Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Những bộ phim về ẩm thực đình đám mà không thực thần nào nên bỏ qua

Chúng ta hẳn đã từng ít nhất một lần chứng kiến cảnh thất tình kinh điển trong phim Mỹ: như thế này: Nhân vật chính đầu tóc bù xù, pjama xộc xệch, vừa khóc lóc tên người yêu cũ vừa nhiệt tình xử hết một hộp kem cỡ bự. Điều này chứng minh người yêu có thể không có, nhưng thức ăn ngon nhất định phải có – rất nhiều!

Nhìn ở góc độ nghiêm túc hơn, thức ăn thật sự có ý nghĩa an ủi và chữa lành sâu sắc. Với thể chất, vị ngọt từ kem và bánh kẹo giúp ức chế hormone gây stress và làm giảm rõ rệt cảm giác bi quan, thất vọng và lo âu. Đó là lí do những hộp kem XL trở thành biểu tượng quốc dân trong các cuộc thất tình. Ở tầng sâu hơn của tinh thần, dường như tất cả chúng ta đều chia sẻ một ngôn ngữ chung: thức ăn. Dù bạn đang lo lắng về việc gì, dù nỗi buồn của chúng ta có khác nhau, nhưng chẳng ai lại từ chối một bữa ăn nóng hổi thơm phức đặt ngay trước mặt. Một món ngon đôi khi giá trị hơn hàng vạn lời an ủi là thế.

Khái niệm comfort food (thức ăn an ủi) hay healing eating (ăn để chữa lành) từ đó ra đời, lần lượt nhắc nhở chúng ta về những giá trị tuyệt vời của việc ăn uống, bên cạnh việc thỏa mãn vị giác nhất thời. Có một câu nói nổi tiếng trong tiểu thuyết "Căn Bếp" của nhà văn Banana Yoshimoto, và dù bạn có từng đọc qua hay chưa thì có lẽ vẫn sẽ đồng cảm được:

"Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp. Chỉ cần nó là bếp; chỉ cần nó là nơi nấu ăn; thì dù ở đâu; như thế nào; tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã."

Migake, tiểu thuyết Kitchen – Banana Yoshimoto.

Hãy để Mikage của Kitchen, và cả những nhân vật đã được chữa lành bởi thức ăn dưới đây, truyền cho bạn chút cảm hứng về giá trị tinh thần sâu sắc dưới bề mặt ăn uống thường ngày. Mặt khác, đây cũng là một list những bộ phim về ẩm thực siêu tiềm năng để bạn có thể "cày" vào một ngày Chủ Nhật thư thả đấy.

The Ramen girl

Tưởng tượng bạn là một người ngoại quốc tại Nhật Bản, không biết tiếng, không tiền bạc, đi loanh quanh trong một đêm mưa gió, quan trọng hơn, gã người yêu đã lôi bạn tới đất nước này lại vừa đá bạn. Bạn bước vào một cửa hàng ramen bên đường khi đang ướt như chuột lột, để được ông chủ cửa hàng chiêu đãi một bát ramen nghi ngút khói. Niềm hạnh phúc giản đơn ấy đã thật sự cứu sống cuộc đời của Abby trong The Ramen girl. Quá choáng ngợp vì sự thơm ngon của bát ramen nọ, cô quyết tâm theo ông chủ học làm mì, tìm cho mình một niềm đam mê mới tại xứ người và chấm dứt chuỗi ngày không mục đích.

Những bộ phim về ẩm thực đình đám mà không thực thần  nào nên bỏ qua - Ảnh 2.

Xuyên suốt bộ phim, mì ramen đã được nâng tầm từ một món ăn thành tiểu vũ trụ độc đáo với những cảm xúc, quy luật và sức mạnh của riêng nó. Để học nấu một bát ramen ngon, Abby đã dành nửa phim chỉ để "nhìn và cảm nhận"… bát mì. Nhưng chính món ăn được tạo ra từ sự thấu hiểu và tình yêu với thực phẩm mới có thể đem lại sức mạnh chữa lành kì diệu cho bất kì ai ăn nó, như với Abby trước đây.

"Con muốn học nấu ramen. Con muốn làm mọi người hạnh phúc như cách thầy đã làm vậy!"

Eat, pray, love (Ăn, cầu nguyện và yêu)

Bộ phim là bản bí kíp vực dậy tinh thần khi thất tình và thấy cuộc đời lạc lối, mà bắt đầu bằng việc hãy ăn thật ngon. Sau một loạt biến cố từ yêu đương tới sự nghiệp, Liz mất hết tình yêu với cuộc sống và quyết định chu du khắp nơi để tìm lại cảm hứng. Cô nào ngờ cảm hứng sống cô tìm kiếm chả có gì ghê gớm, mà lại nằm trong một lát pizza và đĩa spaghetti nhỏ bé trên đất Ý.

"Tôi yêu rồi. Tôi đang hẹn hò với chiếc pizza của tôi."

Vui vẻ vì được ăn ngon, cảm phục sự kì công và tỉ mỉ khi nấu nướng của người dân xứ này, Liz dần tìm thấy câu trả lời "Tình yêu cuộc sống là gì?". Nào cần gì to tát, chỉ mỗi ngày được thức dậy, được ăn ngon, là chúng ta đã có thêm động lực sống và yêu đời rồi!

Julie & Julia

Tạm gác lại nỗi buồn thất tình và sự vô định của tuổi tẻ, hãy chuyển tới một vấn đề thực tế hơn: Phải làm gì để nuôi sống bản thân và có một sự nghiệp tử tế, khi bạn cái gì cũng không giỏi? Julie & Julia chạy trên hai trục cuộc đời của hai người phụ nữ cách nhau cả chục năm, nhưng cùng chia sẻ những suy tư chung: Sự tự ti và lạc lõng trong thế giới của những người thành công. Trước khi trở thành một đầu bép nổi tiếng, Julia Child đã vật lộn để hòa nhập vào cuộc sống phồn hoa tại Paris – khi chồng bà tới đây công tác. Chả thạo tiếng Pháp, chả biết làm mũ hay đánh poker như các phu nhân khác, bà chỉ có tình yêu mãnh liệt với ăn uống. Từ đó, bà học nấu ăn và thành công từ chính sở thích của mình.

"Bình thường cô thích làm gì?" - "Ăn."

Cuộc đời của Julia đã truyền cảm hứng cho người phụ nữ trẻ Julie, cô quyết định mở một blog nấu ăn – nơi cô có thể tự tin nhất về bản thân thay vì cố so kè lương tháng với hội bà tám trong buổi họp lớp.

Những bộ phim về ẩm thực đình đám mà không thực thần nào nên bỏ qua - Ảnh  6.

Một món ăn ngon có thể giúp bạn tìm được động lực và tự tin nhanh hơn bất kì lớp hướng nghiệp nào.

  

Let's eat (Thực thần)

Những bộ phim về ẩm thực đình đám mà không thực thần nào nên bỏ qua - Ảnh 7.

Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Let's eat khi bàn về sức mạnh hóa giải vạn vật của thức ăn. Series đình đám xoay quanh những người trẻ Hàn Quốc và các vấn đề rất thực: thất nghiệp, ly hôn, áp lực thi cử, ám ảnh ngoại hình,… Food blogger Goo Dae Young là nhân vật cố định xuyên suốt show, đóng vai trò như người dẫn đường cho các nhân vật tới "đạo ăn". Anh luôn xuất hiện với dáng vẻ bảnh bao sáng sủa, nụ cười đến tận mang tai cùng những câu pha trò hãi vỡ bụng. Thế nhưng, chính Dae Young mới là người luôn thiếu thốn từ tình cảm đến tiền bạc. Thứ duy nhất anh có, là niềm tin vào sự chữa lành của thức ăn.

Dẫu các nhân vật có đang trải qua chuyện gì, dường như chỉ cần một câu "Ăn nào!" của anh là có thể kéo họ khỏi căn phòng tối tăm chật hẹp, đến một quán ăn thưởng thức món ngon, và dần dần giải quyết mọi vấn đề.

Let's eat nổi tiếng với các phân cảnh "food porn" vô cùng ngon lành. Nhưng ẩn dưới đó là các mặt tối của xã hội Hàn Quốc, đã được hóa giải một cách chân thực bằng niềm vui ăn uống.

  

Một trong những cây viết ẩm thực vĩ đại nhất nước Mỹ -M. F. K. Fisher – với những tác phẩm trải rộng từ nấu nướng đến mối quan hệ giữa vị giác và tâm lý học , đã tóm gọn toàn bộ triết lý ẩm thực bằng một câu: "First we eat, then we do everything else" (Chúng ta ăn trước tiên, rồi mới làm tất cả những việc còn lại). Cô, cũng như tất cả những tâm hồn ăn uống này đều sâu sắc hiểu được tầm quan trọng của việc ăn uống. Theo nghĩa đen, chúng ta ăn để tồn tại và hoạt động mỗi ngày. Nhưng chính việc ăn uống cũng dạy cho chúng ta cách tận hưởng cuộc sống thông qua những điều tưởng chừng "xôi thịt" và nhỏ nhặt nhất. Có thể sống để ăn ngon, đúng là một niềm hạnh phúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét