Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/6 đến hết ngày 10/8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ giảm 30% mức phí tham quan đối với các đoàn tour du lịch đến tham quan di sản (đã liên hệ với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ); giảm 50% mức phí tham quan di sản đối với khách nội địa (trong tỉnh).
Mức giảm giá vé sẽ được áp dụng với cả vé dành cho người lớn và trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là chương trình được thực hiện nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19.
Để phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã có sự chuẩn bị chu đáo từ công tác bảo vệ, sắp xếp hợp lý các phòng trưng bày, các hiện vật, bố trí hướng dẫn viên thuyết minh, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, bố trí bãi để xe ô tô hợp lý, dịch vụ giải khát, giới thiệu các đặc sản sản vật địa phương phục vụ nhu cầu du khách.
Đồng thời, để tăng diện phủ rộng bóng mát cũng như tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp - văn minh cho di sản, Trung tâm đã trồng bổ sung hơn 40 cây xanh trong khu vực di sản, tạo hệ thống không gian xanh thân thiện, đẹp mắt.
Trong tháng 6, đơn vị sẽ lắp đặt bổ sung và thay mới biển bảng chỉ dẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế, cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định tại các điểm tham quan chính của di sản.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).
Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của tổ chức UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại.
Đây là sự ghi nhận cho những nét đặc sắc mang tầm vóc và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, là niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Thanh mà đó là sự minh chứng cho trình độ văn minh của người Việt đã phát triển từ rất sớm.
Duy Tuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét