Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Khám phá những món ăn Tết cổ truyền của người miền Trung không nơi nào có

Tết Nguyên Đán là một dịp lễ quan trọng đối với người dân cả nước, và mâm cổ Tết thì còn quan trọng hơn cả với cực nhiều những món ăn được chuẩn bị cầu kì, tỉ mỉ với mong ước cho một năm mới an lành, suôn sẻ. Tuy nhiên Việt Nam là một đất nước cực kì đa dạng về văn hoá và có bề dày lịch sử sâu sắc nên cũng cùng là một mâm cỗ ngày Tết, lại không vùng nào giống với vùng nào. Hôm nay, hãy cùng chúng mình điểm qua một số món ăn độc đáo trên mâm cỗ Tết miền Trung nhé!

Tôm Chua

Nếu như đã từng du lịch đến Huế thì bạn hẳn phải có một lần được người ta mời chào và giới thiệu tôm chua Huế như một món đặc sản miền Trung thơm ngon và tinh tế. Quả thật là thế bởi vì thật không thể tìm được một mâm cỗ Tết miền Trung mà không có món tôm chua này. Chỉ trong một lọ tôm chua, đã có đến biết bao loại nguyên liệu đếm không xuể như củ riềng, tỏi, ớt, vị chua từ khế, vị chát từ quả vả cùng các loại rau thơm... Tôm chua đậm đà, có vị ngọt bùi lẫn tí cay chua. Tất thảy những hương vị này hoà quyện với nhau tạo nên một món tôm chua miền Trung độc nhất.

Dưa Món

Dưa món, dưa chua, dưa giá... hay tất tần tật phiên bản các loại dưa là món không thể thiếu trong hầu hết các mâm cỗ Tết mỗi miền. Dưa món có vai trò như khai vị, cũng có vai trò "rửa miệng" để làm mới vị giác sau mỗi món ăn để tránh cảm giác quá béo hoặc quá ngậy, đồng thời vị chua trong dưa món cũng giúp hệ tiêu hoá tránh "quá tải" trong những ngày này. Tuy nhiên dưa món miền Trung nổi bật với các miếng dưa được cắt to hơn so với những miền khác, có thể không đều nhau. Điểm đặc biệt nhất của dưa món miền Trung hẳn là vị giòn từ các loại rau củ quả như cà rốt, su hào và đu đủ.

Thịt lợn ngâm mắm

Thịt lợn ngâm nước mắm là một đặc sản miền Trung thường có mặt trên mâm cỗ cũng như những bữa cơm trong những ngày này. Thịt lợn ngâm mắm thường là thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò, được buộc lại thành những đòn như bánh tét, luộc cho chín tới rồi ngâm với hỗn hợp nước mắm, giấm và đường trong ít nhất ba ngày. Món thịt lợn ngâm mắm này khá phổ biến với cả người miền Nam, song để ăn vào những ngày Tết thì thường chỉ có người miền Trung mà thôi.

Giò Bò

Hình như đó là quy luật bất thành văn khi mà mâm cổ của bất kì miền nào cũng phải có một món giò thịt. Ở miền Bắc ta có giò thủ, ở miền Nam phổ biến giò lụa thì ở miền Trung ta có giò bò. Giò Bò miền Trung đặc biệt có nhiều tiêu sọ, mùi tiêu thơm nức mũi khi mở ra. Giò bò miền Trung thường được làm từ thịt bò 100% mà không thêm bất kì loại ngũ cốc hay loại thịt nào khác để trợ vị, nên thành phẩm cuối cùng thường rất đậm vị bò. Thịt bò được chọn làm giò thường là các loại có ít mở để chả mềm và có độ bám hơn. Giò bò hay chả bò là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết miền Trung cũng như các bữa ăn trong những ngày Tết.

Bánh Tổ

Bánh Tổ là món bánh có nguồn gốc từ Quảng Nam, được người Hoa di cư mang vào. Ban đầu, món bánh này được làm ra để thờ cúng tổ tiên nên được gọi với cái tên là bánh Tổ. Qua biết bao nhiêu năm, con người miền Trung vẫn dùng loại bánh này vào ngày Tết để thờ cúng trưởng bối đã khuất. Nguyên liệu làm bánh Tổ chủ yếu là nếp và đường, bánh tổ nổi tiếng hấp dẫn với lớp mật bóng loáng rắc mè trên cùng. Bánh Tổ không được ăn ngay sau khi hấp mà phải đem phơi khoảng 3 - 4 ngày. Đây cũng giống như bánh Tét hay bánh chưng, là một loại bánh để lâu được trong ngày Tết.

Những người sành ăn còn cho rằng bánh Tổ sẽ ngon nhất khi nấu xong và phơi nửa tháng. Lúc này mà đem chiên lên ăn thì ngon cực kì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét