Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Khám phá thác nước tuyệt đẹp còn “ngủ yên” ở Hà Tĩnh

Thác Vũ Môn có độ cao 1.155 mét so với mặt nước biển, thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thác có 5 tầng, mỗi tầng dài khoảng 50m, chiều rộng các tầng khoảng 25m. Vào các ngày đẹp trời có thể nhìn thấy thác từ khoảng cách hơn 15km.

Thác Vũ Môn gắn với truyền thuyết "Cá chép hóa rồng" và là địa danh được nhiều người mong muốn tìm đến khám phá. Dù có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên, vì điều kiện chưa cho phép, nên đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa khai thác được ngọn thác vốn được người Pháp đánh giá cùng với Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) là một trong 3 địa danh có khí hậu ôn đới đạt tiêu chuẩn du lịch.

Đó cũng là lí do, trong 2 ngày 20 và 21/6, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh dẫn đầu với sự tham gia của đại diện nhiều sở ngành của tỉnh cùng một số doanh nghiệp đã tới khảo sát thực địa tại thác Vũ Môn nhằm thu thập thông tin để tiến hành xúc tiến đầu tư du lịch tại khu vực này.

Hơn 6h sáng ngày 20/6, bắt đầu từ Đồn Biên phòng Phú Gia, cả đoàn ngồi lên những chiếc xe công nông đi con đường lởm chởm đá. Chiếc xe nhiều đoạn liên tục lắc lư như muốn hất tung người lên không trung. 

Chừng một giờ đồng hồ sau đó, những chiếc xe công nông đưa đoàn khám phá đến đầu con suối lớn. Một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra trước khi đoàn người tiến hành cuộc leo núi cả  ngày đường. Theo lời người dẫn đường, có con đường ngắn hơn để lên tới thác mất chừng 4 giờ đi bộ, nhưng dốc thẳng đứng, vách đá cheo leo, nguy hiểm. Đoàn người thống nhất đành chọn con đường đi vòng qua núi với độ dài gấp đôi để đảm bảo độ an toàn.

Ngoài cái nắng chói chang phả xuống, thì trên con đường mòn ngược lên thác nước, nhiều đoạn ẩm ướt, trơn trượt, đá già lô nhô, đặc biệt vắt, muỗi đeo bám là những rào cản khiến bất cứ thành viên đoàn nào cũng phải đeo tất, đi giày cẩn thận.

Sau 2 tiếng cuốc bộ băng qua hơn chục con suối lớn nhỏ, đường dốc, nhiều thành viên đoàn đã buộc phải dừng lại để nghỉ ngơi, lấy sức.

Đường đi ban đầu còn có lối mòn, nhưng càng đi vào sâu, đường là do những người dẫn đường mở, họ chặt cây, vừa đi vừa bẻ cành làm dấu cho người phía sau. Đến lúc này, nhiều thành viên đoàn chẳng còn ai có thể định vị nổi, chỉ biết tiến về phía trước.

Hết lên dốc lại xuống dốc, có những đoạn dốc thẳng đứng, cả đoàn người như... trèo lên cổng trời.

Trong khi đường lên thác vẫn là một ẩn số, có thành viên tưởng chừng bỏ cuộc. Chỉ có quyết tâm làm một điều gì đó đặc biệt cho ngọn thác huyền bí mới có thể khiến họ tiếp tục tiến lên phía trước. 

Thực phẩm mang theo hành trình của chuyến đi là cơm trắng và thịt luộc

Mỗi đoạn đường, ngước lên thấy thấp thoáng từ xa bóng thác hiện ra, khi thì như làn khói sừng sững giữa trời xanh, lúc lại như dải lụa trắng mềm vắt qua ngọn núi. Các thành viên tự nhủ lòng và động viên nhau cùng quyết tâm chinh phục ngọn thác huyền thoại.

Càng lên cao dốc núi càng dựng đứng, nhiều thành viên chỉ cuốc bộ chừng vài chục mét rồi lại nghỉ lấy sức để tiếp tục hành trình.

 Sau hơn 7 giờ đi bộ, đúng hơn 3 giờ chiều, cả đoàn như vỡ òa khi đặt chân đến thác. 

Trước mắt là dòng nước trắng xóa đổ xuống không ngớt, tạo nên tiếng reo như tiếng nhạc đồng vọng của đá núi, cây rừng. Một khung cảnh như thực, như hư, huyền ảo, đẹp đến nao lòng.

Bao nhiêu mệt mỏi đã tan biến, một cảm giác tuyệt vời nhất khi đắm mình trong làn nước mát trong của ngọn thác.

Từ chân lên đỉnh thác, thoạt nhìn rất gần, nhưng để lên đến đỉnh thác phải đi đường vòng, xẻ lèn, ngoằn ngoèo qua 3 đỉnh núi mới tới được nơi. Để đảm bảo sức khỏe, lấy sức cho hành trình chinh phục đỉnh thác vào ngày hôm sau, các thành viên đoàn quyết định dựng lán nghỉ ngơi ngay dưới chân thác.

Ngày hôm sau, phải hơn 1 giờ chỉ bám vách đá mà leo rồi đi đường vòng, đoàn khám phá đã đặt chân tới đỉnh thác.

Ngay tại vị trí đẹp nhất của ngọn tháp còn ngủ yên này, ông Đặng Quốc Vinh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gọi đây là chuyến đi lịch sử. Ông Vinh tin tưởng, qua khảo sát, có thể khẳng định, thác Vũ Môn có tiềm năng, lợi thế du lịch hết sức to lớn, đặc biệt là độ cao, nhiệt độ, khí hậu, khu rừng nguyên sinh... Từ những tư liệu, khảo sát trước đây, Phó chủ tịch Hà Tĩnh khẳng định sẽ có báo cáo toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm sớm biến thác nước huyền thoại thành điểm đến lí tưởng của du khách trong và ngoài nước. 

Bài: Văn Dũng

Ảnh: Thành Biển - Lê Sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét