà nước cần là người đầu tàu, dẫn dắt để các doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành…. tạo sự liên kết, đồng bộ tạo sự hiệu quả, thực hiện tốt các chính sách, chương trình kích cầu đã đề ra.
Ông Võ Phùng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An nêu quan điểm, nếu muốn thu hút du khách thì ta cần "dọn nhà" và chuẩn bị sẵn "món ăn" để phục vụ họ chứ không phải chỉ mời khơi khơi, rồi để họ đến lại chán chường bỏ về. "Dọn nhà" đây là phải sắp xếp lại cảnh quan, bố trí môi trường thân thiện, an toàn… Cần có sản phẩm mới, lạ, độc đáo và tạo sự khác biệt cho Hội An để du khách có ấn tượng đến và sẽ quay lại.
"Du lịch không chỉ là các doanh nghiệp, khách sạn, lữ hành mà còn phải dựa vào cộng đồng dân cư, tạo một không khí du lịch mới để thu hút khách, trong đó cơ quan nhà nước cần dẫn dắt, đưa ra các quyết sách chuẩn xác, đúng thời điểm, phù hợp", ông Phùng chia sẻ.
Công Bính – Ngô Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét