"Không nên đợi thế giới hết dịch mới triển khai các hoạt động du lịch"
Mới đây, nhiều hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để bay thương mại đến các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dự kiến từ 1/7.
Các chuyến bay quốc tế sẽ được nối lại đến các thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, một số nước Đông Nam Á... với tần suất từ 3-7 chuyến/ tuần, tùy đường bay.
Các đường bay quốc tế trước mắt được tính tới chủ yếu dành cho các đoàn chuyên gia nước ngoài và người lao động chất lượng cao.
Dù vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp lữ hành cũng đã lên phương án, chuẩn bị các sản phẩm du lịch sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid-19.
Ông Phùng Xuân Thắng, Giám đốc Hanoitourist cho rằng, không nên đợi thế giới công bố hết dịch mới triển khai các hoạt động du lịch, bởi khi đó đã quá muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đương nhiên, khi kết nối lại thì phải nghiên cứu để đảm bảo an toàn cho du khách, đây là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
"Thị trường nào an toàn, kiểm soát dịch bệnh tốt thì chúng ta kết nối lại. Ví dụ như thời gian vừa qua, khi lệnh giãn cách xã hội được xóa bỏ thì chúng ta lập tức có giải pháp phục hồi du lịch nội địa, kích cầu rất tốt. Thị trường khách quốc tế đưa vào khai thác cũng vậy, chúng ta làm từng bước 1, không làm ồ ạt mà tìm các giải pháp phù hợp, an toàn.
Đơn cử như mở đường bay tại Hồng Kông, Đài Loan hay một số nước khác nhưng không có nghĩa là kết nối tất cả đường bay đến quốc gia đó mà chỉ chọn các điểm, khu vực đã an toàn ở các nước này rồi mới triển khai. Ngay cả việc đưa khách đến địa điểm nào du lịch ở Việt Nam nếu có cũng phải cân nhắc", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours cũng cho rằng, việc mở đường bay quốc tế không có nghĩa là sẽ đón được khách quốc tế ngay lập tức mà còn phụ thuộc vào việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Quan trọng nhất lúc này vẫn là an toàn: an toàn cho quốc gia, an toàn cho cộng đồng và an toàn cho du khách. Đón khách, mở đường bay thì vẫn phải đảm bảo phòng dịch. Vì thế, việc này "không thể sốt ruột" mà cần làm từng bước một.
Trong đó, theo ông Hoan có thể nghiên cứu đón khách theo vùng, các địa điểm đến đã an toàn, kiểm soát dịch tốt. Ngoài ra, cũng cần có các sản phẩm phù hợp bởi sau dịch Covid-19, thói quen du lịch của du khách cũng có nhiều thay đổi.
Sau dịch Covid-19 sẽ là cuộc cạnh tranh du lịch "khốc liệt"
Chia sẻ về các phương án đón khách quốc tế vào Việt Nam hậu Covid-19, bên lề Chương trình Kích cầu Du Lịch Tây Bắc, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Tổng cục du lịch đã có một kế hoạch dài hơi cho việc chọn thị trường đón khách như nào, hoạt động ra sao, thị trường nào mở trước, thị trường nào mở sau để đảm bảo an toàn.
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đường bay quốc tế được mở lại, Tổng cục du lịch sẽ triển khai một loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách đến.
"Nhiệm vụ trước mắt của ngành du lịch là tập trung khôi phục thị trường du lịch nội địa nhưng cũng phải tính ngay đến phương án mở các thị trường quốc tế để thu hút khách du lịch.
Sau dịch Covid-19 thì những nước xung quanh cũng sẽ mở thị trường quốc tế để đón khách, vực dậy nền kinh tế nên đây sẽ là cuộc cạnh tranh, chạy đua "khốc liệt". Ngành du lịch Việt Nam cũng đã lường trước được những khó khăn này. Chúng tôi đã có những kế hoạch để sẵn sàng thu hút khách đến nhưng vẫn ưu tiên việc đảm bảo an toàn lên hàng đầu", bà Hương nhấn mạnh.
Trước đó, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, cần có một quy trình và một bộ thủ tục để mở cửa thị trường. Bộ thủ tục này có thể là các thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện.
Các thoả thuận cần đi trước một bước hoặc ít nhất là ngang bằng về thời điểm với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Bộ thủ tục đó bao gồm: mở lại các đường bay và đảm bảo rằng chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (cần thiết có thể cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ); miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế; đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi,...
TAB kiến nghị nên bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng nhất và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất, đó là các nước ở châu Á (khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... ) và Úc, New Zealand.
Để chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại, Việt Nam cần sớm quảng bá xúc tiến hình ảnh, định vị một Việt Nam "Thiên đường an toàn", nêu rõ những kỳ tích mà Việt Nam đã đạt được trong việc kiểm soát và chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại đường bay, đón khách quốc tế thì theo Tổng cục Du lịch từ nay đến cuối năm 2020, du lịch có thể đón thêm từ 5-6 triệu lượt khách. Dù vậy mục tiêu đón trên 20 triệu lượt khách trong năm nay của ngành du lịch sẽ khó đạt được như kỳ vọng do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh từ đầu năm.
Hà Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét