Trong một đợt có dịp đi du lịch đến đảo Jeju của Hàn, tôi được kể lại rằng: cây quýt Hallabong trứ danh còn được người dân nơi đây gọi là cây hoàng kim, nghĩa là cây vàng, hoặc cây "cử nhân". Bởi nhà nào mà có một cây thì chẳng cần phải lo gì cũng có thể nuôi con học hết đại học. Một cây như thế có thể nuôi hết đời cử nhân này đến đời cử nhân khắc nên được gọi như vậy.
Bởi vì có một sự thực là quýt Hallabong đắt như vàng vậy. Rốt cuộc cái quả nhăn nheo này có gì mà thần thánh (và cả đắt) như vậy?
Hương vị
Trước tiên, hãy bàn tới điều cơ bản của thực phẩm, chính là hương vị. Không phải tự nhiên mà quýt Hallabong được xem như một trong những sản vật hấp dẫn khách du lịch nhất ở Jeju. Dù giống cam, quýt Hàn đã nổi tiếng với vị ngọt và mùi thơm nồng nàn, quýt Hallabong ở Jeju còn hơn thế nữa khi được ví như "sắc nước hương trời", thơm ngon đặc biệt do thừa hưởng hết những điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi ở đảo.
Những quả quýt Hallabong đã lớn lên giữa một vùng ôn đới ấm áp, nuôi bằng đất núi lửa giàu dinh dưỡng cùng những cơn gió biển lồng lộng. Điều này tạo ra hương vị hết sức đặc biệt: Ngọt nhưng không gắt, chua nhẹ ở đầu lưỡi, và mùi thơm nồng nàn còn đọng lại thật lâu trong cuống họng. Điều đặc biệt, Hallabong đã "khổng lồ" lại còn mỏng vỏ, dày thịt và cực kì mọng nước. Nói phiến diện một chút, đối với người may mắn được thử qua một quả Hallabong như tôi thì loại quýt này hoàn toàn xứng đáng với danh tiếng mà người ta gán cho nó. Chỉ với một nhát cắn đầu tiên thôi, toàn khoang miệng đã thấy thơm lừng hương quýt, và nước thì trào ra từ trong múi. Nước ngọt ơi là ngọt, song thanh và không quá gắt. Vị chua đọng lại trên đầu lưỡi chứ không ăn sâu vào trong cuống họng như một số loại quả chua khác.
Mà phàm ở đời, của hiếm là của quý. Hallabong đã ngon lại chỉ có thể trồng ở Jeju mới đạt được hết tinh hoa vị giác, kết quả là, người nông dân Jeju chỉ cần trồng quýt cũng có thể trở thành đại gia miệt vườn. Giá trung bình cho 3 - 4 quả quýt (khoảng 1 kg) là 500.000 VND, nếu bạn mua tại vườn. Với hàng trăm kí quýt được xuất khẩu cho ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm khác, giá quýt lại còn được dội cao thêm nữa.
Vì thế mà người Hàn hay đùa nhau, nhà nào ở Jeju có một cây quýt, là đủ nuôi con học hết 4 năm đại học.
Cái giá của văn hóa
Dĩ nhiên nếu chỉ vì hương vị thơm ngon, người Hàn và khách du lịch sẽ không sẵn sàng móc hầu bao cho hàng trăm kí quýt mỗi lần ghé thăm Jeju. Những quả quýt Hallabong nhăn nheo sần sùi lại là minh chứng sống động cho khả năng quảng bá văn hóa, lẫn niềm tự hào với giá trị truyền thống của người Hàn Quốc.
Bên cạnh việc quảng bá Hallabong, idol Kpop còn thường mang quýt tặng fan như cách thể hiện quan tâm.
Từ xa xưa, quýt Hallabong được săn đón vì hình dạng khác thường của mình: Quả phình to, đầu nhỏ và nhọn, màu vàng óng ánh như chum tiền. Người ta tin rằng sở hữu những quả quýt này sẽ đem lại may mắn về tài lộc. Hàng trăm năm trôi qua, dù bị ảnh hưởng bởi văn hóa Âu Mỹ ít nhiều, nhưng những yếu tố truyền thống vẫn ăn sâu vời đời sống người Hàn hơn chúng ta tưởng. Người Hàn vẫn đổ xô đi mua và thưởng thức quýt Hallabong tại Jeju, đem về nhà như một thứ bùa may cho mình và gia đình, bạn bè.
Hallabong còn được gọi là quả "chum vàng" vì trông như hũ đựng vàng ngày xưa.
Mặt khác, dưới sự hậu thuẫn của chính phủ, quýt Hallabong được nâng tầm thành đại diện của địa phương nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá nét đẹp văn hóa hơn là một loại thực phẩm. Nếu tới Jeju, bạn sẽ thấy Hallabong ở khắp mọi nơi như một visual đích thực trong nhóm nhạc Kpop. Hallabong được trồng trên dọc đường đi, trong hàng trăm khu vườn mở, được mở cả bảo tàng riêng, được áp dụng vào bào chế mỹ phẩm, chocolate và các loại sản phẩm ăn theo trời ơi đất hỡi khác – mà hàng năm người ta vẫn đổ xô mua.
Hallabong được "feat" với vô số sản phẩm khác nhau từ món ăn đến mỹ phẩm.
Đơn giản vì, đã tới Jeju sao lại có thể không thử quýt Hallabong trứ danh cơ chứ? Người Hàn đã thành công trong việc truyền bá văn hóa của mình như thế đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét