Dự hội nghị có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Thiệt hại quá lớn do dịch Covid-19
Theo Tổng cục Du lịch, dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động, kết quả của ngành.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách du lịch trong nước cũng giảm hơn 58%, khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước phải dừng hoạt động, gần 65% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị sụt giảm doanh thu trên 70%.
Nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương, công suất sử dụng phòng tính trung bình tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% công suất, chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu từ du lịch chỉ đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47%.
Theo dự tính, nếu tình hình cho phép đón khách quốc tế trở lại sớm ngay trong quý III tới, thì cũng chỉ có thể đạt khoảng từ sáu đến tám triệu lượt khách trong năm so với hơn 18 triệu lượt khách trong năm 2019.
Tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các nhóm doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp làm du lịch các tỉnh phía Bắc đã báo cáo những hậu quả, khó khăn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa bàn và của đơn vị mình. Theo đó, sẽ phải mất một thời gian dài để ngành du lịch nói chung và hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng trở lại trước đại dịch Covid-19.
Không ngồi chờ… hồi phục
Từ những yếu tố trên, tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện các địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã bàn các giải pháp để sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói này.
Theo các đại biểu tham gia hội nghị, dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại rất lớn, nhưng nó cũng mở ra những xu hướng mới cần địa phương, doanh nghiệp chuyển động để thích ứng. Trong đó, an toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thảo luận ưu tiên trước mắt với các loại hình du lịch thích ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu.
Các doanh nghiệp khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ ưu tiên thị trường nội địa, tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á sau khi quy định về phòng chống dịch được nới lỏng.
Để thị trường du lịch sôi động trở lại, địa phương, doanh nghiệp cần thay đổi lại cơ cấu thị trường khách. Theo đó các địa phương, doanh nghiệp cần chuyển các sản phẩm phục vụ khách quốc tế sang phục vụ khách nội địa, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch với mức giá hợp lý để thu hút khách trở lại sau dịch Covid-19. Việc dịch chuyển này cần hợp với xu hướng lựa chọn các điểm đến hiện nay của khách là gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân.
Ngoài ra cần phải có các phương án kích cầu du lịch như: Quảng bá các điểm đến trên phương tiện truyền thông; giảm giá vé tham quan để thu hút khách trở lại sau dịch Covid-19; tập trung các điểm đến hấp dẫn; tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.
Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung đánh giá cao các thảo luận, đóng góp ý kiến của các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Ông Chung đề nghị các doanh nghiệp xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh và thân thiện; tái cơ cấu sản phẩm du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với người dân.
Văn Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét