Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Những công trình “thế kỷ” hấp dẫn du khách ở Mũi Cà Mau

Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh là điểm nhấn của tuyến đường Hồ Chí Minh (bắt đầu từ Pác Pó, tỉnh Cao Bằng, trải qua 28 tỉnh, thành đến điểm cuối tại Đất Mũi Cà Mau) với diện tích 11.000m2, được khởi công ngày 15/2/2017 và hoàn thành ngày 15/3/2019. Công trình có 3 điểm chính gồm: 1 trụ giữa cao 19m và điêu khắc dòng chữ Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh và Km 2436, cùng 2 bức phù điêu 2 bên. Bên phải trụ cao là bức phù điêu diễn tả hình ảnh chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của người dân Cà Mau. Bên trái trụ cao là bức phù điêu diễn tả cảnh xây dựng và phát triển của người dân Cà Mau. Chất liệu làm 2 bức phù điêu và cột trụ là bằng gốm mang từ miền Bắc vào xây dựng.

Ngày 10/7/2012, bờ kè được thi công theo dự án khẩn cấp xây dựng kè chống sạt lở Mũi Cà Mau, với kết cấu kỹ thuật đóng 2 hàng cột bê tông ly tâm chạy dài song song và cách nhau 1,5m, sau đó thả đá vào giữa, vừa hạn chế sóng biển đánh sạt lở, vừa hình thành bãi ngầm để cây mấm, cây đước bám rễ phát triển, tạo nên rừng phòng hộ Mũi Cà Mau. Hiện nay bờ kè dài khoảng 3km bao quanh một phần của mũi nhọn Mũi Cà Mau. Tại đây, du khách có thể nhìn thẳng về phía Nam, bên phải là hướng Biển Tây (Vịnh Thái Lan), bên trái là biển Đông. Và cũng tại điểm này là nơi có thể ngắm mặt trời mọc lên từ biển Đông và lặn ở biển Tây. 

Khu vực Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ có tổng diện tích 1.758m2, được khởi công xây dựng từ ngày 11/6/2019 tại khu I - Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau. Đền thờ có diện tích 149m2, xây dựng bằng gỗ cẩm, gồm 3 gian, 2 chái. Cửa võng có hai câu đối: "Chí lớn tình xa nghĩa lĩnh chia tay xuân hạ hai ngàn sông núi mới; Ơn sâu nghĩa nặng Cà Mau họp mặt cháu con trăm vạn vợ chồng xưa". Trên mái đền chạm khắc 10 con rồng thời nhà Trần. 50 bài vị trên bàn thờ tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển. Tượng Lạc Long Quân làm bằng đồng xuất xứ làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), bên ngoài có dát vàng, bạc. Tượng Mẹ cao 6m, bên cạnh những đứa con là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp của người Mẹ và câu chuyện lịch sử nguồn gốc "con Rồng cháu Tiên" của người Việt.

"Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau". Hình tượng con tàu và cánh buồm căng gió hướng ra biển khơi như 2 câu thơ Xuân Diệu đã viết về Cà Mau năm 1960 được đưa vào phục vụ từ ngày 27/4/2003. Trên cánh buồm có dòng chữ "Mũi Cà Mau", toạ độ: 8o37'30" Vĩ Độ Bắc, 104o43′ Kinh Độ Đông. Đến nơi đây, quý du khách đều có chung một nỗi bồi hồi, xúc động vì đã đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng cực Nam của Tổ quốc Việt Nam.

Mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 được xác định vào tháng 1/1995 và được thiết kế, xây dựng đẹp, kiên cố. Mũi Cà Mau với mốc tọa độ Quốc gia là địa chỉ đỏ, là vùng đất thiêng liêng mà người Việt Nam nào cũng mong muốn ít nhất một lần được đặt chân đến. Đây còn là 1 trong 4 điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Xung quanh khuôn viên nhiều cây xanh do các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tham quan và làm việc tại Mũi Cà Mau trồng lưu niệm.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được khởi công xây dựng ngày 16/1/2016. Tổng diện tích hơn 16.000m2 và có chiều cao 45m, được xây dựng kiên cố, gồm 3 tầng đế và thân cột cờ (trong đó tầng 1 cao 4m, kích thước mỗi chiều 45m; tầng 2 cao 4,4m, kích thước mỗi chiều 28,2m; tầng 3 cao 6m, kích thước mỗ chiều 15m; tháp cột cờ cao 25,2m, hình bát giác côn; trên đỉnh là lầu bát giác cao 3,9m, diện tích 39m2; tầng mái lầu bát giác cao 1,5m). Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên. Trên tầng 3 là thân cột cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, trụ hình thang xoáy trôn ốc được rọi sáng (và thông hơi) bằng ô cửa sổ hình hoa thị và hình rẻ quạt. Nhìn tổng thể cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, cao thót dần từ dưới lên trên. Khi lên những tầng cao có thể ngắm toàn cảnh quan tại rừng ngặp mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối giữa biển Đông và bãi bồi biển Tây. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội được nghiên cứu thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, được xây dựng kiên cố hiện đại có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của biển. Công trình có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài để phục vụ khách tham quan du lịch, khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử,...

Biểu tượng con cua Cà Mau được khởi công xây dựng từ ngày 9/7/2019 bằng chất liệu composite với độ bền cao, phù hợp với điều kiện thời tiết vùng Đất Mũi. Con cua có kích thước 5m x 2,8m x 1,72m. Đây được xem là món ngon nức tiếng gần xa không chỉ bởi thịt chắc và gạch ngon mà còn hấp dẫn người thưởng thức bởi hương vị mặn mà của miền đất mũi cực Nam của Tổ quốc. Có 2 loại cua chính là cua thịt và cua gạch. Cua thịt bao gồm cả cua đực và cua cái, đây là loại cua có đầy thịt trong thân càng và các chi. Cua thịt ngon là loại thịt phải chắc, cua nặng, khỏe, thịt thơm ngọt khi chế biến. Riêng đối với cua gạch Cà Mau là những con cái trưởng thành, gạch đều đầy 2 bên mai cua. Cua đầy gạch chính là thời điểm sẵn sàng cho kỳ sinh sản. Thịt cua gạch ngon không kém cua thịt, ngoài ra còn thêm giá trị dinh dưỡng trong gạch cua nên cua gạch thường có giá bán đắt hơn cua thịt. Cua được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, như: Cua rang me, lẩu cua, cua rang muối, cua luộc chấm muối tiêu, cua hấp muối hột, cua nướng mọi, cua lùi tro… 

Huỳnh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét