Bloomberg News dẫn trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn nêu rõ:
Đại dịch gây nhiều hệ luỵ với kinh tế - xã hội nói chung, nhưng mặt khác cũng có thể coi như dịp để ngành du lịch thiết lập lại lĩnh vực vốn đã trở nên phụ thuộc nhiều vào các nhóm lớn du khách Trung Quốc hoặc du khách ba lô.
Thay vì nỗ lực thu hút dòng du khách đại chúng đi du lịch theo số đông, chiến lược phục hồi du lịch của Bangkok sẽ ưu tiên hướng tới những du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền để có được sự riêng tư và đảm bảo quy định giãn cách xã hội, do mối đe doạ Covid-19 vẫn hiện hữu.
Cụ thể, bước đầu Chính phủ Thái Lan sẽ cho phép đón một số lượng nhỏ khách đến, ví dụ như một số sếp doanh nghiệp và du khách đi nghỉ kết hợp chữa bệnh. Chính phủ cũng đang làm việc với ngành du lịch để xác định và mời những người thuộc diện "đối tượng mục tiêu", có thể sẽ bao gồm cả số du khách trước đây từng tới nghỉ tại những resort sang trọng trên các đảo Phuket và Phi Phi. Đặc biệt Phuket được coi là hình mẫu thử nghiệm vì hội tụ đủ các điều kiện cần thiết.
Số du khách "tiên phong" này có thể phải đảm bảo vượt qua thủ tục xét nghiệm Covid-19 trước khi rời đi và tại điểm đến. Đồng thời chỉ chọn một điểm đến duy nhất và lưu lại trong một khoảng thời gian tối thiểu là 14 ngày. Sau đó du khách "cấp cao" sẽ có thể tới những điểm du lịch khác tại Thái Lan hoặc về nước.
Thái Lan có kế hoạch thu hút những du khách "cấp cao" có thể vào thời điểm mùa Đông - từ tháng 11 năm nay tới tháng 2 năm sau, khi các du khách châu Âu và Mỹ tìm đến những vùng có khí hậu ấm áp hơn.
Mỗi du khách "cấp cao" có thể dễ dàng chi tiêu bằng 5 người khác, bằng cách lưu lại tại những khách sạn resort tốt nhất, đắt giá nhất. Còn du lịch theo kiểu đám đông "miễn phí" đã là "chuyện quá khứ" - ông Phiphat nhấn mạnh.
Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất đang nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi: khi nào và bằng cách nào mở cửa trở lại đón du khách quốc tế. Mà ở hầu khắp các nước Đông Nam Á, hệ thống khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp lữ hành cũng đang gia tăng mọi sáng kiến, biện pháp phục hồi du lịch sau khi các quy định hạn chế đi lại được nới lỏng.
Mới đây có tin Thái Lan dự định sẽ sớm thông qua "bong bóng du lịch" (là phương án mở cửa biên giới nhằm tạo ra "hành lang du lịch" giữa 2 nước. Theo đó, công dân hai nước sẽ được đi lại qua biên giới của nhau, với thời gian cách ly tối thiểu hoặc không cần cách ly nếu người đó đến từ vùng đã kiểm soát được dịch bệnh) với một số quốc gia khác như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Nhưng theo ông Phiphat, số ít cái gọi là "hiệp ước bong bóng du lịch" đầu tiên giữa Thái Lan với các quốc gia khác có thể chưa thành hiện thực ít nhất là cho tới tháng 8. Thái Lan cũng đang cân nhắc một chương trình tiếp nhận du khách đến từ những tỉnh và thành phố cụ thể của Trung Quốc.
Còn hiện tại Thái Lan vẫn "đóng cửa" biên giới với du lịch cho tới ngày 30/6, ngoại trừ những chuyến đi thiết yếu. Trong khi hầu hết quy định hạn chế với du lịch nội địa đã được dỡ bỏ hồi đầu tháng 6 này.
Thái Lan đã đề ra mục tiêu đón 10 triệu du khách quốc tế năm 2020 - mức này chỉ bằng 1/4 so với năm 2019. Tổng doanh thu du lịch được dự báo là 1,23 ngàn tỷ Baht (39,6 tỷ USD), giảm 59% so với năm trước. Như vậy, ngành du lịch sẽ chiếm khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020, giảm 18% so với năm 2019.
Theo dự đoán, nền kinh tế Thái Lan năm nay suy giảm khoảng 6%. Chính phủ hiện đang triển khai gói kích thích trị giá 15% GDP, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Thái Lan coi thời gian tạm lắng do Covid-19 cũng là dịp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại với ngành du lịch từ trước đại dịch, nhất là tình trạng gây hại tới môi trường và quá tải du khách tại một số bãi biển, đền, chùa...
"Nếu chúng tôi không nắm bắt dịp này để tạo ra nhiều lợi ích nhất cho ngành du lịch thì Thái Lan sẽ mất cơ hội. Đây là thời cơ để thiết lập lại toàn bộ hệ thống du lịch" - Ông Phiphat khẳng định.
Linh Lê
Theo Bangkok Post Bloomber
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét