Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Khám phá "phản đề" của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống

Có thể bạn không biết, đang có một "cuộc chiến" vẫn luôn lặng lẽ diễn ra nhiều năm nay trong giới ẩm thực. Đó không phải là một cuộc chiến cá nhân giữa hai đầu bếp tài ba nào đó, cũng không phải cuộc chiến với quy mô vùng miền như thức ăn vùng này "đấu" với thức ăn vùng khác, đó cũng không phải là cuộc cạnh tranh giữa hai thương hiệu. 

Đây là một cuộc chiến rộng hơn thế rất nhiều giữa hai trường phái "nhanh" và "chậm". Đây chính là cuộc chiến giữa fast food (thức ăn nhanh) và khái niệm vừa quen vừa lạ: slow food (thức ăn hữu cơ, truyền thống).

Slow food là gì? Khái niệm slow food đã ra đời như thế nào?

Mọi thứ bắt đầu vào một ngày hè đẹp trời năm 1985, người Mỹ đem cửa hàng McDonald's đầy tự hào của mình đặt tại con phố sầm uất nhất Roma, gần các nhà hàng pizza trứ danh và những nhà mốt nổi tiếng. Trái với sự hồ hởi của người Mỹ, chủ cửa hàng Valentino miêu tả ông hàng xóm bằng giọng điệu đầy phẫn nộ: "Họ (Mcdonalds) đã đem đến thứ tiếng ồn khủng khiếp và một mùi chiên xào không thể chịu nổi bao trùm không khí!"

Vậy là cuộc chiến không hồi kết giữa fast food (thức ăn nhanh) và slow food (thức ăn hữu cơ, truyền thống) đã bắt đầu như vậy đấy.

Khám phá phản đề của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống - Ảnh 1.

"McDonald's đã lỡ "đụng chạm" đến Ý khi quyết định mở một nhà hàng ở ngay Thành Vatican" (Nguồn: Thedailymeal).

Tự hào với nền ẩm thực cổ truyền hàng trăm năm, nguyên liệu tươi ngon lấy từ những bờ biển và đồng cổ xung quanh cùng các công thức cầu kì luôn được làm thủ công (made from scratch), người Ý không thể nào chấp nhận ý tưởng về những món ăn dầu mỡ, nấu nhanh ăn nhanh và no cũng nhanh do McDonald's mang đến. 

Dẫu cả châu Âu khi đó đang say đắm với sự tiện lợi của fast food, nước Ý quyết bảo vệ những giá trị ẩm thực truyền thống trước ông khổng lồ người Mỹ. Bằng chứng là tổ chức Arigola được thành lập vào năm 1986 nhằm chống lại sự mở rộng của McDonald's tại Rome, và dần dần phát triển thành tổ chức Slow Food với hàng trăm chi nhánh trên thế giới. Slow food là một phản đề của fast food, với niềm tin về những giá trị lâu dài của ẩm thực, hơn là sự tiện lợi nhất thời.

Slow food là một phản đề của fast food, với niềm tin về những giá trị lâu dài của ẩm thực, hơn là sự tiện lợi nhất thời.

Khám phá phản đề của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống - Ảnh 3.

Logo của phong trào Slow Food. Nguồn: Italymagazine.

Slow food - hiện thân của các giá trị ẩm thực khó có thể thay thế 

Không thể phủ nhận những tiện ích thức ăn nhanh đem lại cho cuộc sống hiện đại: Món ăn chế biến nhanh hơn, chất lượng trăm cái hoàn hảo như một và mùi vị cũng không hề tệ. Thế nhưng, fast food đã tước đi một trong những "gia vị" quan trọng nhất của ẩm thực - chính là thời gian.

Cuộc bài trừ McDonald's của người Ý có thể bị xem là bảo thủ, cho đến khi chúng ta nhìn vào lịch sử ẩm thực nước này. Tất cả những đặc sản tinh hoa như phô mai, pizza, thịt xông khói đều không thể nấu nhanh. Nhẹ nhàng thì ủ vài tiếng, kì công có thể "ngậm hơi đất" vài chục năm. Sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong khâu chế biến là chìa khóa làm nên giá trị ẩm thực Ý nói riêng, và nhiều nền ẩm thực lớn nói chung. 

Khám phá phản đề của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống - Ảnh 4.

Ý thức được điều đó, tổ chức Slow Food đã hoạt động với tôn chỉ nấu chậm, ăn chậm, tốt cho sức khỏe và tôn trọng môi trường. Tổ chức có những gạch đầu dòng rõ ràng để bảo tồn phong cách ăn chậm, ví dụ như sử dụng các phương thức chế biến tốn thời gian nhưng tốt cho sức khỏe như hầm, ninh và ưu tiên dùng nguyên liệu hữu cơ, trồng tại địa phương. Cần tránh chiên xào và sử dụng nguyên liệu không tự nhiên.

Slow food yêu cầu người ta tạm gác lại những lợi ích nhất thời, học cách ăn sao cho tốt với mình lẫn cả môi trường, mới có thể duy trì nền ẩm thực thế giới dài lâu. Slow-food yêu cầu người ta tạm gác lại những lợi ích nhất thời, học cách ăn sao cho tốt với mình lẫn cả môi trường, mới có thể duy trì nền ẩm thực thế giới dài lâu.

Slow food tồn tại để bảo vệ những giá trị truyền thống, và chắc rằng chúng không bị lãng quên.

Mặt khác, cần phải chỉ ra một điều về slow food, rằng khái niệm này không ra đời với mục tiêu duy nhất là "hạ bệ" fast food, hoàn toàn không. fast food có cái hay của riêng nó cũng như những giá trị nhất định phù hợp với xã hội và nhịp độ sống cùng nhu cầu của con người hiện đại. Đúng vậy, slow food không ra đời để "dìm" fast food, slow food tồn tại để bảo vệ những giá trị truyền thống, và chắc rằng chúng không bị lãng quên.

Slow food và nền ẩm thực Việt

Năm 2013, một Việt Kiều tại Ý đã chiến thắng giải thưởng nấu ăn của hiệp hội Slow Food, với một bí quyết mà mỗi đứa trẻ mang dòng máu Việt Nam đều không xa lạ gì: nước mắm. Dường như luôn có một mối liên hệ sâu sắc giữa tinh thần slow food của nước Ý với ẩm thực truyền thống Việt Nam. 

Hai giá trị quan trọng nhất trong slow food – sử dụng nguyên liệu địa phương gần gũi, và nấu nướng ăn uống với tốc độ chậm – đều thể hiện rõ nét trong ẩm thực hàng ngày của chúng ta.

Khám phá phản đề của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống - Ảnh 7.

Cốm Hà Nội, một đặc sản chỉ có vào mùa thu thể hiện tinh thần "mùa gì thức nấy".

Quả nhiên nếu nhìn lại, người Việt là bậc thầy trong việc biến những thứ cỏ nội hoa hèn trong vườn thành thức ăn ngon. Mùa gì thức nấy, "thu ăn măng trúc đông ăn giá", cả nền ẩm thực trăm năm của Việt Nam có thể tóm gọn lại bằng bốn mùa và ba miền: Mùa hè oi nồm có bún ốc nguội, mía ướp lạnh, sâm bổ lượng mát người, mùa thu se se có hương cốm làng Vòng, mùa đông có đủ loại đặc sản vừa ăn vừa hít hà như khoai nướng, hạt dẻ, chè nóng, v.v… Việc sử dụng những thực phẩm theo mùa đem lại loạt giá trị không ngờ cho ẩm thực Việt. Thứ nhất, món vào mùa lúc nào cũng ngon hơn trái mùa. Thứ hai, ăn đúng với đặc tính thời tiết giúp cơ thể thích nghi tốt hơn, tăng cường sức khỏe giống nòi rõ rệt, Và cuối cùng, nhờ sống thuận theo tuần hoàn của tự nhiên mà cây trái, lương thực của nền ẩm thực ấy luôn có thể tự sản sinh và dồi dào.

Mặt khác, nếu có đủ nguyên liệu đúng mùa, hữu cơ thơm ngon trong nhà rồi, áp dụng phương thức chế biến nhanh gọn lẹ của fast food thì cũng… xôi hỏng bỏng không. Hãy nhìn vào mâm cơm đơn giản hàng ngày thôi, bên trong cũng phải có một món canh, một món thịt, một món xào. Vị chi nấu được cả mâm nóng sốt cho đúng nguyên tắc ngũ hành cũng phải không dưới 30 phút. Đó là chưa kể các phương thức chế biến như kho, hầm, rồi đỉnh cao là ninh xương hàng tiếng đồng hồ cho ra nước dùng quốc hồn quốc túy trong phở và bún – đều chẳng nhanh gọn gì. Nấu đã lâu mà ăn cũng không thể vội. Làm sao người ta có thể bỏ hộp một bát phở như chiếc bánh hamburger, "xách" nó bên mình đi khắp phố phường, khi rảnh rang thì tranh thủ "làm miếng". Sự tận hưởng chậm rãi, những bữa cơm hàng ngày cầu kì, thói quen vừa nhâm nhi vừa tận hưởng không khí và cuộc nói chuyện xung quanh dường như đã nằm sâu trong máu người Việt. 

Khám phá phản đề của Fast Food: phong trào Slow Food và những giá trị truyền thống - Ảnh 8.

Mâm cơm thường ngày của người Việt gần như luôn phải có một canh, một mặn, một xào, một chay.

Sau một chuyến công du nước ngoài, thưởng thức bát phở xứ người có vị không thể nhận ra, đệ nhất ẩm thực gia Nguyễn Tuân đã ngộ ra điều này: "Phở bát của chúng ta không thể thành thứ đồ đóng hộp được đâu!". Ông chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng trở về Việt Nam, ăn món Việt Nam đúng nghĩa, bởi "Bát phở Bắc ăn ở giữa đầu hè di cư, không bao giờ có thể ngon bằng bát phở cổ truyền Hà Nội ngay bên lò than quả bang đỏ giữa ngàn năm vạn vật này".

Âu cũng chả phải lỗi của đồ đóng hộp hay fast food. Chỉ là "good things don't come easy" (Những điều tốt đẹp chẳng đến dễ dàng), đôi khi đợi chờ là hạnh phúc bởi nó mang lại kết quả thoả mãn gấp nhiều lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét